Thứ Sáu, 20/07/2007 17:53

“Nở rộ” M&A

Nhằm đối phó với nguy cơ bị cô lập trong làn sóng mua bán, sáp nhập toàn cầu, gần đây nhiều trung tâm giao dịch chứng khoán và sàn giao dịch đã đẩy mạnh hoạt động mua bán, sáp nhập.

Một trong những hoạt động đáng chú ý là Sở Giao dịch chứng khoán London (LSE) của Anh đang thăm dò khả năng sáp nhập với Sở Giao dịch chứng khoán Borsa Italiana (Italy). Nếu thành công, thoả thuận này sẽ cho phép LSE tăng cường vị thế của mình giữa lúc nhiều đối thủ lớn, trong đó có các trung tâm giao dịch chứng khoán Mỹ, đang ra sức thâu tóm một số TTCK châu Âu. Minh chứng cụ thể nhất là tháng 5 vừa qua, TTCK Nasdaq Mỹ đã đưa ra đề nghị trị giá 3,7 tỷ USD mua lại Công ty điều hành giao dịch OMX Bắc Âu nhằm tạo ra Sở Giao dịch chứng khoán Nasdaq OMX lớn thứ hai thế giới.

Đề nghị trên được đưa ra sau hơn 1 tháng kể từ thời điểm diễn ra vụ sáp nhập giữa Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) Mỹ và Euronext (công ty điều hành chứng khoán liên châu Âu của Paris, Amsterdam, Brusels và Lisbon). Như vậy, Nasdaq OMX sẽ trở thành sở giao dịch chứng khoán lớn thứ hai thế giới (tính về giá trị vốn hoá) sau NYSE Euronext, còn Sở Giao dịch Tokyo (TSE) của Nhật Bản sẽ giữ vị trí thứ ba. Nasdaq đã từng hướng tới OMX sau thất bại trong “cuộc chiến” kéo dài cả năm trời hòng thâu tóm LSE.

Hồi tháng 2/2007, đa số cổ đông của LSE đã chống lại kế hoạch thâu tóm trị giá 2,3 tỷ bảng Anh (5,5 tỷ USD) mà Nasdaq đưa ra. LSE còn thông báo kế hoạch liên kết kinh doanh với TSE nhằm mở rộng phạm vi ảnh hưởng. Tuy nhiên, hiện TSE vẫn đang theo đuổi một loạt kế hoạch liên kết toàn cầu nhằm nỗ lực bảo vệ vị thế là sở giao dịch chứng khoán hàng đầu châu Á. Mới đây, Tokyo (TSE) đã mua 4,99% cổ phần tại Sàn giao dịch chứng khoán Singapore (SGX), nhưng theo ông Lawrence Wong, người đứng đầu bộ phận niêm yết của SGX, SGX chưa bàn với TSE về các vấn đề liên quan tới niêm yết. Trong khi đó, SGX cũng ký thoả thuận mua 5% cổ phần trên TTCK Bombay (BSE) của Ấn Độ và xem các công ty Ấn Độ là nguồn hàng lớn có thể thu hút niêm yết tại SGX trong tương lai.

Trước đó, NYSE, Ngân hàng Goldman Sachs và hai nhà đầu tư khác đã quyết định mua 20% cổ phần của Sở Giao dịch chứng khoán Ấn Độ (NSE) với giá 460 triệu USD, theo đó mỗi bên nắm giữ 5% cổ phần. Số cổ phần trên được mua lại từ 5 công ty của Ấn Độ, gồm Ngân hàng ICICI, Tập đoàn Tài chính- Công nghiệp Ấn Độ, Công ty IL&FS Trust, Ngân hàng quốc gia Punjab và Tổng công ty Bảo hiểm Ấn Độ. Ước tính, NSE có tổng giá trị vốn hoá khoảng 2,3 tỷ USD. Giám đốc tài chính của NYSE, ông Nelson Chai cho rằng, thoả thuận này là một bước đi chiến lược của NYSE, bởi NSE sẽ được toàn cầu hoá và NYSE sẽ đứng đầu trên thị trường toàn cầu này. Trả lời phỏng vấn báo giới, Giám đốc điều hành kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Goldman Sachs, L. Brooks Entwhistle cho hay, đây là một phần của kế hoạch đầu tư dài hạn của Goldman Sachs vào Ấn Độ, cũng như TTCK của nước này.

Tương tự như nhiều sàn chứng khoán, gần đây một số sàn giao dịch hàng hoá cũng đẩy mạnh hoạt động mua bán, sáp nhập. Vừa qua, Intercontinental Exchange Inc. (ICE), sàn giao dịch điện tử ở Mỹ tiến hành mua lại một phần Trung tâm Giao dịch thương mại New York (NYBOT) của Mỹ với tổng giá trị khoảng 1 tỷ USD bằng tiền mặt và cổ phiếu. ICE sẽ thanh toán cho vụ mua bán bằng 10,3 triệu cổ phiếu và 400 triệu USD tiền mặt. Hai bên hy vọng, vụ mua bán này sẽ tạo ra bước đột phá mới trong giao dịch hàng hoá. Từ lâu, NYBOT đã tìm kiếm các nguồn đầu tư tiềm năng và xem xét một số kế hoạch nhằm đổi mới hoạt động. Tháng 4/2006, NYBOT thông báo đã ký được hợp đồng với một ngân hàng để hỗ trợ cho hoạt động này.

Sàn giao dịch NYBOT có tổng giá trị khoảng 775 triệu  USD. Theo thoả thuận, các thành viên của NYBOT sẽ sở hữu tối thiểu 30% cổ phiếu của ICE, trong khi đó, ICE cho biết, các thành viên của NYBOT sẽ nắm tối thiểu 15% cổ phần trong công ty mới sau khi thoả thuận có hiệu lực và 2 giám đốc trong ban điều hành của NYBOT sẽ tham gia ban điều hành ICE. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành NYBOT, ông Harry Falk khẳng định: “Việc trở thành một đối tác với ICE là rất quan trọng cho sự phát triển của NYBOT trong tương lai. Điều này cho phép chúng tôi tiếp tục các hoạt động giao dịch vừa theo phương pháp thủ công truyền thống, vừa giao dịch theo công nghệ hiện đại nhất”.

Trước ICE, Sàn giao dịch hàng hoá kỳ hạn Chicago Board of Trade (CBOT) cũng thông báo sáp nhập với đối thủ lâu đời của mình là Chicago Mercantile Exchange Holdings Inc. với giá 11,9 tỷ USD. Vụ sáp nhập sẽ chính thức chấm dứt 159 năm hoạt động độc lập của CBOT, song nó góp phần tạo ra một sàn giao dịch hàng hoá kỳ hạn lớn nhất thế giới mang tên CME Group tại Thành phố Chicago của Mỹ. Các cổ đông của cả hai công ty quản lý 2 sàn lớn này đã đồng ý sau 4 tháng ròng thương lượng và… mặc cả.

Theo giới quan sát, hoạt động mua bán, sáp nhập giữa các sàn giao dịch chứng khoán và hàng hoá như trên là nhằm cắt giảm chi phí giao dịch, đồng thời tăng tốc độ thực hiện giao dịch. Sàn mới sau sáp nhập sẽ tạo thành một thị trường có tính thanh khoản cao hơn, mang lại lợi ích đồng thời cho cả nhà đầu tư. Chính vì vậy, trong tương lai, xu hướng trên sẽ ngày càng rõ nét.

ĐTCK

Các tin tức khác

>   Giám đốc Dow Jones từ chức (20/07/2007)

>   Lợi nhuận của IBM tăng 12% trong quý II/2007 (20/07/2007)

>   Doanh số bán PC toàn cầu tăng 12% trong quý II/07 (20/07/2007)

>   Kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm làm suy giảm TTCK (20/07/2007)

>   Những bàn tay lặng lẽ phía sau iPhone (20/07/2007)

>   Giá xăng thế giới lại giảm nhẹ (20/07/2007)

>   Nhật: Một giám đốc dầu tư nhận hai năm tù cho tội giao dịch nội gián (20/07/2007)

>   Kinh tế Ấn Độ có thể tăng trưởng 9% trong tài khóa 2007 (20/07/2007)

>   Ông Miguel Peirano được bổ nhiệm là Bộ trưởng Kinh tế mới của Áchentina (20/07/2007)

>   Thâm hụt buôn bán công nghệ của Mỹ lên tới 102 tỷ USD năm 2006 (19/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật