Lợi nhuận cao vẫn khó cứu giá cổ phiếu ngân hàng
Các ngân hàng đồng loạt công bố lợi nhuận 6 tháng đầu năm cao hơn rất nhiều so với năm trước. Tuy nhiên, tình hình khả quan này cũng chưa đủ sức kéo các loại cổ phiếu ngân hàng trở về thời kỳ hưng thịnh.
Tại Ngân hàng ACB, lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 880 tỷ đồng, trong khi cả năm ngoái, con số này chỉ xấp xỉ 700 tỷ đồng. So với kế hoạch cả năm, lợi nhuận trước thuế của ACB cũng đạt 59% và dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 88,4%.
Kết quả kinh doanh của Ngân hàng Sacombank cũng rất khả quan trong hai quý đầu năm, tổng tài sản 38.400 tỷ đồng, tăng 55% so với đầu năm. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 610 tỷ đồng, trong khi cả năm ngoái là 543,2 tỷ đồng. Mục tiêu của Sacombank trong năm nay là đạt lợi nhuận tối thiểu 1.200 tỷ đồng.
Một quan chức Ngân hàng Nhà nước cho hay, trong 6 tháng đầu năm, các ngân hàng cổ phần tiếp tục đẩy rất mạnh dịch vụ tín dụng của mình. Có những ngân hàng đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng trên 50%, cao hơn rất nhiều so với mức bình quân của cả thị trường gần 33%. Đây cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận của các ngân hàng tiếp tục được duy trì ở mức cao so với năm trước.
Theo ông, việc các ngân hàng nhỏ muốn lớn mạnh nên phải đi nhanh hơn các ngân hàng khác bằng cách này hay cách khác. Song nếu tập trung quá lớn vào tín dụng trong khi hệ thống kiểm soát chưa tốt, nhân sự mới, chưa có nhiều kinh nghiệm thì rất rủi ro về mặt trung hạn. Chưa kể có một số ngân hàng tập trung rất lớn vào cho vay đầu tư chứng khoán, tới 50% dư nợ nên có mức độ rủi ro lớn hơn rất nhiều", vị quan chức này nói.
Rủi ro về tín dụng được nhắc rất nhiều trong thời gian qua, bản thân các ngân hàng cũng nhận thức rõ về điều này nhưng hiện tại đây vẫn là kênh chủ đạo giúp ngân hàng đảm bảo lợi nhuận cao như yêu cầu của cổ đông, là kênh chủ yếu giúp tăng nhanh quy mô của ngân hàng. Chính vì vậy, nhiều ngân hàng vẫn chấp nhận cả những rủi ro này để tăng trưởng nhanh khi điều kiện thị trường đang thuận lợi.
Các chuyên gia tài chính nhận định, sẽ có những khó khăn lớn đối với các ngân hàng. Việc Ngân hàng Nhà nước thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát như tăng dự trữ bắt buộc lên gấp đôi sẽ có tác động không nhỏ tới chi phí của các ngân hàng khi số tiền dư nợ tăng lên khá lớn. Ngoài ra, nhiều ngân hàng đang cung cấp tín dụng lớn cho thị trường chứng khoán cũng bị Chỉ thị 03 với hạn mức cho vay đầu tư chứng khoán chỉ là 3% tổng dư nợ "làm khó".
Giá cổ phiếu khó được cải thiện
So với các ngành nghề, lĩnh vực khác thì ngân hàng vẫn được xem là mảng hoạt động thu được siêu lợi nhuận và là lĩnh vực đầu tư được xem là an toàn hơn khi phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước. Chính những điểm này đã khiến các nhà đầu tư chứng khoán quan tâm đặc biệt đến cổ phiếu lĩnh vực này. Điều đó đã được chứng minh thực tế trong khoảng thời gian từ giữa năm 2006 đến quý I năm nay, cổ phiếu ngân hàng luôn được xem là "món hàng nóng" trên thị trường chứng khoán, nhất là trên thị trường phi tập trung.
Tuy nhiên, cổ phiếu ngân hàng hiện gần như đã đóng băng. Giá hầu hết các mã cổ phiếu đã giảm khoảng 50% so với giai đoạn cuối năm 2006, đầu năm 2007 như cổ phiếu của Ngân hàng An Bình, Kiên Long, Nam Á, Việt Á... Cổ phiếu Ngân hàng Phương Nam còn giảm mạnh hơn hiện chỉ còn 36.000-38.000 đồng/cổ phiếu (mệnh giá 10.000 đồng), trong khi hồi đầu năm xấp xỉ 90.000 đồng/cổ phiếu.
Giá cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán TP HCM cũng giảm 21% so với ngày 7/6, hiện chỉ còn 62.000 đồng/cổ phiếu. Trên sàn Hà Nội, giá cổ phiếu ACB giảm 25,7% so với đầu tháng 6, hiện chỉ còn 120.000 đồng/cổ phiếu.
Tuy giá cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh, có mã đã về tới mức trước khi tăng nóng nhưng tính thanh khoản của thị trường phi tập trung vẫn chưa được cải thiện. Nguyên nhân chính khiến giá giảm mạnh là do tác động từ sự điều chỉnh giảm của thị trường chứng khoán chính thức. Trước đó, cổ phiếu của nhiều ngân hàng đã tăng quá nóng. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia chứng khoán, hiện giá cổ phiếu của ngân hàng đã trở về mức hợp lý và ngân hàng vẫn là lĩnh vực đầu tư tiềm năng.
ĐTCK
|