Thứ Năm, 19/07/2007 08:38

Những đánh giá tổng quan về VF1: Rủi ro và cơ hội?

Quỹ đầu tư (QĐT) luôn được các nhà đầu tư (NĐT), đặc biệt là các NĐT mới tham gia thị trường và các NĐT có vốn nhỏ coi là điểm đầu tư an toàn trong số hàng trăm CP niêm yết trên sàn giao dịch. VF1 là 1 trong những QĐT như thế.

1. Lật lại lịch sử - Những điều bất cập!

Quỹ đầu tư Chứng khoán VN VF1 là QĐT chứng khoán đóng, thành lập ngày 24/3/2004 vào thời điểm khá khó khăn của TTCK VN với số vốn điều lệ 300 tỷ đồng.

Chính trong thời kỳ khó khăn ấy, VF1 lại được hưởng những đặc ân to lớn mà chẳng một QĐT nào ở thời điểm này có được. Đó là trở thành cổ đông chiến lược của hàng loạt Cty (đặc biệt là các Cty mới IPO lần đầu) trong mọi lĩnh vực chủ chốt như Ngân hàng - Tài chính, dược phẩm, thực phẩm, giao thông vận tải, dầu khí, điện... Mức giá ưu đãi của các CP mà VF1 mua được ở thời điểm này chỉ bằng ~ 80% mức giá đấu giá bình quân và rất nhiều CP trong số đó VF1 mua được ở mức giá mệnh giá. Thế nhưng, trong suốt một khoảng thời gian dài, giá VF1 vẫn chỉ giao dịch ở mức giá dưới mệnh giá từ 5 - 15% trong thời kỳ đầu VF1 niêm yết. Năm 2006, khi TTCK VN có bước tăng trưởng và phát triển vượt bậc, VF1 cũng "khởi sắc" cùng sự lớn mạnh này.

Chớp lấy thời cơ, lãnh đạo Quỹ VF1 làm được cái điều tưởng chừng như không thể làm được cho 1 quỹ đóng: Tăng vốn điều lệ từ 300 tỷ lên 500 tỷ! Đợt tăng vốn gây rất nhiều tranh cãi và tốn không ít giấy mực của báo chí cũng như trên nhiều diễn đàn về chứng khoán. Hàng loạt vấn đề được mang ra mổ xẻ như: Tính pháp lý của việc tăng vốn cho quỹ đóng, cách phát hành cho cổ đông chiến lược ngoài quỹ, giá phát hành, bảo lãnh phát hành...

Phương thức phát hành đợt đầu của VF1 có nguy cơ thất bại khi mà giá VF1 giảm xuống dưới giá phát hành và thêm lần nữa giá VF1 lại giảm xuống dưới NAV (giá trị tài sản ròng). Điều này cũng thể hiện sự mất lòng tin của các NĐT vào lãnh đạo VF1 khi biết rằng có những thời điểm giá VF1 đựơc đẩy lên gấp hơn 200% NAV (ngày 26/4/2006 giá VF1 đạt 45.800 đ/1CCQ gấp 2.1 lần NAV (NAV = 21.821) ở tuần tương ứng).

Trước phản ứng dữ dội của các cổ đông VF1, lãnh đạo VF1 một lần nữa phải ra tay bằng cách thay đổi phương thức phát hành (chỉ bán cho cổ đông hiện hữu, không bán cho cổ đông chiến lược), điều chỉnh giảm giá phát hành từ 24.222 đ/CCQ xuống 18.167 đ/CCQ vào ngày 1/8/2006 (tại thời điểm này giá VF1 chỉ còn 18.500 đ/CCQ so với NAV = 22.010).

Màn "chữa cháy" ngoạn mục này đã gây ra làn sóng phản đối khá mạnh mẽ từ phía các nhà đầu tư nhất là những nhà đầu tư mua VF1 sau ngày chốt quyền lần đầu. Tuy việc tăng vốn vẫn diễn ra nhưng nó đã tạo ra một tiền lệ xấu cho tương lai.

2. Lặp lại lịch sử - Những sai lầm!

Bài học đầy tai tiếng trong quá khứ của VF1 lại được lãnh đạo VF1 áp dụng gần như y nguyên cho lần tăng vốn thứ 2 từ 500 tỷ lên 1000 tỷ.

Chính vì phương án tăng vốn không hợp lý và kém hấp dẫn cổ đông nên chỉ một tỷ lệ khiêm tốn vừa đủ điều kiện để thông qua việc tăng vốn lần này (chỉ 67,85% biểu quyết thông qua việc tăng vốn điều lệ của Quỹ đầu tư VF1).

