Gỗ Thuận An lên sàn: Tiềm năng lớn, cạnh tranh cũng lớn
Ngày 23/7, cổ phiếu của Công ty Cổ phần chế biến gỗ Thuận An (trụ sở ở Bình Dương) chính thức giao dịch tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM. Đây là công ty chuyên chế biến gỗ thứ hai sau Công ty Savimex lên sàn.
Những thông tin về Gỗ Thuận An sẽ giúp nhà đầu tư xem xét và quyết định đặt mua với giá nào trong phiên đầu tiên.
Theo Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM, Gỗ Thuận An có vốn điều lệ tại thời điểm hiện nay là 84.077.500.000 đồng (tương đương 8.407.750 cổ phiếu). Với máy móc trang thiết bị và nhà xưởng hiện đại, Gỗ Thuận An thực hiện quy trình công nghệ sản xuất khép kín từ khâu khai thác, cưa xẻ, sấy, sản xuất và xuất khẩu với công suất phôi sấy 10.000 m3/năm. Tình hình sản xuất kinh doanh hằng năm của công ty có xu hướng tăng trưởng tốt. Công ty thực hiện chia thị trường tiêu thụ của mình thành 2 phân khúc lớn: thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa.
Sản phẩm đồ gỗ hoàn chỉnh chủ yếu của Gỗ Thuận An hiện nay vẫn tập trung nhiều vào xuất khẩu, chiếm trên dưới 95% trên tổng doanh thu hằng năm và có xu hướng ngày càng tăng, cụ thể: sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu của Gỗ Thuận An đã nhiều năm liền cạnh tranh được về mặt chất lượng sản phẩm với các nước ASEAN như Indonesia, Malaysia, Thái Lan... trên thị trường châu Âu, Mỹ... Thị trường Mỹ và châu Âu là 2 thị trường khó tính nhưng tính ổn định cao và là thị trường truyền thống của công ty trong các năm qua.
Sản phẩm chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa là các loại phôi gỗ cao su sấy và các loại ván ép bán cho các nhà máy tinh chế trên các địa bàn Tp.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh...
Nhìn chung, doanh thu hàng năm đều có xu hướng tăng trưởng ổn định, trong đó doanh thu xuất khẩu tăng mạnh, trên 90%/năm, tuy nhiên, năm 2006, công ty chuyển phần lớn doanh thu từ hàng ngoài trời từ thị trường châu Âu sang mặt hàng trong nhà cho thị trường Mỹ nên doanh thu có giảm song giá trị gia tăng cao hơn, còn doanh thu nội địa tăng trưởng đều đặn khoảng 20%/năm.
Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, có khoảng 45 công ty nhưng chiếm gần 75% trên tổng giá trị xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam, trong đó Công ty Cổ phần chế biến Gỗ Thuận An là một trong số các thành viên trong nhóm này. Xét về quy mô công nghệ ngành tinh chế sản phẩm gỗ hoàn chỉnh và chất lượng cao của sản phẩm đồ gỗ thì Gỗ Thuận An là một trong số những công ty hàng đầu tại Việt Nam.
Về tỷ suất lợi nhuận sau thuế so với doanh thu và so với vốn kinh doanh thì công ty là một trong những công ty hoạt động có hiệu quả cao cũng như việc chú trọng đến đầu tư phát triển công nghệ và sản phẩm mới.
Gỗ cao su là một trong những sản phẩm gỗ được ưa chuộng trên thị trường thế giới. Gỗ cao su khi được xử lý tốt có màu vàng sáng đến màu kem nhạt và có thành phần hóa học tương tự như gỗ có tỷ trọng lớn. Gỗ được chế biến thành các sản phẩm đồ gia dụng như: bàn, ghế, tủ, giường, kệ sách... những sản phẩm hoàn chỉnh hoặc dạng rời chưa lắp ráp tùy theo nhu cầu tiêu thụ. Ngoài ra, gỗ cao su còn được ghép thành tấm dùng trong xây dựng để làm trần nhà, ván sàn, cốt, khung cửa... Gỗ cao su sản xuất dùng cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu chủ yếu dưới dạng các đồ dùng thành phẩm.
Theo hiệp hội các nhà kinh doanh đồ gỗ châu Âu, đồ trang trí nội thất, thủ công mỹ nghệ Việt Nam là mặt hàng các nước châu Âu, Mỹ tiêu thụ mạnh nhất, có tiềm năng phát triển và hiện đang thâm nhập rất tốt vào thị trường Mỹ, châu Âu. Trình độ sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam đã được nâng cao một cách đáng kể, sẵn sàng đáp ứng mọi người yêu cầu khắt khe nhất của khách hàng về quy cách và chất lượng.
Giá nguyên vật liệu đầu vào dùng cho sản xuất ngành gỗ thường xuyên thay đổi và phụ thuộc nhiều vào giá thế giới. Đây cũng là một rủi ro khi giá gỗ nguyên liệu tăng với tốc độ nhanh hơn nhiều tốc độ tăng giá các thành phẩm. Trong hoạt động xuất khẩu, các doanh nghiệp thường khó lường trước được những thay đổi về chính sách, quan hệ ngoại giao... làm thay đổi các thay đổi các kế hoạch của công ty, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu.
Việt Nam hội nhập AFTA và WTO là tiến trình phát triển nhanh, linh hoạt và đòi hỏi tính nhạy cảm cao của các chiến lược, kế hoạch, phương án kinh doanh của công ty được mở rộng trên quy mô lớn vượt qua khỏi tầm quyền kiểm soát của quốc gia, bởi vậy rủi ro rất lớn nếu xác định sai mục tiêu, định hướng của chiến lược hội nhập.
Sự cạnh tranh giữa các công ty sản xuất cùng ngành ngày càng gay gắt, trong khi môi trường cạnh tranh chưa lành mạnh tạo khe hở cho những đơn vị làm ăn không chân chính né tránh thuế, giảm giá thành làm ảnh hưởng đến những nhà sản xuất chân chính.
Ngoài ra, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật cũng như sự đầu tư phát triển và nghiên cứu tạo ra các sản phẩm mới, thay thế có tính hiệu quả cao cũng là một yếu tố không nhỏ làm ảnh hưởng cho sự mở rộng và phát triển thị trường.
Thêm vào đó, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong cùng ngành nghề ngày càng gia tăng. Đối thủ cạnh tranh của công ty không những các công ty trong nước mà còn là những công ty nước ngoài với sức mạnh về vốn và công nghệ hiện đại. Đây cũng là một yếu tố rủi ro lớn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của Gỗ Thuận An. Mặt khác, cũng do sản lượng xuất khẩu của công ty là chủ yếu nên sự biến động của tỷ giá hối đoái cũng ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của công ty.
VNE
|