Giá mua sữa tươi nguyên liệu tăng mạnh: Bò sữa lại “lên ngôi”?
Ngày 3-7, tại TPHCM, trả lời câu hỏi của báo chí, ông Nguyễn Đăng Vang, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng, giá mua sữa tươi nguyên liệu của các công ty tăng thêm 1.300-1.500 đồng/kg (lên 6.300 – 6.500 đồng/kg) có thể ổn định thời gian khá dài...
Theo ông Nguyễn Đăng Vang, với mức giá thu mua như hiện nay, người chăn nuôi có thể đạt lợi nhuận 1.500 - 2.000 đồng/kg sữa. Điều này tác động rất tích cực đến nghề nuôi bò sữa ở những tỉnh thành như TPHCM, Long An, Bình Dương, có điều kiện phát triển trở lại sau thời gian lao đao.
Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại tình trạng nuôi ồ ạt trở lại đàn bò sữa ở cả những nơi không thích hợp, dẫn đến sự gia tăng đột biến nhu cầu về giống, sẽ đẩy giá giống bò sữa lên cao như đã từng xảy ra vào năm 2004, dù hiện nay đã có 7 tỉnh rút khỏi chương trình phát triển đàn bò sữa quốc gia (còn 26 tỉnh, TP).
Thực tế đã diễn ra đúng như lo ngại của nhiều người. Giá giống bò sữa đang tăng khá mạnh trên thị trường. Th.S Vương Ngọc Long, nguyên điều phối viên Chương trình Bò sữa Việt – Bỉ, cho biết, vùng ngoại thành TPHCM và các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương… giá bò sữa tơ từ 13-15 triệu đồng/con đã vọt lên 17-18 triệu đồng/con, bò sữa đang vắt từ dưới 20 triệu đồng/con nay tăng 20-25 triệu đồng/con. Giá này gần bằng với thời kỳ sốt giá đầu những năm 2000.
Ông Nguyễn Đăng Vang cho rằng, trong tình hình hiện nay, các địa phương và nhất là người nuôi bò sữa, cần hết sức tỉnh táo để định hướng phát triển phù hợp và ổn định lâu dài. Cần chủ động bình ổn thị trường giống bò sữa (không để tăng quá cao), đẩy nhanh công tác cải tạo đàn bò sữa tại địa phương; chủ động mở rộng, nâng cao chất lượng đồng cỏ, cây thức ăn thô, xanh, chế biến và sử dụng nguồn phụ phẩm công, nông nghiệp phục vụ làm thức ăn cho bò sữa.
Ngoài ra, các địa phương cần đẩy mạnh phát triển các dịch vụ dành cho bò sữa như dịch vụ thú y, thụ tinh nhân tạo, cung cấp các dụng cụ chăm sóc, vắt sữa bò, phát triển thị trường thức ăn xanh nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững cho nghề chăn nuôi bò sữa. Cần tránh tình trạng nuôi tự phát của người dân. Giá sữa tăng là thời cơ để phát triển đàn bò sữa trong nước, nâng dần tỷ lệ lượng sữa tươi nguyên liệu trong nước cung cấp cho nhà máy khoảng 40% nhu cầu năm 2015.
Giá nguyên liệu sữa nhập khẩu sẽ còn tiếp tục tăng cao. Theo thông tin từ www.vneconomy.vn tại California (Mỹ), đầu tháng 7, các cửa hàng, siêu thị tăng giá sữa ít nhất 55% so với đầu năm. Ở thị trường các nước, giá sữa bán lẻ đều tăng 84% so với cùng kỳ năm trước. Dự đoán giá sữa sẽ tiếp tục tăng kỷ lục, khi các nguồn cung cấp mới trên thế giới chưa có thời gian chuẩn bị, nguồn cung cấp hiện tại khó khăn và nguồn nguyên liệu dự trữ được nhập khẩu với giá thấp từ các công ty nước ngoài trước đó, đang cạn dần.
Trong nước, từ đầu tháng 6, nhiều đại gia trong ngành sữa cũng đã liên tục tăng giá sản phẩm. Gần đây nhất là loạt tăng giá khá mạnh của Vinamilk, Dutch Lady, Nutifood, Hancofood và Dumex. Cụ thể: Dutch Lady (nhãn hiệu cô gái Hà Lan) loại 220ml hiện nay giá bán lẻ đã tăng lên 4.500 đồng/hộp, trong khi trước đó chỉ có 3.500 đồng/hộp; Dulac 3 (một trong 20 sản phẩm của nhãn hiệu Dumex) cũng lên 342.000 đồng/hộp loại 1.800g (tăng 21.000 đồng/hộp); Dulac Gold BB cũng đã tăng lên 290.000 đồng/hộp loại 900g (tăng 23.000 đồng/hộp)… Vậy là cùng với giá nguyên liệu, đến thời điểm này hầu như tất cả đại gia trong ngành sữa đều đã đồng loạt tăng giá sản phẩm 5% - 16% so với đầu năm. Theo thông tin từ các hệ thống phân phối, tháng 8 và tháng 9 tới, nhiều đại gia như Abbott, Nutifood cũng đã có kế hoạch tiếp tục tăng giá thêm nhiều chủng loại sản phẩm sữa.
SGGP
|