Thứ Bảy, 07/07/2007 12:10

Lạm phát cao 6 tháng đầu năm: đâu là nguyên nhân thực

Sáu tháng đầu năm 2007, chỉ số giá tiêu dùng của cả nước tăng 5,2%. Đây là con số gây bất ngờ cho nhiều người. Việc nhận thức rõ nguyên nhân tăng giá sẽ không chỉ giúp đưa ra các giải pháp kiểm soát lạm phát, mà còn giúp ổn định tâm lý thị trường. VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính)

Ông Thỏa cho biết, một đặc trưng của tăng giá tiêu dùng năm nay là hầu hết các nhóm hàng đều có mức tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 8,24%, hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 6,8%...

Nguyên nhân tăng giá, về chủ quan có các yếu tố như do nhà nước thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số loại vật tư đầu vào; tác động vĩ mô từ nguồn vốn đầu tư tăng cao. Về khách quan có các nhân tố về giá cả thị trường thế giới nhất là các loại vật tư cơ bản đầu vào cho sản xuất tăng cao; nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh nhất là những tháng đầu năm và hậu quả của dịch bệnh ở gia súc, gia cầm năm 2006 là diễn biến phức tạp đầu năm 2007... Ngoài ra cũng phải kể đến các yếu tố tâm lý của thị trường.

Cùng một môi trường, giá Việt Nam tăng nhanh hơn các nước

- Thưa ông, có một số ý kiến cho là giá trong nước tăng do giá thế giới tăng. Tuy nhiên, các nước khác trong khu vực cũng chịu những tác động của giá xăng dầu và dịch bệnh trong chăn nuôi như nước ta nhưng lạm phát của họ không tăng quá cao. Điều này có thể lý giải thế nào?

- Xem xét vì sao cùng một môi trường mà chỉ số lạm phát của nước ta tăng cao, thứ nhất, có thể thấy nguyên nhân sâu xa là do sức cạnh tranh của nền kinh tế kém, thể hiện ở chỗ hiệu quả của nền kinh tế chưa cao. Điều này có thể thấy ở chi phí sản xuất, giá thành sản xuất hay giá vốn của nhiều mặt hàng sản xuất trong nước cao hơn các nước trong khu vực. Rõ ràng, bản thân chi phí sản xuất trong nước cao, cộng thêm giá nguyên liệu đầu vào cao nữa đã đẩy giá lên.

Thứ hai, cũng phải thấy rằng, những biện pháp khắc phục biến động giá thế giới của nước ta, của các doanh nghiệp còn yếu.

Thứ ba, có một thực tế là trong nền kinh tế nước ta, tỉ lệ nhập khẩu của nhiều loại vật tư cơ bản rất cao như nhập xăng dầu 100%, phôi thép 60 – 70%, nguyên liệu cho thuốc chữa bệnh nhập khẩu đến 90%... Dĩ nhiên khi các mặt hàng này trên thế giới biến động thì chắc chắn giá cả trong nước cũng ảnh hưởng.

Trong khi đó, đối với các nước thì cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành đã có thay đổi, cũng như có các giải pháp tốt để khắc phục biến động giá thế giới, thông qua điều chỉnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu tiêu dùng, thông qua các giải pháp đổi mới kỹ thuật… Cụ thể, nhiều nước đã cải tiến công nghệ và đã giảm định mức tiêu hao xăng dầu xuống rất mạnh khiến cho nền kinh tế giảm phụ thuộc vào những nhiên liệu hay biến động như xăng dầu.

Cũng phải nói là các nước đã quen với giá thị trường, cơ chế giá không bao cấp, nên khi giá tăng tác động cũng không lớn như nước ta. Trong khi đó, nước ta còn nhiều loại mặt hàng giá bao cấp nên khi giá thế giới biến động buộc phải điều chỉnh với biên độ lớn hơn so với các nước.

Trong nửa năm, lượng tiền đưa ra bằng 67% chỉ tiêu cả năm

- Một trong những nguyên nhân có tác động mạnh và có thể là đặc điểm của tăng giá năm nay là nguồn tiền đầu tư vào nước ta trong 6 tháng đầu năm tăng rất mạnh. Ngân hàng Nhà nước trong 6 tháng đã mua vào 7 tỷ USD, tương đương với việc đưa ra thị trường 112 ngàn tỷ đồng, điều này đã ảnh hưởng thế nào đến cung tiền tệ? (Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong 6 tháng chỉ là 335 ngàn tỉ đồng.)