Mặc dù đợt phát hành lần này VF1 đã có tới 2 Cty CK bảo lãnh phát hành nhằm đảm bảo cho sự thành công của đợt phát hành nhưng ngay từ khi công bố phương án phát hành (PAPH) đã có hàng trăm ý kiến tranh luận và các bài viết mổ xẻ về PAPH hoặc lo ngại về khả năng thất bại của đợt phát hành này. Nhiều NĐT cho rằng, lãnh đạo VF1 quá tham lam khi đưa ra mức giá phát hành quá cao trong thời điểm thị trường đang sốt nóng, rủi ro về giá CK , rủi ro về kỳ vọng của NĐT với VF1 là rất rõ ràng và nguy cơ đợt tăng vốn không thành công là rất cao.

Thậm chí nhiều NĐT còn nghi ngờ rằng Ban Lãnh đạo VF1 cố tình phát hành với giá cao nhằm giảm áp lực về NAV, tăng cơ hội vượt chỉ tiêu để có khoản thưởng vượt chỉ tiêu và giúp Cty quản lý quỹ thu một khoản lợi lớn từ khoản 2% NAV phí quản lý quỹ (Phí quản lý quỹ là 2%/ năm tính theo giá trị tài sản ròng NAV và trả vào cuối mỗi tháng. Chỉ tính riêng cho 3 tháng đầu năm 2007 số phí này đã lên đến 11,3 tỷ đồng. Thưởng hoạt động tính đến hết tháng 3/2007 là 118,59 tỷ đồng => một con số khổng lồ).

Mọi giải thích vỗ về NĐT của Ban Lãnh đạo VF1, thậm chí các lãnh đạo VF1 còn đưa tin mua VF1 vào nhằm trấn an các NĐT đều không có hiệu quả, giá VF1 liên tục sụt giảm từ mức 52,5 về 40,7 vào ngày chốt quyền và tiếp tục giảm mạnh về 30,7 vào ngày 4/5/07 khi có thông tin điều chỉnh giá phát hành về 23.7 với lượng dư bán sàn lên đến con số kỷ lục hơn 4 triệu CP. Lòng tin của nhà đầu tư vào lãnh đạo VF1 bị sụt giảm nghiêm trọng sau những sai lầm nối tiếp sai lầm của họ.

Dường như lãnh đạo VF1 cố tình lờ đi việc họ có 2 tổ chức đứng ra bảo lãnh phát hành và vội vàng đưa ra quyết định giảm giá phát hành. Lập luận của ông Tân rằng: "Trên thực tế là các đơn vị bảo lãnh cũng chưa từ chối trách nhiệm của mình nên chúng tôi đã quyết định quay lại phương án cũ và kéo dài thời điểm nộp tiền" như một lời thú nhận rằng VF1 chủ động thay đổi giá phát hành.

3. Ảnh hưởng của việc thay đổi giá phát hành

Nếu như đợt phát hành tăng vốn từ 300 tỷ lên 500 tỷ các NĐT mua CCQ sau ngày chốt quyền lần đầu "chỉ chịu thiệt" hơn 1000 đ/CCQ chỉ tương đương vài tỷ tính trên tổng khối lượng giao dịch của 2 đợt điều chỉnh và các NĐT phải chấp nhận "hy sinh quyền lợi của cổ đông thiểu số cho cổ đông đa số" như lãnh đạo VF1 đã nói. Lần này, nếu phải thay đổi giá phát hành, NĐT mua CCQ sau ngày chốt lần đầu phải chịu thiệt tới 4700 đ/CCQ tương ứng với số tiền 44 tỷ đồng (Ước tính tổng số CCQ giao dịch từ 28/3/2007 (ngày chốt quyền) đến 4/5/2007 (ngày định thay đổi) lên tới 9,4 triệu CCQ x 4700 đ ). Một con số không hề nhỏ!

Theo thống kê, chỉ 31.6 triệu CCQ được các cổ đông của VF1 đăng ký mua tính tới hết 30/5/2007 chỉ chiếm 63,2 %.18,4 triệu CCQ còn lại 2 đơn vị Bảo lãnh phát hành là BVSC và HSC sẽ chịu trách nhiệm mua hoặc phân phối lại.

Trước những phản ứng gay gắt từ phía các nhà đầu tư, tổ chức, đại diện các CLB CK, các diễn đàn CK và báo chí, 20h ngày 4/5/2007 đại diện VF1 phải chính thức thông báo giữ nguyên giá phát hành. Việc làm có phần miễn cưỡng và chậm trễ của LĐ VF1 tuy xoa dịu được cơn thịnh nộ của các NĐT nhưng đã khiến lòng tin của NĐT vào VF1 suy giảm nghiêm trọng. Dù thời hạn nộp tiền có được kéo dài thêm nhưng vẫn có hàng trăm nhà đầu tư vẫn quyết định từ bỏ quyền mua bởi theo nhận định họ có thể dễ dàng mua VF1 dưới giá phát hành mà không phải dài cổ chờ CCQ mới về tài khoản. Và họ đã đúng!

