Giá tiêu dùng tăng dồn dập, vì sao?
Giá thịt, sữa, dầu ăn, nước mắm... tăng; giá thép xây dựng, xi măng... tăng; và còn bao nhiêu mặt hàng khác cũng tăng giá. Bà Đỗ Thị Kim - chủ một quầy tạp hóa tại chợ Bà Chiểu (TP.HCM) phân trần: "Không hiểu sao mà giá hàng hóa gần đây cứ tăng hoài? Khách mua cứ kêu ca với tôi miết nhưng thật tình tôi cũng không biết nói sao. Các đại lý đến bỏ hàng họ tăng giá mà có giải thích gì với mình đâu".
| Món nào cũng tăng!
Theo khảo sát của PV Thanh Niên, ở một số chợ lớn trên địa bàn TP.HCM, so với khoảng nửa tháng trước, giá thịt heo (đùi) đã tăng từ 35.000đ lên 40.000 - 45.000đ/kg; thịt ba rọi tăng từ 32.000đ lên 40.000 - 45.000đ/kg; xương tăng từ 22.000đ lên 30.000 - 35.000đ/kg; giò tăng từ 22.000đ lên 30.000 - 35.000đ/kg... Giá dầu ăn Tường An chai 1 lít tăng từ 16.000đ lên 19.000đ; dầu Ông Vua chai 1 lít, giá từ 17.000đ lên 21.000đ; dầu VoCa tăng từ 15.000đ lên 18.000đ/lít. Rồi giá cá thu lên đến hơn 30.000đ/kg, tăng khoảng 2.000đ; giá tiêu 68.000 - 70.000đ/kg, tăng hơn 20.000đ; giá nước mắm Phú Quốc tăng 1.000 - 2.000đ/lít...
Trong nhóm mặt hàng thực phẩm, sữa là một trong những sản phẩm tăng giá mạnh nhất. Nhiều loại sữa tăng giá đến 10% chỉ riêng trong tháng 6. Ông Trần Bảo Minh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), cho biết giá sữa nguyên liệu nhập khẩu đã tăng từ 2.700 USD/tấn (năm ngoái) lên đến 5.500 - 6.000 USD/tấn và vẫn còn trong xu hướng tăng tiếp. Với mức tăng như vậy, giá 1 hộp sữa của công ty lẽ ra phải tăng đến 50%, nhưng nhờ công ty có những hợp đồng nhập khẩu sữa dài hạn ký từ trước với giá thấp nên thời gian qua chỉ điều chỉnh tăng khoảng 5%.
Giá các loại vật liệu xây dựng tăng mạnh từ đầu tháng 5 đến nay. Giá thép đã tăng thêm khoảng 300.000 - 400.000đ/tấn so với trước đó, dao động từ 10,4 triệu đồng - 10,5 triệu đồng/tấn, thép cuộn xấp xỉ 10 triệu đồng/tấn, giá xi măng cũng tăng từ 500 - 1.000đ/bao...
Nỗi lo của người tiêu dùng đang tăng theo đà tăng giá. Chị Nguyễn Thị Lan (nhà ở Q.Gò Vấp, TP.HCM) kể: "Lúc trước mình thường mua cho con trai một ngày 3 hộp sữa, nay cắt giảm ngày mua 2 hộp thôi. Thấy cũng tội nghiệp cho thằng nhỏ, nhưng đành phải chịu chứ biết làm sao?". Chị Lê Thị Thanh Hằng, công nhân may Công ty Bình Hòa (TP.HCM) lo lắng: "Tụi mình là công nhân, xa quê vào TP kiếm tiền phụ giúp gia đình, phải tằn tiện lắm mới dành dụm để dư được chút ít gửi về quê. Nay cái gì cũng cứ tăng giá hoài thế này không biết làm sao đây. Lúc trước, một ngày đi chợ cho 3 người ăn chỉ khoảng 20.000đ, nay phải mất 30.000đ mới đủ. Cứ đà này chắc không còn đồng nào để gửi về quê!".
Đâu là nguyên nhân?
Hầu hết các công ty đều cho biết giá tăng là do nguyên liệu như sữa, phôi thép... nhập khẩu liên tục tăng cộng hưởng với việc giá xăng tăng. Trả lời phỏng vấn của PV Thanh Niên về nguyên nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: "Trước hết là do nền kinh tế của nước ta vẫn đang tăng trưởng nhanh, "nóng" với chỉ tiêu đặt ra là tăng 8,5% GDP trong năm nay, có thể nói là rất cao, thì đi cùng với nó là chỉ số giá cũng phải tăng cao.
Thứ 2 là thu nhập của người dân cũng đã khá lên, trong các ngành sản xuất cũng như với bộ phận cán bộ, công nhân viên nên nhu cầu tiêu dùng lớn hơn. Thứ 3 là năm nay Nhà nước đã áp dụng giải pháp rộng rãi hơn về giá. Một số mặt hàng như xăng, dầu đã để cho thị trường điều chỉnh và đó cũng là một nguyên nhân đẩy giá lên. Một nguyên nhân cũng đáng nói đến là sản xuất nông nghiệp không được tốt. Chúng ta mất khoảng nửa triệu tấn lượng thực do mùa màng không tốt. Rồi trong chăn nuôi: sản lượng thịt lợn, gia cầm tuy dịch cúm có được khắc phục nhưng vẫn còn kém".
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nhận định: "Từ năm nay, Nhà nước đã lộ trình hóa cho việc giá cả một số mặt hàng tiếp cận với giá thị trường, phản ánh đúng chi phí như với xăng, thép. Tuy nhiên, phản ứng chính sách của mình về xăng, dầu là chưa hoàn hảo. Đưa giá xăng trong nước tiếp cận giá thế giới là đúng nhưng thời điểm để thực hiện là chưa hợp lý.
Cho dù giá xăng dầu tăng với trọng số không lớn nhưng nó lại tác động mạnh đến tâm lý của người tiêu dùng về giá. Đáng nói nữa là về tài chính tiền tệ, hiện nay rất khó do luồng vốn vào nhiều, cung tiền tệ tăng nhanh. Và mặc dù Nhà nước cũng đã có một số biện pháp kiểm soát tín dụng nhưng cung tiền tệ tăng đồng nghĩa với tổng phương tiện thanh toán tăng, dẫn tới lạm phát. Lẽ ra phải trung hòa các nguồn vốn, ví dụ như bằng cách phát hành trái phiếu để giảm bớt cung tiền tệ".
Giá cả sẽ diễn biến như thế nào từ nay đến cuối năm? Trả lời câu hỏi này, ông Lê Mạnh Hùng nói: "Nếu Chính phủ thực hiện chỉ đạo quyết liệt, các bộ, ngành hữu quan lưu tâm, triển khai nhiều giải pháp thì năm nay vẫn đảm bảo mục tiêu giữ chỉ số giá thấp hơn tốc độ tăng trưởng, nhưng chỉ số giá cũng có thể tăng đến 8%".
Bà Trần Thị Kim Quyên, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết có khá nhiều mặt hàng đã tăng giá từ 5 - 10% trong vòng 2 tháng qua. Theo thông tin từ các doanh nghiệp (DN), có khả năng giá sẽ tiếp tục tăng trong thời gian từ nay đến cuối năm. "Chúng tôi luôn đàm phán với các DN giữ mặt bằng giá ổn định trong vòng một tháng. Các DN đều cho biết do giá xăng dầu cũng như nhiều chi phí đầu vào đã tăng lên nên bắt buộc phải tăng giá. Hơn nữa càng về cuối năm nhu cầu sử dụng các mặt hàng cũng gia tăng nên thường xu hướng giá cũng thay đổi", bà Quyên nói.
Thanh nien
|