Tăng dự trữ bắt buộc: Các ngân hàng nói gì?
Giới ngân hàng thương mại bức xúc trước một tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng quá nhanh và mạnh.
Theo quyết định từ Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại bắt đầu thực hiện cất bớt vốn vào kho tương ứng với tỷ lệ dự trữ bắt buộc mới; lãi suất huy động ở khối quốc doanh cũng bắt đầu giảm.
Tăng trưởng tín dụng chưa nóng!
Thông thường, Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ lệ dữ trữ bắt buộc khi tăng trưởng tín dụng nóng. Nhưng thông tin từ các ngân hàng thương mại lại khá bất ngờ: Tăng trưởng tín dụng hiện chưa đến mức quá nóng, thậm chí khá thấp, để có một tỷ lệ dự trữ tăng nhanh và mạnh như vậy.
Cụ thể, theo một lãnh đạo ngân hàng khối quốc doanh, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm của khối thương mại cổ phần cũng chỉ gần 20%; bình quân của 4 ngân hàng quốc doanh lớn tính đến 20/6 cũng chỉ khoảng 12%, trong đó cao nhất như Ngân hàng Ngoại thương cũng chỉ khoảng 18% (5 tháng đầu năm), thấp như Ngân hàng Công thương (Incombank) chỉ khoảng 6,9%.
Còn một mức nóng để Ngân hàng Nhà nước cân nhắc các chính sách, con số lo ngại thường từ 25%.
Và theo khẳng định của lãnh đạo của cả 4 ngân hàng quốc doanh lớn, chiếm tỷ trọng chi phối trong cung tín dụng cho nền kinh tế, hiện tín hiệu tín dụng nóng chưa xuất hiện; cụ thể tín hiệu để ra văn bản này hiện chưa thấy. Nhưng khó khăn đối với họ thì đã thấy rất rõ trước mắt.
Ông Nguyễn Khắc Thân, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), cho rằng mức tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc như thế (từ 5% lên 10%) là rất cao và quá nhanh; theo đó là một loạt khó khăn. Với BIDV, trước mắt là chi phí sẽ đội lên khoảng 0,25%/năm; theo đó lãi suất sẽ phải giảm, nhưng có những ngân hàng cổ phần thiếu vốn sẽ vẫn tăng lãi suất để cạnh tranh một cách đáng lo ngại.
Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cũng e ngại từ sự cạnh tranh nói trên. Bản thân Agribank được áp tỷ lệ dự trữ bắt buộc thấp hơn (8%), nhưng đại diện trên cũng tin chắc rằng giá chi phí đầu vào của ngân hàng sẽ tăng cao, chênh lệch lợi nhuận sẽ thấp đi trong khi hoạt động tín dụng luôn phải đối mặt với rủi ro cao.
Còn theo ông Nguyễn Văn Thạnh, Phó tổng giám đốc Incombank, khi lợi nhuận giảm, ngân hàng còn gặp khó khăn nữa là không biết lấy đâu để trích dự phòng rủi ro theo Quyết định 493?
Do lạm phát?
Nguyên nhân này được đưa ra phân tích như là một cơ sở chính yếu nhất buộc Ngân hàng Nhà nước phải tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Với nguyên nhân này, đại diện các ngân hàng thương mại cho rằng họ sẵn sàng chia sẻ khó khăn bởi kiềm chế lạm phát là nhiệm vụ hàng đầu của Ngân hàng Trung ương.
Cách đây đúng 3 năm, ngày 26/6/2004, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc khi lạm phát 6 tháng đầu năm vượt trên 7%. Và nay, mục tiêu kiềm chế lạm phát thấp hơn tăng trưởng cũng đang rất khó khăn. Ông Nguyễn Danh Trọng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, cũng thừa nhận đó chính là cơ sở để dùng tới công cụ dự trữ bắt buộc.
Ông Trọng cũng đề cập đến một khả năng là nếu sự dụng công cụ đó quá mạnh có thể hạn chế nguồn vốn vào nền kinh tế, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng. “Nhưng dòng tiền vào – ra thường có độ trễ, thắt chặt tín dụng thời điểm này có thể hạn chế lạm phát 6 tháng cuối năm và đầu năm tới”, ông Trọng nói. Và ngoài ra còn phải sử dụng đến công cụ khác.
Một số ý kiến cho rằng có thể dùng công cụ trái phiếu để hút tiền về, nhưng với cách này Ngân hàng Nhà nước sẽ phải trả một giá đáng kể cho lãi suất trái phiếu đáo hạn trong tương lai.
Một lý giải khác có thể xem xét tới khi Ngân hàng Nhà nước tăng mạnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc là một lượng tiền lớn đã được đưa ra để mua vào 7 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm. Ông Trọng cũng thừa nhận đầu vào của ngoại tệ tăng mạnh cũng là một áp lực đối với nhiệm vụ kiềm chế lạm phát hiện nay.
Tuy nhiên, dù chia sẻ những khó khăn trên, 90% trong số đại diện các ngân hàng đưa ra ý kiến đều bức xúc về quyết định tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, ở mức tăng quá nhanh và mạnh. Yêu cầu chung là cần có một lộ trình và mức tăng dần, tránh đột ngột và gây sốc. Đặc biệt, trước một chính sách tác động mạnh đến hoạt động các ngân hàng, họ phải được góp tiếng nói của mình trước đó.
TBKTVN
|