NEC và Fujitsu phân chia sản xuất sang Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam
Hoạt động thông tin phát triển và việc ứng dụng phần mềm trong các thiết bị điện tử gia dụng tăng mạnh khiến số lượng 150.000 nhân viên phát triển phần mềm của Nhật Bản không đáp ứng hết nhu cầu. Trong bối cảnh đó, hai công ty hàng đầu về công nghệ thông tin của Nhật Bản là NEC và Fujitsu có kế hoạch trong vòng 3 năm tới tăng từ 2 đến 3 lần số nhân viên phát triển phần mềm tại nước ngoài hiện nay, trong kế hoạch nhằm tăng khả năng sản xuất ở nước ngoài, và mở rộng hoạt động, phân chia sản xuất sang các nước châu Á khác, trong đó nhất là Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác.
NEC có kế hoạch tăng số nhân viên phát triển phần mềm của mình tại các nước châu Á khác lên 10.000 người. Trong đó, NEC dự định nâng số người làm việc tại Trung Quốc lên tới 7.500 người, và tăng gấp đôi số nhân viên tại Ấn Độ lên 2.000 người. Ngoài ra, số nhân viên của NEC tại Việt Nam và Philíppin cũng sẽ được tăng cường. Kế hoạch của NEC là đảm bảo số nhân viên phát triển phần mềm tại các nước châu Á tương đương với số lượng làm việc tại Nhật Bản. Trong khi đó, Fujitsu cũng dự định tăng gấp đôi số nhân viên phát triển phần mềm tại Ấn Độ lên 10.000 người vào năm 2010, và tăng số người làm việc tại Trung Quốc lên 2.000 người vào năm 2009.
Những sản phẩm chủ yếu được phát triển tại thị trường châu Á của NEC và Fujitsu là phần mềm sử dụng trong điện thoại di động và đồ điện gia dụng kỹ thuật số. Theo kế hoạch phân chia sản xuất của hai công ty, công đoạn thiết kế cơ bản sẽ được thực hiện tại Nhật Bản, trong khi các cơ sở hoạt động tại nước ngoài sẽ tiến hành lập trình phần mềm. Các công đoạn hiển thị màn hình chữ Hán sẽ được tập trung thực hiện tại Trung Quốc và Ấn Độ do đội ngũ lập trình viên ở đây có trình độ cao và có khả năng phát triển các bộ phận điều khiển phức tạp. Các cơ sở tại Việt Nam sẽ có trách nhiệm thử nghiệm các phần mềm.
Nguyên nhân thúc đẩy NEC và Fujitsu phân chia sản xuất sang các nước châu Á khác là do tình trạng thiếu nhân lực nghiêm trọng tại Nhật Bản. Nền kinh tế nước này hồi phục đã thúc đẩy các công ty mở rộng đầu tư vào hệ thống thông tin, do đó nhu cầu về phần mềm sử dụng trong đồ điện gia dụng và ô tô tăng mạnh. Trong khi đó, sự thiếu thụt chuyên viên khiến chất lượng sản phẩm đi xuống, và đã xảy ra nhiều sự cố sản phẩm do lỗi chương trình phần mềm.
Trong khi đó, Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam có chính sách đào tạo bồi dưỡng số lượng lớn các chuyên gia lập trình. Chi phí để đào tạo một chuyên gia lập trình của Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam tương ứng chỉ bằng 50%, 30% và 20% so với chi phí đào tạo của Nhật Bản. Với việc tăng cường tuyển dụng nhân viên nước ngoài và phân chia sản xuất sang các nước châu Á, NEC và Fujitsu có thể sử dụng hiệu quả số nhân viên lập trình có trình độ cao với chi phí thấp.
TTXVN
|