Chống khủng hoảng từ xa
“Đối với nền kinh tế thị trường, ở cả nước phát triển lẫn mới nổi, việc thất bại của một số tổ chức tài chính là điều không thể tránh khỏi, điều này đã xảy ra và sẽ còn xảy ra, Việt Nam không phải là ngoại lệ”, đó là đánh giá của ông Jacques Bussiers, một chuyên gia từng giữ nhiều vị trí quan trọng tại ngân hàng trung ương (NHTW) một số nước trên thế giới.
Cũng theo ông Jacques Bussiers, trong quá trình cải cách lại hoạt động của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam hiện nay, chức năng giám sát tài chính phải được coi trọng không kém chức năng thực thi chính sách tiền tệ quốc gia. Đối với Việt Nam, hệ thống ngân hàng sẽ trở nên dễ bị ảnh hưởng, dễ bị đổ vỡ hơn bởi những thay đổi bên trong và bên ngoài. Do đó, việc tập trung tăng cường hệ thống thanh tra ngân hàng là rất quan trọng ngay từ thời điểm này.
Trong cuộc hội thảo với chủ đề “Quản lý dịch vụ tài chính” vừa được tổ chức đầu tuần này, các chuyên gia quốc tế đều cho rằng, NHNN Việt Nam cần phải tập trung tốt hơn nữa cho chức năng giám sát tài chính của mình, bởi những biến động trong tương lai là điều khó tránh khỏi.
Ngăn ngừa và kiểm soát
Theo các chuyên gia quốc tế, hệ thống tài chính của Việt Nam hiện còn non trẻ và chưa đạt được sự cân bằng. Cụ thể, TTCK chưa đủ chiều sâu, thị trường tiền tệ và trái phiếu còn quá mỏng, và hệ thống ngân hàng chiếm tới 70% trong toàn bộ hệ thống tài chính. Trong tương lai, ngân hàng vẫn được xem là trụ cột chính trong lĩnh vực này.
Theo ông Jacques Bussiers, nếu một công ty bảo hiểm hay một CTCK phá sản thì điều đó là không may, nếu có biến động nhẹ trong khu vực tài chính có thể tạm thời tạo ra tình trạng căng thẳng. Tuy nhiên, tình trạng này không nghiêm trọng bằng hậu quả do thất bại của một ngân hàng gây ra đối với toàn bộ hệ thống tài chính. “Nó không chỉ đe dọa ổn định tài chính mà còn ảnh huởng đến ổn định kinh tế vĩ mô tùy thuộc vào quy mô của ngân hàng bị thất bại”, ông Jacques Bussiers nói.
Không chỉ các nước đang phát triển như Việt Nam mà ngay cả một nước có hệ thống tài chính phát triển như ở Mỹ cũng từng gặp khủng hoảng liên quan tới vấn đề giám sát. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, cơ quan giám sát tại Mỹ đã không nhận thức đầy đủ về hậu quả của quá trình dỡ bỏ quy chế đối với các tổ chức tiền gửi tiết kiệm và tổ chức cho vay. Vào thời điểm đó, lãi suất tăng nhanh khiến nhiều tổ chức bị phá sản, thất bại này đã tác động tới nhiều khu vực và cản trở sự tăng trưởng kinh tế của Mỹ.
Theo ông Ferguson, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, để thực hiện mục tiêu tài chính, NHTW có hai nhiệm vụ chính là ngăn ngừa sự bất ổn định và kiểm soát hậu quả trong trường hợp xảy ra bất ổn định trên các thị trường. Nhiệm vụ đầu liên quan đến việc xây dựng các quy chế tài chính lành mạnh và phù hợp, triển khai hiệu quả công tác thanh tra giám sát các tổ chức tài chính và quản lý tốt hệ thống thanh toán.
Khả năng cảnh báo sớm
Tại Việt Nam hiện nay, NHNN có Vụ Thanh tra, Chi nhánh NHNN các địa phương cũng có Phòng Thanh tra. Công việc của họ được các ngân hàng thương mại mô tả là “định kỳ về thăm”, kiểm tra sổ sách, chứng từ một cách trực tiếp, thậm chí tới từng khoản vay. Hàng năm, trong báo cáo của NHNN đều có đề cập về số lỗi mà thanh tra đã phát hiện.
Nhưng đối với các chuyên gia quốc tế, vai trò quan trọng của thanh tra là khả năng phân tích, dự báo được khủng hoảng và đưa ra được cảnh báo sớm, chứ không phải quá chú trọng vào các công việc mang tính sự vụ.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 90, tại Thái Lan, hệ thống ngân hàng đóng vai trò là kênh dẫn vốn cho sự phát triển kinh tế, đã chấp nhận cách phát triển mạo hiểm đó, mà không lường hết được rủi ro (rủi ro thị trường và rủi ro ngoại hối). Trong khi đó, khung pháp lý và bộ máy quản lý, thanh tra, giám sát phản ứng chậm trước sự thay đổi của môi trường kinh tế. Các thanh tra đã không nhận thức được rủi ro mà tổ chức tài chính trong phạm vi quản lý của họ đang phải đối mặt và khủng hoảng là điều không thể tránh khỏi.
Trong một đánh giá của mình, bà Tarisa Watanagase, Thống đốc NHTW Thái Lan cho rằng, NHTW phải nắm được việc cấp tín dụng của ngân hàng cho các thành phần kinh tế khác và họ kiểm soát rủi ro này như thế nào. Việc này có thể tạo ra những cảnh báo sớm, hữu ích nhằm chỉ ra những sai sót trong một tổ chức hay rủi ro mà sau này có thể đe dọa sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô.
Cũng theo bà Tarisa, kiến thức của NHTW về thực trạng kinh tế có thể hữu ích trong hoạt động thanh tra, giám sát. Thanh tra viên có thể sử dụng kiến thức có được về các điều kiện kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ để phát hiện các yếu tố tiềm ẩn, mà có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức tài chính.
Để có thể làm được điều này thì yếu tố thông tin sẽ đóng vai trò quyết định, sự liên kết mật thiết giữa thanh tra ngân hàng và chính sách tiền tệ được coi là quan trọng nhất vào thời điểm khủng hoảng.
Theo ông Jacques Bussiers, đối với Việt Nam, do thị trường trường tài chính còn đang trong giai đoạn đầu phát triển nên gánh nặng một thời gian dài nữa sẽ đặt lên vai các tổ chức nhận tiền gửi, chiếm 70% trong hệ thống tài chính. Đây là lý do tại sao cần phải tăng cường thanh tra ngân hàng một cách rõ ràng và nhanh chóng để tạo dựng và duy trì lòng tin của người gửi tiền và giúp hệ thống tổ chức nhận tiền gửi phát triển.
ĐTCK
|