Thứ Ba, 03/07/2007 18:03

Sặc nước!

NĐT trong nước bị thông tin “điều tiết thị trường” đánh phủ đầu và bị nhà đầu tư nước ngoài ép giá…

Sặc nước rồi, về thôi! Một nhà đầu tư lâu năm tên Thành tại sàn SSI, nhún vai buông một câu cảm thán cho tình cảnh éo le: thấy gì cũng đẹp, chỉ tội không tiền. Mấy tháng qua, Thành chỉ biết mỗi việc mua vào, mua nữa và mua mãi vì chứng khoán cứ một điệp khúc: đã thấy rẻ lại còn có thể rẻ hơn. Vậy mà anh còn ráng động viên tôi, rồi cũng đến ngày "ông Trời" sẽ thương người có lòng.

Nhà đầu tư bị nhấn nước

Kể từ cái ngày thị trường trở chứng “khó ở” hồi đầu năm, các ngân hàng tự nhiên làm mình làm mẩy khi Thành hỏi vay, mặc dù thành tích tín dụng của anh hơn chục năm nay đúng là không chê vào đâu được. Biệt thự Phú Mỹ Hưng Thành mua cả dãy, doanh nghiệp sản xuất nồi hơi của Thành làm ăn thuận lợi đến mức không dám ký thêm hợp đồng mới. Vậy mà lúc này, anh ta đang sa lầy vì chứng khoán.

“Đầu năm thấy cổ phiếu còn tiềm năng nên mua. Kinh nghiệm đầu tư ba năm nay vẫn thế, ai đầu tư có nguyên tắc và giữ đúng kỷ luật sẽ thắng. Tiền túi cạn thì đem nhà thế chấp vay. Ác nhất là lúc thị trường hơi khó khăn một chút, ngân hàng đã nghĩ ngay đến việc đòi tiền lại”, anh Thành tâm sự. Một nhà đầu tư như Thành mà còn bế tắc, thế mới biết những nhà đầu tư mới đến thị trường lúc này bị dồn đến chân tường, tình cảnh bức bách thế nào.

Các diễn đàn của dân chứng khoán đâu đâu cũng nghe dân tình ta thán. Họ bị rút ruột mỗi ngày do cổ phiếu giảm. Chỉ thị 03 siết ngân hàng và ngân hàng “bóp cổ” nhà đầu tư đòi nợ. Họ bị các quan điểm bi quan theo kiểu “Trời sắp sập” của một số chuyên gia chứng khoán làm thui chột tinh thần. Họ bị thông tin “điều tiết thị trường” đánh phủ đầu và bị nhà đầu tư nước ngoài ép giá…

Nỗi khổ ấy được người ta ví von rằng, ban đầu nhà đầu tư được mời mọc bằng bao lời đường mật nhưng khi họ mới thu gom tiền bạc, chân ướt chân ráo đến thị trường thì ngay lập tức bị đem đi nhấn đầu vào bể nước. Tiền thì không vay được. Cổ phiếu OTC rớt giá thê thảm mà bán không ai mua… Người ta còn thống kê rằng, số nhà đầu tư mới gia nhập thị trường từ tháng 8/2006 đến nay còn đông hơn số người đã đến trong 6 năm trước đó cộng lại. Nghĩa là, phân nửa những người có mặt trên thị trường đang trong cảnh sặc nước.

Sao không đưa Bảo Việt đi điều trị tại Bệnh viện Bình Dân?

Nhiều nguồn tin hành lang cuối tuần qua cho rằng, tỷ lệ bỏ cọc phải đến gần 40% và Bảo Việt sẽ phải đấu giá lại. Lạ thay, đến gần cuối giờ chiều ngày 29/6, một nguồn tin đáng tin cậy cho ĐTCK-online biết, tỷ lệ nhà đầu tư nộp tiền lại tròn trĩnh đến khéo: trong khoảng 70 - 72%. Dù báo chí đang tiếp tục mổ xẻ để nghiên cứu tại sao người ta lại hè nhau rút ruột mình (bỏ tiền cọc) và quay lưng lại với cơ hội của DN lớn nhất trong ngành bảo hiểm Việt Nam, nhưng mối nghi Bảo Việt “có bệnh” chắc đúng thật.

Sao không đưa Bảo Việt đi điều trị tại Bệnh viện Bình Dân? Câu hỏi bâng quơ của một nhà đầu tư làm đám đông, kể cả người viết bài này, cười sượng. Đến lúc này, người ta mới thấm thía câu chuyện được lãnh đạo Bảo Việt kể trong những lần “đem con ra chợ”: chuyện rằng trước ngày đấu giá không lâu, Bảo Việt tự nhiên được Nhà nước hào phóng rót cho hơn 4.000 tỷ đồng, nâng vốn từ mức non 2.000 tỷ đồng lên thành 6.000 tỷ đồng, chuyện rằng trong các năm tới thì lợi nhuận từ bảo hiểm sẽ chỉ đóng góp một phần be bé trong khi lợi nhuận từ các khoản đầu tư cổ phiếu lại lớn hơn, chuyện chọn lựa đối tác chiến lược của Bảo Việt được lãnh đạo doanh nghiệp giải thích lấp lửng, theo kiểu gái kén chồng giữa chốn chợ đông… Nói thẳng ra, kết quả đấu giá của Bảo Việt hôm nay chẳng phải là chuyện bất ngờ, mà thực ra nhiều người đã thấy và cảnh báo từ trước. Giả như Bảo Việt không tăng vốn trước khi cổ phần và rõ ràng trong việc chọn đối tác, chuyện có thể đã khác.

Vậy chứng bệnh của Bảo Việt thật có thể điều trị ở Bệnh viện Bình Dân? Xin thưa, hầu hết y, bác sĩ ở bệnh viện ưu tú nhất, nhì TP.HCM lúc này đang cuống lên vì người ta truy đòi tiền bán cổ phiếu non khi “Bệnh viện cổ phần Bình Dân” mới đang phôi thai. Y, bác sỹ thích khám bệnh và không thích giữ cổ phiếu cũng là chuyện thường ngày ở huyện. Họ có bán “lúa non” cũng dễ hiểu thôi. Đùng một cái, cái phôi thai ấy bất thành bởi một chủ trương đầy trách nhiệm chính trị. Nếu không có tiền trả lại nhà đầu tư, nhiều y, bác sĩ rất có thể sẽ phải đến tòa án mà giải thích. Ngẫm mà xem, chuyện “hậu sự” của Bệnh viện Bình Dân chắc sẽ đẹp hơn nếu chủ trương cổ phần hóa ngay từ đầu khi các vấn đề an sinh xã hội nhạy cảm chưa được đả thông.

Thế và lực

Lúc này, nhà đầu tư cá nhân mơ ước cầm trong tay cổ phiếu hay tiền tươi? Rảo khắp các sàn chứng khoán đều thấy, nhà đầu tư rất chăm chú vào bảng điện, họ bình phẩm xem thứ nào rớt nhiều nhất và rồi cau mày, chặc lưỡi trước khi ra về. Quan sát tại các sàn SSI, BVSC, DVSC tại TP.H CM thấy rằng, lượng người đến nộp tiền vào tài khoản trong cả buổi sáng không đến chục người.

Nhân lúc đọc bài “Xin được hỏi ông Thống đốc!” của PGS.TS Trần Ngọc Thơ, người viết bài này giật mình tự hỏi không biết cái “kỳ vọng hợp lý” mà các cơ quan điều hành TTCK đang nhắm đến là gì và chính sách thị trường có được “may đo” theo thực tế phát triển của thị trường hay không?

Mặt bằng giá của nhiều cổ phiếu, đặc biệt là cổ phiếu OTC, đã giảm 30 - 40% so với đầu năm 2006 nhưng ngân hàng lại siết chặt tín dụng. Rồi các đợt đấu giá những doanh nghiệp nhà nước được chờ đợi nhất sắp diễn ra nhưng chính sách quản lý đều hướng theo chiều giảm nhiệt thị trường, thay vì thúc đẩy thị trường như được kỳ vọng… Đứng trước bức tranh trừu tượng khó hiểu này, các nhà đầu tư nước ngoài có vẻ thấy rất thích thú.

Trong loạt bài phân tích thị trường trước đây, các phóng viên của ĐTCK-online thường tin vào một số giả định cơ bản liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài như sau: Một là, nhà đầu tư nước ngoài có ảnh hưởng lớn đối với tâm lý cũng như sức cầu thực tế của cả thị trường. Hai là, số lượng quỹ mới tham gia thị trường kể từ đầu năm 2006 đến nay và lượng tiền chưa giải ngân của họ còn khá nhiều, nhu cầu giải ngân khá bức bách khiến nhiều quỹ chấp nhận mua để đầu tư dài hạn. Ba là, cơ hội lớn nhất mà nhà đầu tư chờ đợi hơn 10 năm nay là việc cổ phần hóa doanh nghiệp chủ chốt như các ngân hàng quốc doanh, doanh nghiệp viễn thông, khối doanh nghiệp năng lượng, hạ tầng cơ sở… và cơ hội này sẽ đến ngay trong nửa cuối năm 2007. Bốn là, nhà đầu tư nước ngoài sẽ dùng ảnh hưởng của mình để quyết định dùng chiến thuật tấn công dồn dập hay đứng rình “ăn trộm trứng gà” như trong môn bóng đá.

Các cơ hội lớn nhất và các đợt đấu giá lớn nhất sắp diễn ra. Nhà đầu tư nước ngoài có cả thế (ảnh hưởng) và lực (tiền) trong khi các nhà đầu tư cá nhân trong nước đang cuống lên vì trả nợ. Cuộc chơi ngay từ bây giờ đã thấy không hề cân sức.

ĐTCK

Các tin tức khác

>   Những bất ổn đằng sau việc chia, thưởng CP (03/07/2007)

>   Lion Capital Vietnam Fund mua thêm 160.000 cp ABT (03/07/2007)

>   Những trận “dội bom” (03/07/2007)

>   Nhà ĐTNN được giữ nguyên tỷ lệ vượt mức cho phép? (03/07/2007)

>   Tin vắn DN niêm yết tại TTGDCK TP.HCM ngày 3/7 (03/07/2007)

>   ABT: Kết quả giao dịch cổ phiếu của cổ đông lớn (03/07/2007)

>   Khốc liệt cuộc chiến giành thị phần (03/07/2007)

>   VTB thông báo thay đổi kế toán trưởng (03/07/2007)

>   Chứng khoán rớt điểm vì nhạy cảm với dự báo (03/07/2007)

>   Cú sốc... dưới 1.000 điểm (03/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật