Thứ Sáu, 06/07/2007 18:19

6 cách kiềm chế giá tăng

Trong 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng ở mức 5,2%, vượt xa so với mục tiêu đặt ra là 4%.

Nhiệm vụ kiềm chế và bình ổn chỉ số giá trong 6 tháng cuối năm, vì thế, dường như mỗi lúc một nặng nề hơn.

CPI 6 tháng cuối năm không vượt quá 3%?

Theo nhiều chuyên gia, để tránh nguy cơ lạm phát, tốc độ tăng giá cả năm không được vượt qua 8%. Nếu năm nay GDP tăng 8,5% thì tối đa CPI cũng phải dưới 8,5%.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, đối với một nước còn có vấn đề về chất lượng tăng trưởng như nước ta thì độ chênh giữa tốc độ tăng giá và tốc độ tăng GDP khó mà đạt 2-3, khoảng 1-1,5 là tốt rồi.

Ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, Bộ Tài chính, cũng cho rằng, để đạt mục tiêu Quốc hội đề ra thì CPI trong 6 tháng cuối năm chỉ được phép tăng dưới 3%. Điều này, theo ông là rất khó, bởi những tháng cuối năm thị trường vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố tăng giá.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển vẫn tỏ ra lạc quan hơn khi cho rằng, về lý thuyết thì không phải là không đạt được, bởi có những năm giá thường giảm vào cuối năm.

“Nếu 6 tháng cuối năm mỗi tháng chỉ tăng khoảng 0,4 - 0,5% (bình quân khoảng 0,45%) thì vẫn có thể đạt được mức đấy”, Bộ trưởng nói.

Nhưng theo ông, để đạt được thì phải có một số biện pháp. Và các biện pháp này không chỉ xem xét trên tổng cung cầu hàng hoá mà xem xét cả mức tín dụng. Vì nếu mức tín dụng lớn sẽ kích thích nhu cầu tiêu thụ, tăng cầu, gây ra hiệu ứng tăng giá.

6 giải pháp bình ổn thị trường

Với mục tiêu kiềm chế chỉ số CPI ở mức 2,3-3% trong 6 tháng cuối năm, liên bộ Thương mại - Tài chính vừa đề xuất 6 giải pháp bình ổn thị trường.

Thứ nhất, thực hiện quyết liệt các biện pháp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nỗ lực dập tắt các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cây trồng; chủ động phòng, chống giảm nhẹ thiên tai; bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng trọng yếu trong mọi tình huống với giá cả hợp lý.

Thứ hai, kiểm soát chặt chẽ việc thu - chi ngân sách, phấn đấu mức bội chi ngân sách Nhà nước trong khoảng 5% GDP; tăng cường quản lý hoạt động của thị trường chứng khoán; thực hiện kiểm soát giá thành, giá bán đối với những hàng hóa, dịch vụ quan trọng cùng với việc thực hiện lộ trình giảm giá bán điện từ 1/7/2008, giảm bù giá đối với các loại dầu, giám sát tốt giá xăng.

Thứ ba, tiếp tục chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, giữ ổn định tỷ giá và các lãi suất chủ đạo của tiền đồng; theo dõi chặt tác động của việc tăng dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi;

Thứ tư, đẩy mạnh các biện pháp xuất khẩu, giảm nhập siêu; tổ chức tốt các hoạt động của thị trường, bảo đảm hàng hóa lưu thông; chủ động điều hành thị trường nhằm kiên quyết bảo đảm cung cầu các mặt hàng trọng yếu, tăng cường quản lý thị trường;

Thứ năm, các bộ ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp soát xét chặt các quy hoạch ngành hàng, thực hiện đổi mới công nghệ, giảm chi phí hạ giá thành sản xuất, kinh doanh.

Thứ sáu, các ngành ở địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát bình ổn giá. Gắn kiểm tra niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ với kiểm tra chất lượng hàng hóa, xử lý nghiêm tình trạng lợi dụng nâng giá bán hàng.

VNE

Các tin tức khác

>   Hơn 1,2 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc (06/07/2007)

>   VN đề xuất sáng kiến thúc đẩy thương mại ASEAN-EU (06/07/2007)

>   Viettel khai thác thị trường Xinhgapo và Thái Lan (06/07/2007)

>   Các giải pháp phát triển thị trường điện cạnh tranh (06/07/2007)

>   Sofitel Plaza Saigon bị phạt vì thu sai cước viễn thông (06/07/2007)

>   Thâm hụt thương mại có thể lên đến 8 tỷ USD (06/07/2007)

>   Gạo Việt sang Nga sẽ lợi hơn về giá (06/07/2007)

>   Bà Rịa - Vũng Tàu, kiến nghị thu hồi 356 dự án “treo”. (06/07/2007)

>   Việt Nam – Cầu nối chiến lược của DN Hàn Quốc (06/07/2007)

>   Đà Nẵng yêu cầu dừng xuất khẩu cát vàng (06/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật