Thứ Tư, 04/07/2007 15:42

Thời gian CPH sẽ được rút ngắn

Nghị định 187/2004/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (DNNN) thành công ty cổ phần (CTCP) đã được thay thế bởi Nghị định 109/2007/NĐ-CP. Như vậy, kể từ tháng 5/1996, lần đầu tiên văn bản pháp lý cao nhất về việc cổ phần hoá (CPH) DNNN được ban hành (Nghị định 28/1996/NĐ-CP) đến nay, Chính phủ đã 4 lần ban hành Nghị định thay thế, không kể Nghị định 25/1997/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 28/1996/NĐ-CP.

Điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trong đó lấy CPH làm nhiệm vụ trọng tâm, bởi thực tế cho thấy, khi chuyển đổi sang CTCP, DN hoạt động có hiệu quả hơn.

Nhằm đánh giá hiệu quả của việc chuyển đổi DNNN thành CTCP, năm 2006, lần đầu tiên Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội đã thành lập Đoàn giám sát việc thực hiện CPH. Kết quả giám sát cho thấy, sau 14 năm thực hiện chủ trương này, số lượng DNNN đã giảm từ trên 12.000 (năm 1992) xuống còn 2.212 vào cuối năm 2006. Trong đó, riêng giai đoạn 2002 - 2006 đã CPH 2.798 DN. Nhờ tiến trình sắp xếp này mà vốn bình quân của 1 DNNN đã nâng từ 24 tỷ đồng năm 2001 lên 105 tỷ đồng vào năm 2006. Ông Nguyễn Đức Kiên, Chủ nhiệm Ủy  ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội cho biết, 85% số DN sau khi chuyển đổi hoạt động có lãi, trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ khá cao; vốn điều lệ của CTCP tăng 44%, doanh thu tăng 23,6%, lợi nhuận tăng 39,76%…

Tuy nhiên, ông Kiên cho rằng, nhìn chung, tiến độ CPH chưa hoàn thành theo kế hoạch tổng thể đã được Chính phủ phê duyệt do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân liên quan đến đất đai. “Sau CPH, đất đai và mặt bằng sản xuất, kinh doanh vẫn là vướng mắc khó giải quyết. Đa số CTCP không muốn tính giá trị quyền sử đất vào giá trị DN mà chọn hình thức thuê đất, nên không thể dùng giá trị quyền sử dụng đất để thế chấp vay vốn ngân hàng như khi còn là DNNN. Đối với CTCP hình thành từ bộ phận DNNN độc lập hoặc một bộ phận của đơn vị thành viên tổng công ty thì dây chuyền sản xuất, nhà xưởng, quyền sử dụng đất do công ty mẹ, tổng công ty đứng tên nhưng không chuyển giao dứt điểm khi cổ phần hoá đã gặp khó khăn khi xây dựng nhà xưởng để ổn định hoạt động lâu dài, góp vốn liên doanh bằng tài sản có trên đất mà CTCP đang sử dụng. Việc xác định khung giá đất và chuyển giao quyền sử dụng đất cho DN đang thuê hoặc đang sử dụng, nhất là việc xử lý quyền sử dụng, quyền thuê đất đối với các dự án đầu tư dang dở còn rất phức tạp”, ông Kiên cho biết.

Nhằm tháo gỡ những vướng mắc trên, Nghị định 109/2007/NĐ-CP cho phép DN được lựa chọn hình thức thuê đất hoặc giao đất. Cụ thể, đối với diện tích đất DN đang sử dụng làm mặt bằng xây dựng trụ sở, văn phòng giao dịch; xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh, DN được quyền xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trường hợp DN đã được giao đất, nhưng muốn chọn hình thức thuê đất thì phải hoàn tất thủ tục chuyển sang thuê đất gửi cơ quan quyết định CPH và cơ quan quản lý nhà đất tại địa phương trước khi chính thức chuyển sang CTCP.

Trường hợp DN được giao đất thì phải tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN theo giá đất đã được UBND tỉnh (nơi DN có diện tích đất được giao) quy định và công bố. Nếu DN chọn hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm thì không tính tiền thuê đất vào giá trị DN; nếu DN trả tiền thuê đất một lần cho toàn bộ thời gian thuê đất thì tính tiền thuê đất vào giá trị DN theo giá sát với giá thị trường tại thời điểm định giá được UBND cấp tỉnh công bố.

Theo Nghị định 187/2004/NĐ-CP, nếu DN chọn hình thức giao đất, khi chuyển sang CTCP thì giá trị quyền sử dụng đất được tính vào giá trị DN là giá do UBND cấp tỉnh công bố vào ngày 1/1 hàng năm. Kể từ năm 2006 trở lại đây, thị trường bất động sản trầm lắng nên giá trị quyền sử dụng đất thực tế tại thời điểm xác định giá trị DN thấp hơn giá do UBND cấp tỉnh công bố khiến thời gian thẩm định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN kéo dài. Và đây cũng là nguyên nhân kéo dài thời gian chuyển đổi sở hữu DNNN, làm chậm tiến trình CPH.

Nhằm giải quyết khó khăn này, Nghị định 109/2007/NĐ-CP cho phép, trường hợp giá đất làm căn cứ để xác định giá trị quyền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường tại thời điểm CPH, thì UBND cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể cho phù hợp. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày gửi đủ hồ sơ, nếu chưa nhận được văn bản của UBND cấp tỉnh về giá đất thì cơ quan có thẩm quyền quyết định giá trị DN được quyền tính giá trị quyền sử dụng đất, giá tiền thuê đất vào giá trị DN theo phương án DN đã đề nghị và chỉ cần thông báo cho UBND tỉnh biết.

ĐTCK

Các tin tức khác

>   Hòa Phát chốt danh sách cổ đông để xin ý kiến Cổ đông về việc thay đổi phương án phát hành tăng vốn điều lệ (04/07/2007)

>   SIC tổ chức Đại hội Cổ đông nhiệm kỳ I T7/2004-7/2007 (04/07/2007)

>   Bán đấu giá CP Cty KD & Phát triển nhà Lâm Đồng (lần 2) (04/07/2007)

>   Đấu giá cổ phần Vincom bình quân 119.479 đồng (04/07/2007)

>   Chủ trương - Chính sách mới (04/07/2007)

>   CAN Thông báo thay đổi nhân sự Ban điều hành (03/07/2007)

>   Về việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức của Cty cổ phần ÊĐen (03/07/2007)

>   Chấp thuận cho CTCP Sông Đà 5 rút lại hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng (03/07/2007)

>   Hồi hộp chờ… kết cục (03/07/2007)

>   Bảo Việt ''thở phào'' (03/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật