Thứ Năm, 19/07/2007 06:51

Thất thoát tiền tỉ sau cổ phần hóa

Thành lập từ năm 1979 với tên gọi Công ty Xây lắp, sau đổi tên thành Công ty Xây dựng Bến Tre, năm 2002 thì UBND tỉnh Bến Tre có quyết định thành lập hội đồng xác định giá trị của doanh nghiệp để tiến hành cổ phần hóa (CPH). Đơn vị này thực hiện quyết định giữa lúc doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất, tình trạng tài chính èo uột. Và mọi chuyện phát sinh...

Cổ phần hóa, nhà nước mất tiền tỉ!

Theo biên bản xử lý công nợ ngày 7.11.2003 thì các khoản nợ khó đòi của Công ty Xây dựng Bến Tre đến thời điểm này đã lên tới hàng tỉ đồng. Trong số đó có những khoản nợ rất khó hiểu như: nợ phát sinh từ trước năm 1992 nhưng "con nợ" “không rõ là ai, không biết nguyên nhân” là 5,1 triệu đồng. Nợ trước năm 1992 nhưng “hiện người nợ nghèo, bỏ xứ…” hơn 33 triệu đồng. Rồi nợ “do nguyên nhân khách quan” 542,4 triệu đồng. Nợ “đã có ý kiến xử lý từ năm 1993 nhưng chưa đòi được” là 49,8 triệu đồng. Riêng khoản nợ do các đội thi công (trực thuộc công ty) chiếm dụng lên tới 640,9 triệu đồng và nợ không có khả năng thu hồi tại một nhà máy của tỉnh là 988,9 triệu đồng…

Từ những số liệu trên cho thấy Công ty Xây dựng Bến Tre được CPH trong lúc tình trạng tài chính hết sức bê bối, không lành mạnh. Vì vậy, để tiến trình “CPH được thuận lợi”, Sở Tài chính Bến Tre đã có văn bản trình UBND tỉnh giải quyết số nợ nói trên theo hướng “xử lý giảm nợ và giảm vốn” cho DN và tờ trình này được Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Hà bút phê :“Thống nhất theo đề nghị”. Vậy là chỉ mới chuẩn bị CPH, ngân sách nhà nước đã thất thoát hết 2,260 tỉ đồng. Ngày 6.5.2004, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Tấn Khổng ký quyết định chuyển Công ty Xây dựng Bến Tre thành Công ty CP Đầu tư và xây dựng Bến Tre theo nghị định 64/2002/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, giá trị DN tại thời điểm kiểm kê để CPH là 45,7 tỉ đồng.

Nhưng, thay vì tổ chức đại hội cổ đông và huy động vốn để hoạt động theo điều lệ công ty cổ phần, hơn 3 tháng sau khi có quyết định CPH, Giám đốc Nguyễn Văn Hồng lại có tờ trình gửi Tỉnh ủy Bến Tre để “xin hỗ trợ vốn kinh doanh”! Trong tờ trình nầy, ông Hồng ‘‘than’’ rằng doanh thu hàng năm của công ty đạt gần 50 tỉ đồng, nhưng vì vốn lưu động quá ít nên phải thường xuyên vay ngân hàng, bây giờ ngân hàng không tiếp tục cho vay vì hết hạn mức. Các nhà thầu cũng từ chối không tiếp tục cung cấp vật tư vì nợ quá hạn chưa thanh toán. Do vậy, “để công ty hoạt động bình thường", ông Hồng đề nghị Tỉnh ủy Bến Tre hỗ trợ 4 tỉ đồng để... công ty vượt qua khó khăn!

Cổ phần hóa để… phá sản!

Tại đại hội cổ đông ngày 24.12.2004, ông Nguyễn Văn Hồng (Giám đốc Công ty Xây dựng cũ) được bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Đầu tư-xây dựng Bến Tre. Nhưng CPH xong thì hàng trăm công nhân lâm vào cảnh thất nghiệp vì một số công trình buộc phải ngừng thi công, do hết tiền! Kết quả kinh doanh liên tục thua lỗ, tổng chi phí vượt hơn tổng doanh thu.

Tại cuộc họp bàn cách ‘‘cứu’’ doanh nghiệp (ngày 23.3.2005), Phó giám đốc Võ Văn Thiện đề nghị UBND tỉnh chỉ định thầu cho công ty một số công trình, đồng thời đề nghị ngân hàng khoanh nợ..., nhưng không được chấp nhận. Tình hình nghiêm trọng đến mức DN không có tiền trả lương công nhân. Trong 146 cổ đông đã đăng ký mua 35,42% vốn điều lệ thì mới chỉ có 19 cổ đông nộp tiền mua (chiếm 8,89%). Số cổ phiếu bán ra ngoài thực chất là do chủ nợ vì không đòi tiền được nên đã chuyển sang góp vốn. Và ngày 25.10.2005, Giám đốc Nguyễn Văn Hồng ký đơn gửi UBND tỉnh “xin được giải thể Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bến Tre theo hình thức giải thể... công ty nhà nước”!?

Thế là hàng trăm lao động phải dở khóc dở mếu vì DN bị xóa sổ nhưng họ không được hưởng chế độ trợ cấp do đã CPH. Theo đề xuất của ông Nguyễn Văn Hồng, UBND tỉnh Bến Tre đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị giải quyết trợ cấp cho 222 lao động, nhưng bị Bộ Tài chính từ chối vì sai luật. Sau đó, UBND tỉnh Bến Tre tiếp tục có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị cho phép giải thể Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bến Tre theo hình thức giải thể DN nhà nước, đồng thời giải quyết chính sách cho 222 lao động… nhưng không được Thủ tướng chấp thuận. Không còn cách nào khác, ngày 22.3.2006, công ty tổ chức họp đại hội cổ đông và biểu quyết yêu cầu nộp đơn xin phá sản.

Xin rút lại cổ phần hóa!

Điều kỳ lạ là trong khi DN vẫn chưa có quyết định phá sản thì Phó giám đốc Võ Văn Thiện (do đại hội cổ đông bầu) lại được Giám đốc Sở Xây dựng Bến Tre ký quyết định điều động tới đơn vị khác và được thăng chức. Khó hiểu hơn, mặc dù Thủ tướng đã có ý kiến chính thức nhưng tại cuộc họp ngày 4.8.2006, Giám đốc Nguyễn Văn Hồng lại tiếp tục “đề nghị các ngành tham mưu UBND tỉnh cho xin rút lại quyết định cổ phần hóa và đăng ký kinh doanh”! Đại diện của một ngành có liên quan còn phát biểu: “Việc đánh giá tài chính trước khi CPH là không lỗ. Khi có quyết định CPH và cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh vẫn chưa phát hiện lỗ”! Do vậy, ông đề nghị UBND tỉnh… rút lại quyết định CPH!

Bị đưa vào bước đường cùng, hàng trăm lao động đã ký đơn tố cáo hiện tượng khuất tất xảy ra tại DN. Theo họ, một trong những nguyên nhân đưa DN đến phá sản là cách quản lý tùy tiện, lỏng lẻo đến mức khó hiểu. Như công trình phà Tân Phú bị quyết toán khống “tiền mua cây kiểng” gần 200 triệu đồng. Rồi hạng mục nhà quản trang của công trình nghĩa trang liệt sĩ huyện Chợ Lách, theo dự toán chỉ 400 bao xi măng nhưng được cho ứng tới 2.000 bao! Chiếc xe cạp đất mua 475 triệu đồng bằng tiền vay ngân hàng, được Giám đốc Nguyễn Văn Hồng ký hợp đồng cho Võ Hoàng Tuấn (Đồng Nai) thuê để thi công công trình ở Đồng Tháp trong thời hạn 3 tháng, giá 63 triệu đồng. Nhưng chỉ mới thu tạm ứng 21 triệu đồng, 2 năm sau, công ty cho người sang Đồng Tháp kéo xe về rồi bán được… 59 triệu đồng!

Khi DN vỡ nợ cũng lộ ra nhiều cá nhân chiếm dụng tiền tỉ chưa thanh toán, mặc dù trước khi CPH, tỉnh đã cho xóa nợ hàng tỉ đồng. Cũng theo tố cáo thì trong lúc 7 đội thi công của công ty hoạt động ì ạch vì không có hợp đồng, thì các vị trong ban giám đốc ai cũng có đội thi công riêng. Sau khi DN ngừng hoạt động, nhiều vị đã bán hoặc rao bán xà lan, nhà, đất trị giá hàng tỉ đồng, trong khi người lao động lâm cảnh túng cùng, không ít người phải đi bán vé số kiếm sống.  

Thanh nien

Các tin tức khác

>   “Hồng lên” nhờ cổ phần hóa (18/07/2007)

>   Vinacafe sẽ trồng 3.000 ha cà phê tại Lào (18/07/2007)

>   TTFC công bố 10 cổ đông chiến lược (18/07/2007)

>   CTCP gạch ngói gốm Mỹ Xuân: Khẳng định độ “chín” (18/07/2007)

>   ĐBSCL: Cty đầu tư Tài chính đầu tiên đi vào hoạt động (18/07/2007)

>   "Câu chuyện" cổ phần hóa bệnh viện về đâu? (18/07/2007)

>   Bất lợi nếu hoãn các đợt IPO (18/07/2007)

>   Chấp thuận nguyên tắc việc chào bán cổ phiếu của Cty cổ phần CAFICO Việt Nam (17/07/2007)

>   Thông tin đăng ký làm đại lý đấu giá của Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (17/07/2007)

>   Đối ngoại bằng cổ phiếu: “tảng băng” chìm (17/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật