Ngân hàng đua tăng lãi suất huy động USD
Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cuối tháng 6 qua thông báo giữ lãi suất đồng USD ở mức 5,2%, bằng đúng mức của một năm trước, thì tại Việt Nam, mặt bằng lãi suất ngoại tệ tại các ngân hàng đang tiếp tục dâng cao.
Ngày 26/6 vừa qua, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) quyết định nâng lãi suất tiết kiệm ngoại tệ ở tất cả các loại hình với mức tăng nhẹ 0,05-0,2%, lên mức 1,4-5% tùy kỳ hạn. Sau lần tăng này, lãi suất huy động USD kỳ hạn 13 tháng của Sacombank là 5,05%.
Cùng ngày trên, Ngân hàng Đông Á (Dong A Bank) thông báo tăng lãi suất huy động USD lên mức 1,55-5,05% tùy kỳ hạn (1 tháng cho đến 12 tháng). Đặc biệt, lãi suất dành cho khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 60 tháng lên đến 5,5%.
Động thái tăng lãi suất của Sacombank và Dong A Bank khiến sáng 2/7, Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất Nhập Khẩu (Eximbank) cũng công bố điều chỉnh lãi suất tiền gửi bằng USD kỳ hạn 1-60 tháng. Sau lần điều chỉnh này, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của Eximbank là 5,05%.
Theo sau Eximbank, Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBank) cũng nâng lãi suất huy động USD ở hầu hết các kỳ hạn. Trong đó, tăng mạnh nhất là kỳ hạn 10 tháng và 11 tháng. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 11 tháng lên đến 5,42%.
Vậy là hiện nay, biểu lãi suất ngoại tệ của các ngân hàng đã thay đổi so với đỉnh hồi tháng cuối tháng 4. Trong đó, An Bình đang ở mức cao nhất với mức lãi suất 5,42% cho kỳ hạn 11 tháng.
Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Dong A Bank cho biết, nhu cầu vay USD để nhập khẩu của các doanh nghiệp gần đây tăng đến 20%, chính vì vậy để cân đối nguồn ngoại tệ, đảm bảo trạng thái ngoại hối ngân hàng buộc phải tăng lãi suất để thu hút nguồn ngoại tệ nhàn rỗi trong dân.
Bà Lê Thanh Cẩm, Giám đốc khối Nguồn vốn của ABBank cũng cho hay, đây là lần điều chỉnh lãi suất thứ 2 của ABBank trong năm 2007 nhằm đưa mức lãi suất lên ngang bằng với mức của các ngân hàng thương mại cổ phần khác. "Việc tăng lãi suất USD hoàn toàn do quan hệ cung cầu", bà Cẩm nói.
Ông Bình cho biết thêm, theo lộ trình giảm thuế được cam kết khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO, các doanh nghiệp tăng nhập hàng và cần một lượng lớn USD để thanh toán. Chính tín hiệu vui từ thị trường này đã khiến đồng USD từ mức dư thừa hồi trước Tết trở nên có giá và các ngân hàng nhân cơ hội này gia tăng huy động.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà Nước, chi nhánh TP HCM, trong những tháng đầu năm, cơ cấu nguồn vốn huy động đang chuyển dịch dần theo hướng vốn huy động ngoại tệ giảm dần.
Hơn nữa, theo Nghị định 1141 mà Ngân hàng Nhà Nước vừa ban hành, nhà băng phải tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 5% lên 10%. Điều này khiến chi phí đầu vào của ngân hàng gia tăng lên đáng kể và các nhà băng phải đau đầu với bài toán sử dụng hiệu quả nguồn vốn huy động.
Nhiều ngân hàng thừa nhận, nguồn cung ngoại tệ đang không đáp ứng đủ nhu cầu ngoại tệ của các ngân hàng thương mại khiến các ngân hàng phải có biện pháp kích thích huy động nguồn vốn này. Mà biện pháp được sử dụng nhiều nhất là tăng lãi suất tiền gửi bằng USD.
VNE
|