Thứ Hai, 09/07/2007 17:19

Nhà đầu tư nước ngoài có thể mua toàn bộ doanh nghiệp nhà nước

Nhà đầu tư nước ngoài có thể mua toàn bộ hoặc một bộ phận doanh nghiệp (DN) do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ nếu như các DN đó thuộc danh mục ngành nghề, lĩnh vực mà nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư 100% vốn theo hình thức đấu giá hoặc thỏa thuận trực tiếp.

Việc mua bán này sẽ được thực hiện theo các quy trình thống nhất tại Dự thảo Nghị định về giao, bán DN do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ (gọi tắt là Dự thảo) đang được soạn thảo và lấy ý kiến rộng rãi, mà không cần phải có quy chế riêng như yêu cầu hiện nay của Nghị định 80/2005/NĐ-CP về giao, bán, khoán kinh doanh và cho thuê công ty nhà nước.

Thực ra, việc mở rộng đối tượng của Dự thảo không phải là một điểm mới mang tính đột phá, bởi đây là cách để luật hoá các cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Song, điều quan trọng là các nhà đầu tư nước ngoài (bao gồm cả cá nhân và các DN có vốn đầu tư nước ngoài) tới đây sẽ có cơ hội như các DN, nhà đầu tư cá nhân trong nước đối với các DN nhà nước trong diện giao, bán theo quy định của Dự thảo.

Mối quan tâm tới thị trường giao, bán DN có lẽ sẽ “nóng” lên cùng với việc các đối tượng DN thuộc diện bán cũng được mở rộng. Cụ thể, ngoài các công ty nhà nước, độc lập, công ty thành viên hạch toán độc lập của Tổng công ty, Dự thảo đã mở rộng đối tượng tới cả các công ty và bộ phận của công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Đồng thời, hình thức tách DN quy mô lớn thành các bộ phận để bán cũng được xem là tạo thêm nhiều cơ hội cho các DN vốn thuộc diện khó khăn trong hoạt động kinh doanh, không thể tiến hành cổ phần hoá. Như vậy, các DN đã chuyển đổi sang hình thức công ty TNHH một thành viên có thể trở thành đối tượng mua bán nếu hoạt động sau chuyển đổi không hiệu quả như mong muốn.

Tuy nhiên, những tranh luận đang dấy lên khi việc mở rộng đối tượng lại kèm theo điều kiện về việc DN không có lợi thế về đất đai. Có nghĩa là, các DN được xem là có lợi thế về đất đai sẽ bị loại khỏi danh mục các DN được phép giao, bán.

Tạo hội thảo đóng góp ý kiến cho Dự thảo (do Câu lạc bộ DN nhà nước tổ chức), nhiều ý kiến cho rằng, các DN thuộc diện giao, bán có lẽ chỉ còn một lợi thế là đất đai để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Thậm chí, ông Bùi Ngọc Bảo, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu còn cho rằng, nếu loại trừ yếu tố này, có thể chẳng bao giờ bán nổi DN vốn yếu kém đến mức không thể cổ phần hoá. “Nếu các DN này không được bán, thì tình trạng DN không được cải thiện trong khi diện tích đất đó cũng không thể thu hồi”, ông Bảo nói.

Hơn nữa, việc xác định thế nào là không có lợi thế về đất đai lại không đơn giản. Ông Trần Tiến Cường, thành viên Ban soạn thảo Dự thảo, cho biết, Ban soạn thảo đang đề nghị 3 tiêu chí để xác định không có lợi thế về đất của DN. Đó là có diện tích mặt bằng không quá 100 m2 (mức cụ thể sẽ do UBND cấp tỉnh quy định); không ở mặt các đường phố chính, thuộc khu trung tâm hoặc khu đất đã hoặc sẽ quy hoạch có thể tạo vị trí thuận lợi cho việc thực hiện các hoạt động  kinh doanh; giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc giá thuê đất ở vị trí tương tự trên thị trường không chênh lệch nhiều so với giá do UBND cấp tỉnh công bố hàng năm. “Chúng tôi cho rằng, các tiêu chí này (gồm cả tiêu chí định lượng và định tính) dùng làm căn cứ để tham khảo khi quyết định giao, bán DN sẽ tránh hoặc hạn chế thất thoát do không đánh giá đúng giá trị đất đai khi bán”, ông Cương phân tích.

Song, sẽ cần phải làm rõ hơn vấn đề này khi không dễ trả lời thế nào là chênh lệch nhiều về giá, tại sao lại khống chế ở mức 100 m2… Đại diện Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng phản biện rằng, có những ngành nghề coi trọng đất mặt đường, song có những ngành nghề không cần vị trí đó. Và việc thực thi có thể sẽ vướng chỉ vì những câu hỏi khó này.

Ngoài ra, đại diện nhiều DN cũng muốn đặt lại quan điểm về giao, bán DN. Theo đó, có lẽ cần phải có cách nhìn cải cách hơn trong hình thức chuyển loại hình DN này theo hướng gần với thị trường hơn. “Tôi đã từng đi mua các loại DN thua lỗ, nên hiểu rằng, mỗi người tìm đến mua DN với ý đồ, kế hoạch kinh doanh riêng. Nếu vẫn cứ giao DN cho những người lao động vốn đã không giúp gì cho DN đó trong một thời gian dài, thì tình hình sẽ không thể cải thiện. Việc mua bán DN nên thực hiện theo phương thức đấu giá mà người lao động có thể là đối tượng ưu tiên xem xét”, đại diện Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu hoa quả 1 đề nghị.

Thậm chí, việc bán DN cũng được đề xuất theo hướng không giới hạn quy mô. Có nghĩa là, các DN thuộc diện giao, bán đều có thể trở thành hàng hoá nếu không thuộc diện Nhà nước nắm giữ. Và việc chuyển đổi theo hình thức nào có lẽ cần phải trao quyền chủ động cho chính DN đó thay vì các quyết định hành chính từ trên xuống. Cách làm này có thể sẽ tiệm cận với hoạt động mua, bán DN trên thị trường hiện nay, nhưng có lẽ chưa được bàn tới trong Dự thảo.

ĐTCK

Các tin tức khác

>   Cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng cho Quỹ đầu tăng trưởng Manulife (09/07/2007)

>   Cấp giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu ra công chúng cho SAVIMEX (09/07/2007)

>   Lợi nhuận cao vẫn khó cứu giá cổ phiếu ngân hàng (09/07/2007)

>   SSI bán 10% cổ phần cho ANZ (09/07/2007)

>   PVI đạt doanh thu 1.200 tỷ đồng (09/07/2007)

>   Tin vắn chứng khoán niêm yết ngày 9/7 (09/07/2007)

>   Bông Bạch Tuyết sẽ tăng vốn lên 190 tỷ đồng (09/07/2007)

>   Sức hút cổ phiếu ngành dược (09/07/2007)

>   Tước quyền một nhân viên công ty chứng khoán (08/07/2007)

>   'Nhà đầu tư chứng khoán phải nhạy cảm với thông tin' (08/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật