Thứ Hai, 09/07/2007 09:30

Sức hút cổ phiếu ngành dược

Cổ phiếu của Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (mã DHG) hiện đã lọt vào tốp những cổ phiếu đắt giá nhất thị trường. Trong khi đó, cổ phiếu của Công ty cổ phần XNK y tế Đồng Tháp (Domesco - mã DMC) và của Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm (mã IMP) cũng nằm trong tốp các cổ phiếu hạng trung.

Ngay từ khi chào sàn vào cuối năm ngoái, ba cổ phiếu này đã tỏ ra không phải là những cổ phiếu “hạng ruồi”. Đâu là triển vọng của các doanh nghiệp dược trong nước khi mà ngành này được dự báo sẽ bị cạnh tranh gay gắt trong lộ trình hội nhập sắp tới?

Từ hiện tượng “DHG”...

Thời gian gần đây, dù thị trường tiếp tục đi xuống và hàng loạt cổ phiếu giảm giá mạnh so với trước, cổ phiếu DHG lại là một trong số ít cổ phiếu vẫn duy trì xu thế tăng giá liên tục. Tính trong tháng 6 vừa qua với 21 phiên giao dịch, DHG chỉ giảm giá nhẹ trong bốn phiên, đứng giá bốn phiên, còn lại đều tăng giá và trong đó có đến tám phiên tăng giá kịch trần.

Thực tế, sự lên sàn của một số doanh nghiệp ngành dược được các nhà đầu tư quan tâm ngay từ đầu. Khi chính thức niêm yết và giao dịch phiên đầu tiên vào ngày 21-12-2006, cổ phiếu DHG đã đạt mức giá 320.000 đồng, gấp 32 lần mệnh giá, trở thành một blue-chip của thị trường. Trong cơn lốc giảm giá chung của toàn thị trường, cổ phiếu này có lúc giảm xuống còn 233.000 đồng (mức thấp nhất) nhưng rồi nhanh chóng lên giá lại trong khi thị trường vẫn đang đi xuống, đạt mức giá 435.000 đồng vào phiên 2-7 vừa qua.

Giới đầu tư nhận định, kết quả sản xuất kinh doanh khả quan trong các năm qua của Dược Hậu Giang là yếu tố đầu tiên tạo nên sức hấp dẫn của cổ phiếu này. Dược Hậu Giang cổ phần hóa vào tháng 9-2004 với vốn điều lệ ban đầu là 80 tỉ đồng. Năm 2005, doanh thu thuần của công ty đạt trên 554 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt trên 44 tỉ đồng, tăng hơn 88% so với năm 2004. Năm 2006, các con số này lần lượt là 868 tỉ và 87 tỉ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu của năm 2006 đạt hơn 51%. Hết quí 1 năm nay, lợi nhuận sau thuế của Dược Hậu Giang cũng tăng đến hơn 63% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời những thông tin về mua thêm cổ phiếu, thưởng cổ phiếu từ nguồn quỹ đầu tư phát triển và lợi nhuận chưa phân phối... được cho là nguyên nhân tăng giá mạnh của cổ phiếu này. Mặt khác, nguyên nhân tăng giá còn do cổ phiếu DHG đang trở thành hàng “hiếm”, bởi ngoài Nhà nước nắm giữ 51% tổng số cổ phiếu và chưa có ý định bán bớt, thì nhà đầu tư nước ngoài hiện đang nắm 34%, như vậy chỉ còn 15% số cổ phiếu thuộc về nhà đầu tư trong nước. Cũng theo nhận định của giới đầu tư, với một công ty kinh doanh hiệu quả và cổ phiếu lại đang tập trung trong tay những tổ chức, những nhà đầu tư lớn thì khả năng đẩy giá cổ phiếu lên là không quá khó.

Tiềm năng nào của các công ty dược?

Tốc độ tăng trưởng của ngành dược trong các năm qua và tiềm năng phát triển của thị trường này chính là những yếu tố thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Theo báo cáo của Cục Quản lý dược Việt Nam, trong giai đoạn 2000-2006, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành dược là 13%, tiền thuốc bình quân đầu người tăng trung bình 7,4%/năm. Điểm đáng chú ý là thuốc sản xuất trong nước ngày càng đáp ứng nhiều hơn nhu cầu sử dụng. Giá trị thuốc sản xuất trong nước năm 2005 là 395 triệu đô la Mỹ, chiếm 48,34% tổng giá trị tiền thuốc (817 triệu đô la Mỹ). Thị phần thuốc sản xuất trong nước được bệnh nhân sử dụng chiếm 70% thị trường thuốc; ở khối bệnh viện, thuốc sản xuất trong nước được sử dụng chiếm hơn 60%. Dự kiến vào năm 2008, thị trường dược phẩm có thể đạt tới 1 tỉ đô la Mỹ và đến năm 2010 có thể đạt đến gần 1,5 tỉ đô la Mỹ.

Song, trước tiềm năng phát triển khá lớn của thị trường, nhiều doanh nghiệp dược trong nước vẫn chưa đủ năng lực để đón đầu cơ hội. Theo đánh giá của Cục Quản lý dược, về bào chế, các doanh nghiệp trong nước chủ yếu sản xuất thuốc gốc, thuốc thông thường, đơn giản chứ chưa chú ý đầu tư sản xuất các loại thuốc chuyên khoa, đặc trị, các dạng bào chế đặc biệt... Về hệ thống phân phối, chưa có doanh nghiệp phân phối dược chuyên nghiệp; nhiều doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu trực tiếp nhưng chủ yếu là nhập khẩu ủy thác để hưởng phí...

Với những bất cập trên, các doanh nghiệp không khỏi gặp nhiều thách thức trong lộ trình mở cửa thị trường dược. Cụ thể, theo cam kết WTO, kể từ ngày 1-1-2009, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các chi nhánh của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam sẽ được trực tiếp xuất nhập khẩu dược phẩm; thuế suất nhập khẩu thuốc thành phẩm cũng giảm. Đây chính là những khó khăn lớn buộc doanh nghiệp trong nước phải vượt qua để phát triển.

Vẫn còn cơ hội cho doanh nghiệp lớn

Theo các chuyên gia phân tích chứng khoán, một số doanh nghiệp dược vẫn có cơ hội phát triển do có tiềm lực mạnh và đã chuẩn bị từ trước để đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt. Riêng với ba doanh nghiệp dược hiện đang niêm yết trên sàn chứng khoán TPHCM, giới đầu tư chứng khoán đánh giá họ là những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành. Cả ba đều đã xây dựng được quy trình sản xuất phù hợp các tiêu chuẩn của ngành như GMP (thực hành sản xuất thuốc tốt), GLP (thực hành phòng kiểm nghiệm thuốc tốt), GSP (thực hành bảo quản thuốc tốt). Đây là những chứng nhận quan trọng, đảm bảo cho sản phẩm của doanh nghiệp có sức cạnh tranh cao hơn, được chấp nhận ở cả thị trường trong và ngoài nước.

Đối với Công ty Dược Hậu Giang, ngoài các sản phẩm điều trị bệnh thông thường hiện công ty đã sản xuất được nhóm thuốc đặc trị, đáp ứng cho hệ thống bệnh viện và cạnh tranh trực tiếp với hàng ngoại. Một lợi thế khác của công ty này là đã xây dựng được một mạng lưới phân phối khá rộng, trải khắp cả nước; sản phẩm đã thâm nhập được vào hầu hết các bệnh viện đa khoa và trung tâm y tế trên cả nước và cả một số bệnh viện lớn. Dược Hậu Giang hiện đang tiến hành tăng vốn điều lệ lên 200 tỉ đồng để tiếp tục đầu tư mạnh cho lĩnh vực chính là dược phẩm.

Công ty Imexpharm cũng tăng vốn từ 84 tỉ lên 115 tỉ đồng để đầu tư cho nhiều dự án, như xây dựng thêm nhà máy, trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu, đầu tư hệ thống phân phối sản phẩm... Trong chiến lược phát triển của mình, Imexpharm sẽ nâng cấp các nhà máy hiện tại đạt tiêu chuẩn GMP - WHO, đồng thời tập trung đầu tư sâu cho việc phát triển sản phẩm mới.

Đối với Domesco, lĩnh vực sản xuất kinh doanh khá đa dạng và mục tiêu của công ty này là hướng tới hình thành một tập đoàn về dược - thực phẩm chức năng có đủ sức để mở rộng thị phần trong nước và xuất khẩu. Trong năm 2007-2008, Domesco tập trung đầu tư thêm nhiều dự án, như nhà máy chiết xuất dược liệu, nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản, xưởng sản xuất thuốc dạng chích... Domesco cũng đang hợp tác với Trung tâm Chẩn đoán y khoa Medic để đầu tư trung tâm chẩn đoán y khoa, nhà bảo sanh, bệnh viện..., hướng tới hình thành chuỗi trung tâm chẩn đoán y khoa trên toàn quốc.

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Tước quyền một nhân viên công ty chứng khoán (08/07/2007)

>   'Nhà đầu tư chứng khoán phải nhạy cảm với thông tin' (08/07/2007)

>   Rủi mà không rủi (08/07/2007)

>   Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2007 của Sacombank (07/07/2007)

>   VF1 thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng trong kỳ (07/07/2007)

>   Vì sao nhiều nhà đầu tư phản ứng với dự đoán của HSBC về thị trường? (07/07/2007)

>   TKU trả cổ tức năm 2006 10% bằng tiền mặt (06/07/2007)

>   CYC không có cổ tức của năm 2006 (06/07/2007)

>   Cấp giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu ra công chúng cho CTCP Mía đường Buorbon Tây Ninh (06/07/2007)

>   Nhận hồ sơ đăng ký chào bán ra công chúng của MCV (06/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật