Nhiều ngân hàng sẽ bán thêm cổ phần
Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong ngân hàng thương mại Việt Nam được nâng lên 15%
Để tạo điều kiện cho đối tác chiến lược nước ngoài tham gia thị trường tài chính Việt Nam thông qua việc mua lại cổ phần của các ngân hàng thương mại trong nước, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 69/2007/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của ngân hàng thương mại Việt Nam. Theo đó, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong ngân hàng thương mại Việt Nam được nâng lên 15%, thay vì chỉ có 10% như trước. Đặc biệt, đối với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tỷ lệ có thể đạt 20% vốn điều lệ, nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Nhưng tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài (bao gồm cả cổ đông nước ngoài hiện hữu) và người có liên quan của nhà đầu tư nước ngoài đó không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng Việt Nam. Và trước khi muốn bán cổ phần cho các đối tác nước ngoài, ngân hàng thương mại cổ phần trong nước phải có mức vốn điều lệ đạt 1.000 tỷ đồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính Việt Nam, việc nâng tỷ lệ bán cổ phần ngân hàng trong nước cho các ngân hàng chiến lược nước ngoài vừa được Chính phủ thông qua là một động thái tích cực, có tác động mạnh mẽ đến việc mua bán cổ phần ngân hàng. Các đối tác chiến lược nước ngoài sẽ thêm cơ hội trong việc nâng tỷ lệ cổ phần muốn mua, đồng thời thêm sự lựa chọn tại các ngân hàng thương mại Việt Nam. Trên thực tế, có nhiều ngân hàng nước ngoài muốn tăng thêm tỷ lệ sau khi đã ký hợp đồng mua 10% cổ phần của các ngân hàng thương mại trong nước, nhưng vẫn chưa được phê duyệt. Tập đoàn HSBC cho biết, đang có ý định mua thêm 10% cổ phần của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) để nâng tỷ lệ sở hữu lên 20% khi có sự chuẩn y của NHNN. Tương tự, Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VPBank) cũng muốn nâng tỷ lệ cổ phần bán cho Ngân hàng OCBC (Singapore) sau khi đã chính thức bán 10% cổ phần cho đối tác chiến lược này. Ngân hàng TMCP Đông Á (EAB) cho biết, sẽ nâng tỷ lệ cổ phần bán cho Tập đoàn Citigroup thông qua Ngân hàng Citibank từ 10% lên 29%. Hiện EAB đã kết thúc việc đàm phán bán 10% vốn điều lệ cho Citibank và đang trong quá trình thương thuyết giá cả để bán thêm 19% cổ phần theo yêu cầu của đối tác.
Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) Võ Văn Châu cũng cho biết, Ngân hàng sẽ tính đến việc bán thêm cho đối tác chiến lược là Ngân hàng BNP Paribas (Pháp). Theo ông Châu, việc thu hút thêm vốn ngoại là điều cần thiết đối với các ngân hàng thương mại cổ phần để nâng cao năng lực cạnh tranh khi ngày càng có nhiều ngân hàng nước ngoài tham gia hoạt động trên thị trường tài chính Việt Nam. Tuy nhiên, điều quan trọng là OCB phải xem xét kỹ về giá bán cũng như kết quả thu về sau khi bán thêm cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài. Theo giám đốc một ngân hàng TMCP tại TP. HCM, việc nâng tỷ lệ sở hữu cho đối tác chiến lược nước ngoài là một biện pháp tích cực đối với các ngân hàng trong nước. Vì như vậy, các đối tác chiến lược nước ngoài sẽ tăng thêm tiềm lực hợp tác với thị trường tài chính - ngân hàng của Việt Nam. Ngược lại, các ngân hàng thương mại trong nước có thêm cơ hội gọi vốn ngoại, đồng thời, khi tỷ lệ bán cho nhà đầu tư nước ngoài được nâng lên thì thặng dư nguồn vốn thu về sẽ cao hơn. Chính điều này sẽ tác động tích cực đến nhà đầu tư tham gia mua cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần.
Trao đổi với ĐTCK, ông Hồ Hữu Hạnh - Phó giám đốc NHNN, Chi nhánh TP. HCM đưa ra nhận định, lâu nay việc thu hút thêm vốn ngoại của các ngân hàng thương mại trong nước luôn được NHNN nước khuyến khích và quan tâm. Theo ông Hạnh, để nâng cao năng lực cạnh tranh khi cánh cửa thị trường tài chính Việt Nam đang ngày càng rộng mở đón nhận việc thành lập các ngân hàng con 100% vốn nước ngoài thì việc kêu gọi thêm vốn ngoại là rất cần thiết đối với ngân hàng thương mại trong nước. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và tránh bị “thâu tóm” bởi các đối tác chiến lược nước ngoài, Chính phủ nên có quy định hạn mức cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của ngành tài chính Việt Nam. Sở dĩ nội dung Nghị định 69 quy định, trước khi bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài, các ngân hàng trong nước phải đạt mức vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng là điều rất cần thiết. Một mặt, Chính phủ mong muốn các ngân hàng thương mại trong nước thu hút được đối tác có tầm cỡ, hợp tác kinh doanh đem lại hiệu quả cao. Mặt khác, đó cũng chính là điều kiện cần thiết đối với các ngân hàng TMCP trong quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế mở và đáp ứng được lộ trình của NHNN nước đưa ra là từ nay đến năm 2008, vốn điều lệ của ngân hàng cổ phần phải đạt 1.000 tỷ đồng.
ĐTCK
|