Thứ Bảy, 21/07/2007 12:09

Khuôn khổ mới cho cổ phần hóa

Cơ sở pháp lý quy định việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước đã được điều chỉnh dần qua nhiều nghị định (Nghị định 44/CP, Nghị định 64/CP và Nghị định 187/CP).

Nhằm đáp ứng yêu cầu phù hợp thực tế và đồng bộ với Luật Doanh nghiệp 2005 và Luật Chứng khoán 2006, Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định 109/2007/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần, nhằm thay thế Nghị định 187/2004/NĐ-CP.

Những điều doanh nghiệp cần lưu ý trong quá trình triển khai thực hiện là nội dung chính được đề cập tại hội thảo chuyên đề liên quan đến Nghị định này, vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 18/7, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

Những điểm mới của Nghị định 109

Khác với Nghị định 187/2004/NĐ-CP, Nghị định mới đã mở rộng đối tượng nhà đầu tư chiến lược, không chỉ là nhà đầu tư trong nước mà bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư chiến lược được định nghĩa là nhà đầu tư có tiềm năng về công nghệ, quản lý, tài chính... nếu chỉ hạn chế trong phạm vi nhà đầu tư trong nước sẽ rất bất cập.

Nghị định 109 quy định đã là nhà đầu tư chiến lược thì không được chuyển nhượng trong vòng 3 năm kể từ ngày công ty cổ phần được đăng ký kinh doanh. Trường hợp đặc biệt muốn chuyển nhượng phải được đại hội cổ đông chấp thuận.

Một điểm mới nữa so với Nghị định 187, đó là theo Nghị định 109, nhà đầu tư chiến lược không được mua theo giá giảm 20% so với giá đấu thầu bình quân như trước đây. Có nghĩa là nhà đầu tư chiến lược cũng phải mua theo giá thị trường.

Trên quan điểm của thành viên Ban soạn thảo Nghị định, bà Nguyễn Hồng Loan, Trưởng phòng Tổng hợp, Cục Tài chính doanh nghiệp cho rằng việc quy định giảm 20% giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược là không cần thiết vì các nhà đầu tư này đều có tiềm lực về tài chính, họ góp vốn mua cổ phần với kỳ vọng tham gia quản trị doanh nghiệp.

Vì vậy, họ cần được ưu đãi quyền mua cổ phần hơn là ưu đãi giảm giá. Ngoài ra, nếu cổ phần hoá các doanh nghiệp lớn, mà tiếp tục giảm giá bán cho nhà đầu tư chiến lược thì số tiền ưu đãi giảm giá sẽ rất lớn.

Hơn nữa, theo bà Loan, việc áp dụng cơ chế ưu đãi giảm giá 20% còn làm nảy sinh hiện tượng nhiều trường hợp đứng trên danh nghĩa nhà đầu tư chiến lược để được giảm giá sau đó bán trao tay để hưởng chênh lệch.

Bà Nguyễn Hồng Loan cũng lưu ý các doanh nghiệp: theo quy định nhà đầu tư nước ngoài đầu tư mua cổ phần của doanh nghiệp cổ phần hoá thực hiện theo Nghị định 109 và các pháp luật hiện hành. Liên quan đến pháp luật hiện hành, tại Quyết định 36/2003/QĐ-TTg quy định nhà đầu tư nước ngoài muốn mua cổ phần của doanh nghiệp cổ phần hóa thì chỉ được phép mua tối đa 30%, còn đối với doanh nghiệp đã niêm yết, nhà đầu tư nước ngoài được phép mua 49%.

Vấn đề đặt ra là Quyết định 36 được ban hành năm 2003 để hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp 1999 và lúc đó Luật Doanh nghiệp 1999 khống chế nhà đầu tư nước ngoài tối đa chỉ được đầu tư 30% nếu như đầu tư vào các doanh nghiệp hoạt động theo luật doanh nghiệp. Tại thời điểm hiện nay, Luật Doanh nghiệp đã được quy về Luật Doanh nghiệp 2005 và không có khống chế trừ một số ngành nghề Nhà nước có thể có quy định phạm vi hẹp đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, một thực tế hết sức vô lí vẫn tồn tại. Đó là hiện nay vẫn chưa có văn bản nào thông báo Quyết định 36 bị huỷ bỏ nên đương nhiên nó vẫn còn hiệu lực.

Bổ sung phương thức bán cổ phần lần đầu

Nếu như các Nghị định trước chỉ quy định phương thức bán đấu giá thì Nghị định mới đã đưa thêm các hình thức bán cổ phần lần đầu khác như bảo lãnh phát hành, và thoả thuận trực tiếp.

Nếu áp dụng phương thức đấu giá công khai, doanh nghiệp có khối lượng cổ phần bán ra dưới 10 tỷ đồng thì được đấu giá tại các tổ chức tài chính trung gian. Ngược lại, nếu khối lượng cổ phần bán ra trên 10 tỷ đồng thì nhất thiết phải đấu giá tại sở giao dịch chứng khoán, trung tâm giao dịch chứng khoán.

Cơ cấu cổ phần lần đầu theo Nghị định 109 cũng có khác hơn.

Thứ nhất, Nhà nước nắm giữ hay không nắm giữ, chi phối hay không chi phối theo tiêu chí phân loại cũng như ngành nghề lĩnh vực của doanh nghiệp.

Thứ hai, tỉ lệ bán cho nhà đầu tư chiến lược không thấp hơn 25% vốn điều lệ và nhà đầu tư khác không thấp hơn 50%. Và tổ chức công đoàn được mua 3% vốn điều lệ, phần còn lại bán cho người lao động. Bà Loan cho biết trong trường hợp người lao động không có đủ khả năng mua sau mỗi đợt tăng cổ phần, nếu vốn Nhà nước cần chi phối thì trả lại Nhà nước, nếu không chi phối thì bán cho nhà đầu tư chiến lược hay nhà đầu tư xã hội.

Nghị định cũng đưa ra phương thức thoả thuận trực tiếp mà các Nghị định trước đây không có. Phương thức này chỉ được thực hiện theo một trong hai trường hợp: bán cho nhà đầu tư chiến lược theo phương thức thoả thuận; bán cho nhà đầu tư tham gia đấu giá lần đầu nhưng có người từ chối không mua và tiếp tục bán tiếp.

Tuy nhiên, cũng nảy sinh vấn đề bán cho nhà đầu tư chiến lược theo quy định tại Nghị định này là sau khi đã tổ chức đấu giá công khai. Trong khi đó, người dân lại có xu hướng mua theo phong trào khiến cho nhà đầu tư chiến lược phải mua theo giá rất cao.

“Đây là một tồn tại, nhưng nếu không đấu giá công khai thì sẽ không có cơ sở để quyết định giá bán cho nhà đầu tư chiến lược”, bà Loan kết luận.

VNE

Các tin tức khác

>   Cổ phiếu ngân hàng "tan băng" (21/07/2007)

>   Khởi công xây dựng nhà máy bao bì nhựa (21/07/2007)

>   Doanh nghiệp lạc quan (20/07/2007)

>   24/7: TRC chính thức giao dịch với giá tham chiếu 150.000 đồng/CP (20/07/2007)

>   Bán tiếp cổ phần CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà (20/07/2007)

>   Cổ phiếu IPO chưa hẳn mất giá (20/07/2007)

>   Thị trường OTC: Dài thêm khoảng lặng (20/07/2007)

>   31.7: VPC đấu giá 200.000 cổ phần (20/07/2007)

>   Bộ Công nghiệp được quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Vinatex (20/07/2007)

>   Không nên giãn tiến độ IPO (20/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật