DN vừa và nhỏ: Tầm ngắm của các ngân hàng
Theo kế hoạch và chiến lược phát triển thành tập đoàn tài chính bán lẻ đa năng của các ngân hàng trong nước thì loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là đối tượng khách hàng được quan tâm đặc biệt. Ngoài ra, những nhà băng nước ngoài cũng đánh giá cao mảng tín dụng này tại thị trường Việt Nam.
Ngân hàng HSBC cho biết, trong tương lai, bên cạnh các công ty xuyên quốc gia, HSBC sẽ chú trọng hơn đến các đối tượng DNNVV, nên đưa ra nhiều công cụ tiếp cận các loại hình DN kể trên. Tuy nhiên, để thành công, HSBC đã đưa ra chiến lược cụ thể. Trước hết, ngân hàng sẽ tìm hiểu nhu cầu vốn của DN, sau đó tiếp cận và cuối cùng là ký kết hợp đồng tín dụng. Điều này được chứng minh qua cuộc nghiên cứu vừa được HSBC thực hiện mới đây, để tìm hiểu nhu cầu và nguyện vọng của các DNNVV trong nước.
Theo ông Huỳnh Bửu Quang, Giám đốc Dịch vụ Tài chính DN của HSBC tại Việt Nam, các DNNVV luôn nằm trong trọng tâm chiến lược hoạt động của ngân hàng này, trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam. HSBC rất muốn hiểu quan điểm và xu hướng kinh doanh, đồng thời hỗ trợ các DNNVV Việt Nam, vì họ là những người tuyển dụng lớn nhất, tạo ra nhiều công ăn việc làm nhất, và vì thế đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế. Do vậy, Ngân hàng sẽ sử dụng những kết quả từ cuộc nghiên cứu trên để định hình chiến lược phục vụ tốt hơn đối tượng này. “Cuộc khảo sát cho thấy, khoảng 74% DNNVV Việt Nam tiết lộ có kế hoạch đầu tư cho tăng trưởng trong vòng 6 tháng nữa và không có DN nào dự kiến đóng cửa hay cắt giảm sản xuất. Đây chính là cơ hội để các ngân hàng đẩy mạnh tín dụng cho DNNVV”, ông cho biết thêm.
Còn theo bà Namita Lai, Giám đốc phụ trách Ngân hàng Bán lẻ của Standard Chartered (SC) tại Việt Nam, DNNVV cũng là đối tượng khách hàng mà SC nhắm đến trong chiến lược phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ trên thị trường Việt Nam. Theo đó, SC sẽ hỗ trợ tối đa về vốn, cũng như hướng dẫn hoàn tất thủ tục trong quá trình xuất khẩu hàng hóa ra thị trường quốc tế cho các DNNVV. Cách xử lý của SC hiện nay đối với các hồ sơ vay vốn là trong vòng 4 giờ đồng hồ, Ngân hàng phải có câu trả lời “có được vay hay không” cho khách hàng. SC cũng sẽ áp dụng phương thức trên cho các đối tượng khách hàng tại Việt Nam trong thời gian tới, nhằm nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần, nhất là đối với các DNNVV. “Hiện chúng tôi đang tiến hành cuộc khảo sát các DNNVV của Việt Nam để thấy được tâm tư và nguyện vọng của họ. Dự kiến, cuối năm nay, SC sẽ tung ra các sản phẩm cho vay đối với loại hình DN này”, bà Namita Lai nói.
Ông Mike DeNoma, Tổng giám đốc điều hành SC, đồng thời phụ trách Ngân hàng bán lẻ của tập đoàn cho biết, tại bất cứ thị trường nào mà SC đặt chân đến, SC đều quan tâm đến các DNNVV. Với thị trường Việt Nam, trong thời gian tới, SC sẽ giúp các DNNVV trong hoạt động xuất nhập khẩu. Theo ông DeNoma, trên thị trường ở các nước hiện nay, SC không những hỗ trợ DNNVV về vốn, mà còn tìm kiếm thị trường, cơ hội đầu tư cho họ. Chẳng hạn ở Malaysia, rất nhiều DNNVV đến SC để tìm hiểu cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam và đã được Ngân hàng giúp đỡ.
Giám đốc một ngân hàng liên doanh với nước ngoài cho biết, cũng như bao nhà băng khác, chiến lược phát triển của ngân hàng ông trong năm nay và những năm tới là phấn đấu mở thêm mạng lưới hoạt động. Bên cạnh đó, sẽ tăng tốc củng cố đội ngũ cán bộ công nhân viên trong việc tiếp cận khách hàng. Đặc biệt, đối tượng khách hàng là các DNNVV sẽ là đích ngắm của ngân hàng này. Nguyên nhân được vị giám đốc này đưa ra là, trên thị trường Việt Nam, loại hình DNNVV chiếm phần lớn, với tỷ lệ gần 90%, nên tiềm năng cho sản phẩm tín dụng rất lớn. Số DN cực nhỏ và khu vực phi chính thức cũng rất lớn. Những DN thuộc quy mô nhỏ đa số mới thành lập, ít kinh nghiệm kinh doanh và đặc biệt là thiếu vốn để phát triển quy mô sản xuất kinh doanh, nên rất cần nguồn tiền của ngân hàng. Chính đây là cơ hội để các nhà băng ngoại phát triển thị phần, vì lâu nay các DNNVV của Việt Nam rất khó tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng.
ĐTCK
|