4. Bài học về lòng tin

Không thể hiểu nổi lý do mà ban lãnh đạo VF1 đưa ra khi thay đổi PAPH mà không cần thông qua các bên liên quan nhất là các Cty BLPH. Việc chấp nhận mua lại toàn bộ 18,4 triệu CCQ bị các nhà đầu tư từ chối mua được coi như "trái đắng" mà BVSC và HSC nếm phải. Giá VF1 tiếp tục trên đà sụt giảm từ 35000 đ/CCQ (14/5) xuống 29900 đ/CCQ (ngày 4/7) dưới NAV tới 20.5% trên vốn 1.000 tỷ.

Nhìn vào danh sách các cổ đông chấp nhận mua VF1 phát hành thêm dễ dàng có thể nhận thấy phần lớn trong số họ là các NĐT NN, các tổ chức... "Cú sốc" VF1 với các nhà đầu tư cá nhân là quá lớn và không dễ gì lấy lại lòng tin của họ.

Bài học đắt giá về lòng tin của VF1 là bài học lớn cho không chỉ các quỹ công chúng mà còn cho tất cả các Cty Niêm Yết rút kinh nghiệm cho các đợt phát hành CP của mình sau này.

5. Đầu tư VF1: Cơ hội từ những khó khăn?

Trong khi thị trường liên tục sụt giảm, giá các CP đã rớt xuống ngưỡng khá an toàn. Cùng với các quy định về việc xiết chặt quản lý ngân hàng, cho vay đầu tư CK. Chỉ thị 3 ra đời như tạt thêm 1 gáo nước lạnh vào thị trường. Các NĐT phải liên tục bán CP để trả những khoản vay bắt buộc. Các đợt IPO lớn liên tục được tiến hành với mức đấu giá thành công tưởng như không thể tốt hơn nhưng cũng hút theo 1 lượng tiền mặt khổng lồ. Trong khi đó VF1 lại có sẵn trong tay 1 lượng tiền mặt lớn sau đợt phát hành lên tới hơn 1.600 tỷ đồng (50 triệu CP x 32.168 đ) và thoải mái lựa chọn cơ hội giải ngân.

Không thể phủ nhận tính thức thời, việc lựa chọn thời điểm phát hành thêm cũng như khả năng "vận động hành lang" để được phát hành thêm của lãnh đạo VF1. Vì cả 2 đợt phát hành thêm không phải ngẫu nhiên mà thời điểm VF1 thu xong tiền từ cổ đông luôn trùng với thời điểm tốt nhất để giải ngân!

Với các nhà đầu tư cá nhân, trong suốt khoảng thời gian từ cuối tháng 3 tới nay, việc đầu tư vào hầu hết các CP từ OTC tới NY, từ sàn HN tới HCM đều chung 1 kết quả: Thua lỗ! Vào thời điểm hiện tại khi mà xu hướng tăng giá của thị trường chưa rõ rệt phải chăng đầu tư vào VF1 là 1 lựa chọn đúng đắn???

Đối với 1 quỹ đầu tư, NAV (giá trị tài sản ròng) chính là 1 trong những tiêu chí quan trọng trong việc xác định giá giá VF1. Ở mức giá hiện tại, VF1 đang giao dịch dưới NAV tới 20.5% trên vốn 1.000 tỷ. Danh mục đầu tư của VF1 gồm các CP có tiềm năng tăng giá mạnh khi thị trường phục hồi. Đặc biệt, các CP OTC như ngân hàng, dầu khí... mà VF1 đang nắm giữ được đánh giá là đã giảm ở mức đáy và có nhiều khả năng "trỗi dậy" trong 1 tương lai gần. Điều đó kéo theo sự tăng trưởng mạnh mẽ của NAV. Khi đó giá VF1 có cơ hội cân bằng với NAV. Có thể khẳng định đây là mức giá rất hợp lý và khá an toàn cho các nhà đầu tư.

DĐDN

Các tin tức khác

>   Giải quyết tố cáo liên quan đến chứng khoán không quá 60 ngày (19/07/2007)

>   Khớp lệnh liên tục tại TTGDCK TP.HCM: Tất cả đang chờ đến giờ G (19/07/2007)

>   Cấp giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu cho KHA (18/07/2007)

>   ABT niêm yết và giao dịch cổ phiếu phát hành thêm (18/07/2007)

>   SAV phát hành thêm cổ phiếu và tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2007 (18/07/2007)

>   ITA Chào bán thành công cổ phiếu cho cổ đông chiến lược (18/07/2007)

>   HBC Chào bán cổ phiếu ra công chúng (18/07/2007)

>   LGC Di dời trụ sở (18/07/2007)

>   VSH: Giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ (18/07/2007)

>   BIDV Thông báo phát hành trái phiếu (18/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật