Thứ Ba, 17/07/2007 16:16

Đối ngoại bằng cổ phiếu: “tảng băng” chìm

Vinamilk vừa có công văn gửi TTGDCK TP. HCM giải trình về việc một số tờ báo đưa tin Công ty dùng cổ phiếu để đối ngoại, nội tình vụ việc vẫn đang được cơ quan thanh tra xem xét song dư luận tỏ ra rất quan tâm bởi đây không phải trường hợp cá biệt. Ông Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chia sẻ với ĐTCK-online về vấn đề này.

Ông nhìn nhận câu chuyện dùng cổ phiếu để đối ngoại tại các doanh nghiệp cổ phần hóa như thế nào?

Chuyện cho, biếu, tặng hay bán giá rẻ cổ phần ưu đãi để đối ngoại trong quá trình cổ phần hóa lâu nay vẫn được xem là chuyện bình thường. Nhưng cái bình thường ấy lại không bình thường chút nào khi phần lớn người lao động bị thiệt thòi về quyền lợi. Dư luận đã đề cập đến vấn đề này rất nhiều song chưa có vụ nào được phát hiện do những sai phạm được hợp lý hóa một cách tinh vi.

Sai phạm thường khởi đầu từ phân phối cổ phần không công bằng và thiếu minh bạch về thông tin, xuất phát từ cơ chế chênh lệch hai giá: giá ưu đãi cho người lao động và giá thị trường. Phần lớn người lao động bị vi phạm lợi ích khi không được thông tin đầy đủ hoặc được thông tin kèm theo những điều kiện khiến họ khó đáp ứng được ngay. Từ đó nảy sinh việc bớt xén cổ phần của người lao động, đối ngoại theo diện giá rẻ như cho. Thậm chí có doanh nghiệp, người ta có thể làm thủ tục nhận con, cháu các vị lãnh đạo vào làm tại công ty ngay khi tiến hành cổ phần hóa để chia cổ phần và hợp lý hóa việc biếu cổ phiếu. Một sai phạm phổ biến là trục lợi từ việc bưng bít, che giấu thông tin, vụ đấu giá cổ phần tại Công ty Xuất nhập khẩu Intimex (Bộ Thương mại) vừa qua là một ví dụ khi người ta lờ đi giá trị quyền sử dụng đất ở vị trí đắc địa tại trung tâm Hà Nội nhằm hạn chế người tham gia đấu giá. Việc biếu không cổ phần hoặc bán giá rẻ hiện khó tồn tại hơn bởi quy định về cổ phần hóa và bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng chặt chẽ hơn thời kỳ cổ phần hóa nội bộ.

Ở nhiều doanh nghiệp, chuyện dùng cổ phần để đối ngoại được lãnh đạo đưa ra lý do rằng, sẽ đem lại lợi ích lớn cho công ty? Theo ông, đây có phải là ngụy biện?

Với bất kỳ công ty nào, khi thực hiện cổ phần hóa cũng tính đến lợi ích của các nhóm đối tượng như CBCNV, đối tác, nhà cung cấp nguyên liệu, thậm chí cả các cán bộ đã về hưu. Khi những tỷ lệ đã được xác lập, bất kỳ sự vi phạm nào cũng ảnh hưởng tới quyền lợi của các nhóm đã được mua.

Vi phạm làm tổn hại lợi ích của người lao động song vẫn được bao biện là đem lại lợi ích cho nhà máy và người lao động gián tiếp được hưởng lợi ích đó. Người bị vi phạm có quyền khởi kiện nếu sai phạm xảy ra, xử lý nhẹ nhất về mặt dân sự là trả lại lợi ích hợp pháp cho người bị mất. Tội hình sự được xác lập khi có dấu hiệu lừa đảo, che dấu thông tin để người có quyền lợi không mua được.

Có những giai đoạn cổ phần hóa, việc bán cổ phiếu rất khó khăn, người lao động không mua nên buộc lãnh đạo phải mua để làm gương. Ông nhận xét gì về ý kiến này?

Điều đó không là ngụy biện nếu phương án được duyệt nhưng người lao động mua không hết, nếu thông tin được công khai, minh bạch thì không có vấn đề gì. Ở thời kỳ đó, giá trị doanh nghiệp không tính quyền sử dụng đất nên rất thấp, cổ phiếu giá rẻ như cho, ví dụ như Khách sạn Phú Gia (Hà Nội) được định giá có hơn 3 tỷ đồng, trong những trường hợp ấy cần xem xét những điều kiện và cách thức doanh nghiệp bán cổ phần cho CBCNV có gây áp lực cho họ không để đến mức họ không mua hết, và dôi ra cổ phiếu thừa rồi bao biện rằng, người lao động không mua thì lãnh đạo bỏ tiền mua hộ và có đặc quyền được mua cổ phiếu ưu đãi như người lao động.

Đây là tảng băng chìm của hậu cổ phần hóa và đã đến lúc dư luận cần lên tiếng, có như vậy mới công bằng về lợi ích cho mọi thành phần kinh tế, mọi đối tượng đầu tư.

ĐTCK

Các tin tức khác

>   HIDICO đấu giá bán phần vốn Nhà nước (17/07/2007)

>   May Sài Gòn 2 phát hành thêm cổ phần, tăng vốn điều lệ (17/07/2007)

>   CTCP Sài Gòn Givral tăng vốn điều lệ và bổ sung ngành nghề kinh doanh (17/07/2007)

>   CTCP Bông Sen tăng vốn điều lệ (17/07/2007)

>   Gia hạn Giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu ra công chúng cho CTCP Vincom (17/07/2007)

>   Cấp giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu ra công chúng cho CTCP Đầu tư và Xây dựng Bưu Điện (17/07/2007)

>   Bộ Xây dựng: Nhiều công ty lỗ, giảm lãi sau cổ phần hóa (16/07/2007)

>   Cấp giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu ra công chúng cho PTIC (16/07/2007)

>   PVI và Vinashin ký hợp đồng bảo hiểm gốc trị giá 121 triệu USD (16/07/2007)

>   Bổ sung Quy chế Vincom (16/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật