Hoá chất trong bồn chứa inox hay trong nước vượt tiêu chuẩn?
Dư luận đang xôn xao về thông tin sản phẩm bồn nước inox mà Trung tâm Kỹ thuật 1 (Tổng cục Đăng ký chất lượng) kiểm định có hàm lượng mangan (Mn) cao gấp nhiều lần tiêu chuẩn cho phép.
Mới đây, Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Toàn Mỹ - nhà sản xuất sản phẩm - đã cung cấp thêm một số thông tin về vấn đề này đến người tiêu dùng đang sử dụng bồn nước inox.
Ông Nguyễn Thế Hoán, Tổng giám đốc Công ty Toàn Mỹ khẳng định: việc nhìn nhận Mn trong thành phần inox sản xuất bồn "tan" trong nước và từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe là chưa có cơ sở khoa học chính xác.
Các kết luận của cơ quan chức năng về hàm lượng hóa chất trong nguyên liệu sản xuất sản phẩm chưa đồng nghĩa với ý kiến cho rằng hàm lượng này sẽ ảnh hưởng có hại cho người sử dụng. Cụ thể, đang có sự nhầm lẫn về khái niệm "vượt tiêu chuẩn" của hàm lượng hóa chất độc hại trong nguyên liệu sản xuất bồn và nước sử dụng.
Minh chứng cho vấn đề này, theo ông Hoán, cả 2 loại nguyên liệu inox mà Cty dùng để sản xuất bồn nước là inox 202 và inox 304 đều đảm bảo mức độ an toàn trong sử dụng với 3 kết quả xét nghiệm của mẫu nước trong bồn mà Toàn Mỹ gửi đến Viện Pasteur (VILAS) kiểm nghiệm trong thời gian gần đây.
Đơn cử, tại phiếu kết quả kiểm nghiệm số 25.243 B ngày 29/11/2006 của VILAS đã cho kết quả hàm lượng Mn là 0,1 mg/l, dưới giới hạn của "nước sạch" là 0,5 mg/l (Quyết định số 09/2005/QĐ-BYT của Bộ Y tế).
Tương tự, hàm lượng các chất NH4, NO2, SO4, Clorua cũng đều thấp hơn khá nhiều so với tiêu chuẩn giới hạn.Bên cạnh đó, phía Toàn Mỹ cũng cung cấp thêm bằng chứng về việc hàm lượng Mn cao trong nguyên liệu inox không đồng nghĩa với việc gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Tại Nhật Bản, hiện đang sử dụng khá rộng rãi loại inox NTKD - 11 có hàm lượng Mn từ 5,5 đến 7,5% và được Viện nghiên cứu thực phẩm Nhật Bản chứng nhận cho phép sử dụng. Chính phủ Italia cũng có một quy định ban hành vào năm 1973 cho phép sử dụng inox 202 để chế tạo các dụng cụ tiếp xúc với thực phẩm như đồ nấu ăn, dao, nĩa...
Ngay tại Việt Nam, hiện vẫn chưa có quy định về hàm lượng Mn trong inox với mức bao nhiêu thì không được phép sản xuất bồn chứa nước.Về vấn đề kết luận của Trung tâm Kỹ thuật 1 là Toàn Mỹ sử dụng loại nguyên liệu inox 202, không đúng mác SUS 304 theo tiêu chuẩn, nhà sản xuất thừa nhận đây là việc nhằm đa dạng hóa sự lựa chọn về giá cả cho khách hàng.
Với giá thấp hơn khoảng 15%, inox 202 chỉ thấp hơn Inox 304 về độ bền, trong khi thành phần hóa học cũng được cấu tạo gần tương tự, cũng có các nguyên tố Ni, Cr nhằm chống mài mòn và gỉ sét. Loại bồn sử dụng inox 202 này chỉ chiếm khoảng 5% trong tổng số sản phẩm của công ty đưa ra thị trường, với nhãn mác Gia Mỹ và giá bán cũng hạ hơn khoảng 10%.
Ông Hoán cũng cho biết thêm là Toàn Mỹ đã ngừng ngay việc sản xuất bồn bằng nguyên liệu inox 202 để chờ kết quả kiểm định chính thức về mức độ ảnh hưởng của sản phẩm từ các cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, thay đổi công bố tiêu chuẩn chất lượng, làm rõ và chính xác hơn các thông tin, nhưng không hạ thấp hơn mức chuẩn về chất lượng sản phẩm mà công ty đã cam kết với khách hàng từ trước đến nay.
Ông Hoàng Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 nhận định: "Vấn đề cơ bản là xét nghiệm thành phần nước đựng trong bồn inox có chứa các chất gây độc hại hay không chứ không phải lấy thành phần của bồn chứa rồi suy diễn đến thành phần nước đựng trong đó.
Thí dụ, chén men sứ dùng ăn cơm trong thành phần của men còn nhiều chất độc hại hơn nhưng ta vẫn dùng ăn cơm hàng ngày. Đó là chưa kể thời gian nước lưu giữ trong bồn là bao lâu, có đủ dài để các chất gọi là độc hại "tan" ra để gây ung thư".
Theo ông Hoán, Toàn Mỹ cũng đã đề nghị các cơ quan chức năng xét nghiệm nồng độ các chất độc hại trong nước chứa trong bồn Inox 202 và dự kiến đến cuối tuần này sẽ có kết quả chính thức.
VNE
|