- Sáu tháng đầu năm, dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào nhiều làm tăng cung ngoại tệ, gây sức ép tăng giá cho đồng nội tệ, đồng thời góp phần tăng tổng phương tiện thanh toán. Sáu tháng đầu năm thu hút thêm 5,2 tỷ USD vốn FDI, vốn đầu tư gián tiếp tăng nhanh trong 5 tháng đạt 1,7 tỷ USD, chuyển tiền tư nhân đạt khoảng 2 tỷ USD…

Ngân hàng Nhà nước đã đưa tiền vào lưu thông để mua ngoại tệ dự trữ, đồng thời thông qua nghiệp vụ thị trường mở để bán tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, rút tiền mặt ra khỏi lưu thông. Tuy nhiên, lượng tiền mặt do Ngân hàng đưa ra lưu thông bằng 67% mức cung ứng tiền tệ được Chính phủ phê duyệt cho cả năm.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán phát triển, tổng giá trị cổ phiếu niêm yết tính theo giá thị trường đạt 221.156 tỷ đồng, tương đương 14 tỷ USD hay 22,7% GDP năm 2006. Tình hình này đã góp phần làm tăng vốn cho sản xuất kinh doanh, đồng thời cũng làm tăng thu nhập một nhóm người nhất định.

Về tổng phương tiện thanh toán và tín dụng, theo một ước tính của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 5, tổng phương tiện thanh toán đã tăng khoảng 16,9% so với cuối năm 2006 và tăng 39,8% so với cùng kỳ năm 2006, và cao hơn nhiều với tốc độ tương ứng của 5 tháng đầu năm 2006. Tổng dư nợ của nền kinh tế ước tăng 15,04% so với cuối tháng 12/2006 và tăng 33,53% so với cùng kỳ.

Giá hàng tiêu dùng thiết yếu tăng nhanh

- Trong sáu tháng đầu năm, có hai nhóm hàng tăng cao hơn mức trung bình là nhà ở - vật liệu xây dựng và hàng ăn - dịch vụ ăn uống, đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của gia đình người dân. Ông có thể phân tích về tăng giá của hai mặt hàng trên và trong thời gian tới sẽ có những biện pháp gì để bình ổn giá hai nhóm hàng hoá quan trọng này?

- Nhà ở - vật liệu xây dựng và dịch vụ ăn uống là hai nhóm có quyền số lớn trong chỉ số giá tiêu dùng, nên khi hai nhóm hàng này tăng cao đã kéo chỉ số giá tăng lên.

Đối với nhóm thứ nhất, có những mặt hàng tăng mạnh trong nửa đầu 2007 như: bất động sản trong một số đô thị mới ở Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh đã có cơn sốt giá với mức tăng 20 – 50%. Một mặt hàng nữa trong nhóm này là chi phí sử dụng điện tăng do những tháng vừa rồi nóng, sử dụng nhiều điện với mức giá luỹ tiến thì chi phí cũng cao lên. Chất đốt, trong đó có xăng đã điều chỉnh tăng hai lần với 8,9% và 7,2%. Giá gas cũng điều chỉnh tăng, giá thép tăng do giá phôi thế giới tăng… đã khiến nhóm hàng này tăng giá mạnh.

Nhóm hàng ăn, nổi cộm là lương thực - thực phẩm, cũng đã tăng mạnh. Trong đó lương thực tăng là do cầu tăng, nhất là nhu cầu xuất khẩu do giá xuất khẩu tăng cao. Dịch bệnh đối với đàn gia súc gây tác động lớn, ngay cả đàn lợn bị dịch bệnh từ năm ngoái đến nay vẫn chưa trở lại bình thường. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng của 3 tháng đầu năm và dịp Tết tăng rất cao hơn bình thường.

Để kìm chế tăng giá, Chính phủ và các bộ ngành đã thực hiện hành loạt biện pháp điều hành vĩ mô nhằm đảm bảo cân đối cung cầu và các cân đối vĩ mô khác của nền kinh tế như: cung cấp hàng hoá đầy đủ, nhất là vào những dịp Tết - lễ có nhu cầu tiêu dùng cao.

Chính phủ cũng sẽ có các biện pháp giảm chi phí như: thực hiện cắt giảm thuế theo lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế, với mức cắt giảm bình quân là 44% so với hiện tại. Trong đó tập trung vào các mặt hàng có thuế suất cao như: hàng tiêu dùng, sản phẩm giấy, gỗ, ô tô, dệt may…

Bên cạnh đó, Nhà nước vẫn sử dụng ngân sách để giữ ổn định giá một số mặt hàng vật tư quan trọng như dầu, nước sạch…Thực hiện kiểm soát thị trường và chống các biểu hiện đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Về chính sách tiền tệ vẫn tiếp tục giữ ổn định lại suất cơ bản đồng Việt Nam. Từ tháng 6, bắt đầu tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, đồng thời thực hiện nghiệp vụ thị trường mở để thu tiền giảm gây áp lực lên giá cả.

Những tháng cuối năm, những biện pháp trên đây tiếp tục được áp dụng. Đồng thời, các biện pháp đồng bộ về kiểm soát giá cả được Chính phủ thực hiện sẽ kìm chế tốc độ tăng giá các mặt hàng này cũng như chỉ số giả cả nói chung theo mục tiêu đã đề ra.

Việc gia nhập WTO có tác động đến giá?

- Sáu tháng đầu năm 2007 cũng là thời gian chúng ta bắt đầu thực hiện các cam kết gia nhập WTO, nhiều mặt hàng đã giảm giá theo theo lộ trình mở cửa và giảm thuế. Ông nhận định thế nào về tác động gia nhập WTO đối với giá cả trong nước?

