Trước dư luận về hạn chế cho vay chứng khoán, Thống đốc NHNN LÊ ĐỨC THÚY:
Khống chế để ngăn chặn rủi ro tiềm ẩn
Sau khi có nhiều phản ứng Chỉ thị 03 về khống chế dư nợ cho vay chứng khoán của hệ thống ngân hàng, mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có công văn số 7021 cho phép các ngân hàng thương mại kéo dài thời gian thu hồi nợ và giảm dư nợ cho vay chứng khoán xuống dưới 3% đến ngày 31-12-2007. “Các khoản vay cầm cố chứng khoán thường là ngắn hạn, nên quy định lộ trình như vậy sẽ không ảnh hưởng lớn đến hoạt động ngân hàng, cũng như hành xử của người đi vay” - Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy trao đổi với PV Báo SGGP.
* PV: Thưa Thống đốc, tại sao NHNN lại ban hành chỉ thị khống chế việc cho vay chứng khoán?
* Ông LÊ ĐỨC THÚY: Việt Nam là quốc gia duy nhất cho phép ngân hàng cho vay cầm cố chứng khoán để đi đầu tư chứng khoán; trên thế giới không có nước nào như vậy. Khuyến cáo của các tổ chức tài chính quốc tế cũng cho rằng, nên hạn chế tối đa sự dính dáng trực tiếp của ngân hàng vào đầu tư chứng khoán theo cách cầm cố chứng khoán, như là một vòng tiếp nối liên tục.
Điều gì sẽ xảy ra nếu cổ phiếu của người vay không bán được, như cổ phiếu trên OTC hiện nay là hàng trăm cổ phiếu bị “đóng băng”, muốn bán không bán cho ai được? Lúc đó, ngân hàng cho vay nhiều, dự phòng không đủ rủi ro có thể bị sụp đổ. Và nguy hiểm hơn, có thể kéo theo sự sụp đổ cả một hệ thống. Cho nên, với trách nhiệm quản lý nhà nước về sự an toàn của hệ thống ngân hàng, chúng tôi phải thấy trước những rủi ro tiềm ẩn và có biện pháp ngăn chặn.
* Thưa Thống đốc, tỷ lệ 3% được NHNN đưa ra căn cứ trên cơ sở nào?
* Theo thông tin mà NHNN kiểm tra trước khi ban hành Chỉ thị 03 thì chỉ có 12 ngân hàng là có dư nợ cho vay chứng khoán cao hơn 3% tổng dư nợ tín dụng. Tỷ lệ này tính bình quân chung của các ngân hàng cổ phần là 7%, còn của các ngân hàng quốc doanh là rất nhỏ. Các ngân hàng nước ngoài không dính dáng gì đến hoạt động này. Như vậy, tỷ lệ 3% là căn cứ vào thực tế hiện nay có thể chấp nhận được để kiểm soát hoạt động cho vay này. Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cũng đã phải họp để đánh giá xem chủ trương đó đúng hay không đúng, có tác động gì.
Tôi xin khẳng định NHNN đưa ra chủ trương đó là căn cứ vào những chỉ đạo lâu nay của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm soát rất chặt chẽ luồng vốn tín dụng từ các ngân hàng đổ vào thị trường chứng khoán, để bảo đảm thị trường này phát triển bền vững.
* Thưa Thống đốc, phải chăng cho vay chứng khoán là rủi ro hơn các loại cho vay khác nên mới bị khống chế?
* Tôi không cho rằng cho vay chứng khoán là rủi ro nhất. Nhưng loại cho vay này tiềm ẩn rủi ro không nhỏ, và có tính hệ thống. Sau này, nếu phát hiện ra loại cho vay nào tiềm ẩn rủi ro mang tính hệ thống thì nhất định cũng phải có biện pháp can thiệp.
* Hiện nay, nhiều người lao động lo ngại có ít cơ hội mua được cổ phần khi doanh nghiệp của mình cổ phần hóa vì không vay được tiền ngân hàng?
* NHNN cấm việc cho vay vượt quá tỷ lệ cho phép bằng cầm cố cổ phiếu đầu tư kinh doanh chứng khoán, còn nếu mua chứng khoán nhưng đảm bảo bằng tài sản, hoặc chữ tín thì chúng tôi không cấm. Bên cạnh đó, chủ trương cho cán bộ công nhân viên mua cổ phần không đồng nghĩa với việc ngân hàng phải cho vay để mua cổ phần. Trong công văn 7021 hướng dẫn Chỉ thị 03, có 3 đối tượng không được xác định là “khách hàng” khi xác định dư nợ cho vay chứng khoán, gồm: công ty chứng khoán; các tổ chức tín dụng; người lao động trong công ty nhà nước mua cổ phần lần đầu khi chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần.
* Xin cảm ơn Thống đốc!
Bà DƯƠNG THU HƯƠNG, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội
Điều chỉnh chính sách phù hợp theo diễn biến thị trường
Chỉ thị của NHNN quy định cho vay chứng khoán không vượt quá 3% tổng dư nợ là một trong những biện pháp để tạo ra sự ổn định, lành mạnh cho thị trường chứng khoán. Vay tiền ngân hàng để đầu tư chứng khoán là rất rủi ro, cho nên nếu việc cho vay lớn quá thì khó đảm bảo tính ổn định của lĩnh vực rất nhạy cảm này. Nếu chúng ta đi sâu vào phân tích những số liệu về dư nợ của các chứng khoán thì sẽ thấy được tính “mong manh” của nó.
Hơn nữa, tôi tin rằng chỉ thị của NHNN đã được tính toán dựa trên những số liệu thống kê cần thiết, ví như số liệu thống kê về dòng tiền từ ngân hàng “chảy” sang thị trường chứng khoán.
Chúng ta không nên loại trừ việc có những ngân hàng cổ phần chạy theo lợi nhuận, cứ cho vay được là cho vay. Rõ ràng trong khi các ngân hàng quốc doanh chỉ có tốc độ tăng trưởng tín dụng trên dưới 20%, thì các ngân hàng cổ phần lại có tốc độ tăng trưởng tín dụng lớn hơn nhiều.
Từ thực tế như vậy, cần phải có hành động gì đó để đảm bảo an toàn cho thị trường tiền tệ cũng như thị trường vốn trong dài hạn, hơn nữa đó phải là một biện pháp kịp thời chứ không phải lúc “bùng” lên vấn đề thì mới đề ra biện pháp.
Dĩ nhiên khi đã có biện pháp, NHNN nên theo dõi xem diễn biến thị trường thế nào, xem diễn biến nhu cầu xã hội ra làm sao, để điều chỉnh chính sách cho phù hợp.
SGGP
|