“Lên sàn” Singapore, tiếp cận thị trường vốn quốc tế
Việc triển khai Hiệp định khung kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Singapore đã tạo ra cơ hội để các nhà đầu tư trong nước đặc biệt là các DN lớn, các tập đoàn lớn có cơ hội tiếp cận với thị trường vốn quốc tế thông qua Sở Giao dịch chứng khoán Singapore (SGX).
Chương trình tiếp cận thị trường chứng khoán (TTCK) Singapore đã khởi động tích cực khi các bản ghi nhớ hợp tác của SGX và hai trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP.HCM lần lượt được ký kết vào tháng 4/2007. Trao đổi với báo chí tại TP.HCM vào trung tuần tháng 6/2007 vừa qua ông Simon Lim - Phó Chủ tịch phụ trách niêm yết của SGX cho biết, hiện đã có 6-7 DN Việt Nam đặt vấn đề tìm hiểu TTCK Singapore và xúc tiến kế hoạch niêm yết trong khoảng đầu năm 2008. Việc DN Việt Nam chuẩn bị để niêm yết ở nước ngoài cho thấy sự mạnh dạn của DN trong tiếp cận thị trường vốn quốc tế, chủ động huy động vốn.
Ông Simon Lim cho biết thêm, việc Việt Nam gia nhập WTO khiến các DN chú trọng hơn đến việc huy động vốn ở thị trường quốc tế và SGX là nơi đến lý tưởng cho các DN. Bởi trong nhiều năm qua, Việt Nam và Singapore có mối quan hệ song phương tốt đẹp, môi trường quen thuộc với các nhà đầu tư, Singapore là trung tâm quản lý tài chính dễ dàng tiếp cận các nhà đầu tư quốc tế, hoạt động công bố thông tin và quản lý DN theo chuẩn mực quốc tế, cơ chế pháp lý hướng tới thị trường.
Hiện tại 1/3 trong số DN niêm yết tại SGX là DN nước ngoài, trong đó có nhiều tập đoàn, công ty lớn và nổi tiếng. Theo bà Kelly Long - Phụ trách quan hệ đối ngoại của SGX: Việc niêm yết ở TTCK nước ngoài nói chung và tại SGX nói riêng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các DN Việt Nam. DN có cơ hội quảng bá với quốc tế, đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế về quản trị công ty và tính minh bạch, tiếp cận với vốn quốc tế, mở rộng cơ sở cổ đông, tăng tính thanh khoản của giao dịch...
Một DN nước ngoài muốn niêm yết tại SGX sẽ mất thời gian từ 12-18 tuần, tính từ lúc nộp đơn xin niêm yết đến khi cổ phiếu được chính thức đưa vào giao dịch. Sẽ có hai loại phí niêm yết: phí ban đầu và phí hàng năm.
Hiện tại, nhắm đến việc đưa cổ phiếu niêm yết ở TTCK Singapore có Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), công ty này đã chính thức thông qua việc phát hành thêm cổ phiếu mới sang TTCK Singapore. Ngoài ra Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng có kế hoạch tiếp cận sàn Singapore, tuy nhiên, Vietcombank đang đứng trước một lựa chọn nữa là thị trường Hồng Kông, trong khi việc niêm yết chỉ được chọn một. Các công ty như Kinh Đô, Gemadept cũng để ngỏ khả năng niêm yết tại sàn Singapore. Hỗ trợ các DN Việt Nam niêm yết tại Singapore, Công ty Cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã có những hoạt động tiền trạm cần thiết để có mặt ở thị trường Singapore với tư cách của một đầu mối hỗ trợ, tư vấn cho các DN.
Một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển thị trường tài chính của Singapore là phát triển TTCK trở thành trung tâm giao dịch thứ cấp quan trọng của khu vực châu á, với hy vọng có thể cạnh tranh ảnh hưởng tài chính với TTCK Hong Kong. Việc lên sàn Singapore của DN Việt Nam cũng là xu hướng phát triển tất yếu để khai thác các cơ hội mà thị trường này mang lại.
Theo khoản 2, điều 17 của Nghị định 14/2007/NĐ-CP ngày 19/1/2007 bổ sung của Chính phủ thì những công ty niêm yết nào muốn niêm yết tại TTCK nước ngoài nếu lượng sở hữu (room) của các nhà đầu tư nước ngoài đã đủ 49% thì vẫn được phép niêm yết tại TTCK nước ngoài, nhưng lượng giao dịch mua bán cổ phiếu chỉ được trong số 49% theo quy định được luật cho phép.
* Ngoài ra, ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Việt Nam sẽ không xét duyệt về tiêu chuẩn niêm yết tại nước ngoài mà tự công ty niêm yết phải tuân thủ Luật Chứng khoán - TTCK của nước sở tại, nhưng phải gửi hồ sơ giấy tờ báo trước cho UBCKNN Việt Nam tối thiểu 10 ngày.
SBSC
|