- Tôi cho rằng, khi nhìn vào tác động WTO vào giá cả không nên một chiều là vào WTO giá sẽ giảm. Sẽ có những loại giảm giá nhưng cũng có những loại tăng giá. Tuy nhiên, việc tăng hay giảm giá ở đây là do cung cầu thị trường. Các nước trên thế giới đã vào WTO cũng phải chấp nhận việc tăng giá chứ không riêng gì nước ta.

Do giảm thuế và mở cửa thị trường, một số hàng hoá nước ngoài vào nhiều hơn và hình thành xu thế giảm giá. Tuy nhiên, khi đẩy mạnh xuất khẩu những loại nông sản nước ta chiếm ưu thế sẽ có thêm áp lực cho giá trong nước lên.

Người tiêu dùng cũng nên thấy cả hai mặt của vấn đề này. Ví dụ giá nông sản thực phẩm tăng thì nông dân có lợi, nông dân thu được tiền để bù cho giá đầu vào tăng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cái không lợi là giá nông sản tăng thì người tiêu dùng sẽ bị điều tiết.

Từ nay đến cuối năm và các năm tiếp theo, nước ta tiếp tục thực hiện các cam kết WTO theo đúng lộ trình, việc giảm thuế và mở cửa thị trường theo lộ trình sẽ khiến cho hàng hoá và nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ nước ngoài tham gia nhiều hơn trên thị trường, vì vậy giá cả có thể giảm và chất lượng hàng hoá dịch vụ sẽ tăng và đa dạng hơn.

Tuy nhiên, quan điểm điều hành giá chung khi gia nhập WTO là theo mặt bằng giá thế giới. Như thực tế nêu trên, những mặt hàng nào giá đang quá cao thì phải có các giải pháp về thuế, về sản xuất… để kéo xuống tương đương với sản phẩm cùng loại trên thế giới. Đối với những loại nào mà đang phải mua cao bán thấp thì phải đẩy dần lên như mua điện của Trung Quốc, bù lỗ dầu…

Chúng ta phải nhìn nhận thực tế là không phải vào WTO tất cả đều giảm giá. Có những loại giảm nhưng có những loại sẽ tăng tiệm cận với mặt bằng thế giới, không thể chịu lỗ mãi được.

- Được biết, Thủ tướng Chính phủ mới có văn bản chỉ đạo các biện pháp kiểm soát giá cả. Ông có thể cho biết nội dụng các giải pháp chính để bình ổn giá từ nay đến cuối năm?

- Để tiếp tục kiềm chế tốc độ tăng giá, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo để các bộ ngành thực hiện đồng bộ các biện pháp điều hành giá cả từ nay đến cuối năm. Trong đó, sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp điều hành giữ vững các cân đối vĩ mô của nền kinh tế, không để mất cân bằng cung cầu trên thị trường, nhất là các mặt hàng đầu vào quan trọng của nền kinh tế và hàng hoá tiêu dùng. Thực hiện các biện pháp khống chế dịch bệnh và giảm nhẹ thiên tai. Thực hiện chính sách điều hành tiền tệ thận trọng và linh hoạt theo hướng kiểm soát mức tăng tổng thanh toán, giữ ổn định tỷ giá và các lãi suất cơ bản. Thực hiện các biện pháp về tài chính đề góp phần giảm giá như giảm thuế, phí, nâng cao hiệu quả đầu tư, trong đó chú trọng ổn định một số vật tư hàng hoá quan trọng, thực hiện kiểm soát giá đối với các mặt hành đang thuộc diện bình ổn giá vì đang có dấu hiệu tăng cao như thép, gas, giám sát giá xăng chặt chẽ…

Đồng thời, thực hiện các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu, tổ chức tốt thị trường và đảm bảo lưu thông hàng hoá thông suốt. Các DN cần tiếp tục đổi mới công nghệ, tăng năng suất, giảm giá thành để khắc phục khó khăn do giá đầu vào tăng và thực hiện kiềm chế tăng giá đầu ra.

- Xin cảm ơn ông.

VNN

Các tin tức khác

>   Đồng Tháp: bao tiêu sản phẩm cá sấu (07/07/2007)

>   Cà phê chiếm gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản (07/07/2007)

>   Tại ai và tại sao? (07/07/2007)

>   Từ 4h30 ngày 9-7, sẽ chính thức ngừng cung cấp khí Nam Côn Sơn (07/07/2007)

>   Kim ngạch xuất khẩu công nghiệp đạt 16,6 tỷ USD (07/07/2007)

>   Giá tiêu dùng tăng dồn dập, vì sao? (07/07/2007)

>   EIU: Thị trường điện thoại di động Việt Nam đang bùng nổ (06/07/2007)

>   Thị trường vật liệu xây dựng VN hấp dẫn DN Nhật Bản (06/07/2007)

>   Đài Loan đầu tư 5 triệu USD vào khu công nghiệp Đồ Sơn (06/07/2007)

>   776 triệu USD vốn FDI vào ngành du lịch (06/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật