Thâm hụt buôn bán công nghệ của Mỹ lên tới 102 tỷ USD năm 2006
Theo báo cáo của tập đoàn thương mại lớn nhất trong ngành công nghệ Mỹ AeA công bố ngày 17/7, năm 2006 ngành công nghệ Mỹ đã nhập khẩu nhiều máy tính, các bộ phận công nghệ cao và hàng điện tử hơn là xuất khẩu. Kết quả là thâm hụt thương mại trong ngành này đạt mức cao kỷ lục 102 tỷ USD.
Cụ thể năm 2006, kim ngạch nhập khẩu công nghệ đạt 322 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2005, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Tuy nhiên, con số nhập khẩu nói trên không biểu thị rõ bức tranh toàn cảnh. Nhiều công ty Mỹ, như tập đoàn sản xuất chip máy tính Intel Corp., thiết kế chíp điện tử ở Mỹ, nhưng lại chế tạo chúng tại các nhà máy của họ ở nước ngoài và sau đó nhập khẩu lại Mỹ.
Xuất khẩu công nghệ của Mỹ tăng trong 4 năm trở lại đây, năm 2006 đạt 220 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2005, nhưng vẫn thấp hơn mức cao kỷ lục 223 tỷ USD thời kỳ bong bóng công nghệ cao hồi năm 2000. Hàng công nghệ xuất khẩu chủ yếu gồm hàng bán dẫn, máy tính và thiết bị liên quan, và hàng điện tử công nghiệp.
Theo AeA, xuất khẩu công nghệ chiếm khoảng 21% tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ trong năm 2006. Bang California vẫn giữ vị trí đứng đầu trong các bang ở Mỹ về xuất khẩu hàng công nghệ, đóng góp 24% vào kim ngạch xuất khẩu công nghệ của Mỹ (tương đương 51,8 tỷ USD) trong năm 2006. Đứng sau California là bang Texas, với giá trị xuất khẩu đạt 38,6 tỷ USD, tiếp theo là bang Florida, Massachusetts và Niu Yoóc.
AeA gồm 2.500 thành viên, trong đó có các công ty khổng lồ như Hewlett-Packard Co., Microsoft Corp. và Dell Inc..
AP
|