Thứ Bảy, 07/07/2007 11:50

Tại ai và tại sao?

Hầu như tin tức kinh tế hàng ngày trên các báo, đài dành khá nhiều thời lượng cho những dự án chậm trễ, những công trình đang xuống cấp trầm trọng… cùng với số tiền vô cùng lớn được dự tính để chắp vá cho chúng.

Cũng không ít thông tin về các vụ án kinh tế mà khởi đầu từ những phát hiện nhập nhèm trong thực hiện, triển khai các dự án. Nhiều cuộc họp, rút kinh nghiệm liên tục được tổ chức sau khi các dự án này bị lộ sáng để rồi lại tiếp tục có những vụ lộ sáng tiếp sau.

Trong khi đó, cũng với mật độ không kém phần liên tục, những đánh giá tình hình thực hiện chế độ báo cáo về giám sát, đánh giá đầu tư luôn bị kêu là chậm, chưa đảm bảo yêu cầu. Thậm chí, việc thực hiện trách nhiệm giám sát đầu tư năm 2006 còn kém hơn nhiều so với phần công việc này của năm trước đó. Tính đến tháng 6 năm 2007, mới có 68,7% số đơn vị có các dự án đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước gửi báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư. Nếu tính một cách chi li hơn thì chỉ có 30,8% các cơ quan thuộc Chính phủ; 57,1% các bộ, cơ quan ngang bộ và 63,2% tập đoàn kinh tế, tổng công ty 91 thực hiện nghĩa vụ này.

Không những thế, các báo cáo giám sát đầu tư của nhiều đơn vị gửi đến lại không đầy đủ, dự án có, dự án không. Tính theo tỷ lệ các dự án thì chỉ có 14.044/27.340 dự án của các bộ, ngành, địa phương sử dụng nguồn vốn nhà nước thực hiện đầu tư trong kỳ có báo cáo giám sát, thấp hơn nhiều so với năm 2005.

Chỉ một góc nhìn cũng có thể thấy rằng, mục tiêu giám sát, đánh giá đầu tư để kịp phát hiện những vướng mắc, sai phạm theo mong muốn của Chính phủ khi bắt buộc các đơn vị phải thực hiện quá trình này đã không thể thực hiện được một cách trọn vẹn. Nhiều người thừa nhận rằng, giá như công tác này được các đơn vị nhìn nhận một cách đúng mức, dành hơn nữa sự quan tâm cho chúng thì rất có thể, những sai phạm, vi phạm trong quản lý đầu tư cũng như những chậm trễ do phát sinh vướng mắc trong thực hiện đầu tư đã không quá tràn lan và trở nên bức xúc như hiện nay. Hơn nữa, số tiền bỏ ra làm công tác giám sát sẽ nhỏ hơn rất nhiều khoản chi phí phải có để sửa chữa, khắc phục cho các sai phạm. Và cái được quan trọng hơn, lâu dài hơn, đó là ý thức trách nhiệm của mỗi một vị trí trong guồng máy chung.

Nói đến ý thức trách nhiệm, có vẻ như đang là một yêu cầu quá lớn đối với không ít bộ phận trong bộ máy quản lý nhà nước. Nhiều quyết định được ban hành gây tổn hại cho xã hội, cho doanh nghiệp được rút lại không lời bình. Những dự án sai đâu sửa đó cản trở vô cùng tới tăng trưởng kinh tế chỉ được nhắc đến chung chung trong số dự án chậm tiến độ còn nhiều… Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì số dự án nhóm A chậm tiến độ được báo cáo là 8,28% song có lẽ con số này chưa đủ vì khá nhiều dự án không có báo cáo. Trong khi đó, tỷ lệ các dự án nhóm A dự kiến kết thúc đưa vào hoạt động trong kỳ chỉ là 8,94%, tỷ lệ rất thấp so với yêu cầu. Sự chậm trễ này ảnh hưởng lớn tới huy động năng lực sản xuất theo đúng kế hoạch, làm tăng chi phí cho ban quản lý dự án, tăng lãi vay trong thời gian xây dựng… Lãng phí rất lớn và hiệu quả đầu tư rất thấp.

Tuy nhiên, không có đơn vị nào không thực hiện nghiêm túc công tác đánh giá đầu tư bị nêu khuyết điểm. Các vụ việc xảy ra tại địa phương dường như chỉ liên quan tới những người trực tiếp tham gia vào dự án mà hầu như không tính tới những vị trí được giao trọng trách "phòng bệnh" trước đó. Nếu như phân tích một cách ngọn ngành thì chính những vị trí làm công tác đánh giá, giám sát đầu tư cũng phải chịu một phần trách nhiệm khi để sự việc đi quá xa mà không có thông tin đầy đủ.

Trong hàng loạt giải pháp, kiến nghị để nâng cao chất lượng trong công tác quản lý dự án mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị bổ sung các quy định về hình thức kỷ luật và trách nhiệm cá nhân, đơn vị liên quan về thực hiện chế độ báo cáo và chất lượng của báo cáo đánh giá, giám sát đầu tư. Khi đó, trả lời cho câu hỏi tại ai và tại sao của tình trạng chậm trễ, sai phạm trong hoạt động xây dựng cơ bản mới có cơ hội được làm rõ. Và giới đầu tư cũng sẽ an tâm hơn khi không phải tất cả đổ đầu nhà thầu như hiện nay.

ĐTCK

Các tin tức khác

>   Từ 4h30 ngày 9-7, sẽ chính thức ngừng cung cấp khí Nam Côn Sơn (07/07/2007)

>   Kim ngạch xuất khẩu công nghiệp đạt 16,6 tỷ USD (07/07/2007)

>   Giá tiêu dùng tăng dồn dập, vì sao? (07/07/2007)

>   EIU: Thị trường điện thoại di động Việt Nam đang bùng nổ (06/07/2007)

>   Thị trường vật liệu xây dựng VN hấp dẫn DN Nhật Bản (06/07/2007)

>   Đài Loan đầu tư 5 triệu USD vào khu công nghiệp Đồ Sơn (06/07/2007)

>   776 triệu USD vốn FDI vào ngành du lịch (06/07/2007)

>   VN muốn đẩy nhanh quy hoạch tổng thể hạ tầng giao thông (06/07/2007)

>   Việt Nam là nhà đầu tư lớn thứ 3 tại Lào (06/07/2007)

>   Nhật Bản hỗ trợ VN phát triển thông vân tải bền vững (06/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật