Trách nhiệm xã hội của người sản xuất
Trong thời buổi kinh tế thị trường, các nhà sản xuất và kinh doanh thương mại tôn vinh người tiêu dùng đến hàng… thượng đế. Điều này đúng với mọi ý nghĩa khi người tiêu dùng quyết định sự thành bại của nhà sản xuất.
Tuy nhiên, những gì đã và đang diễn ra trên thị trường trong thời gian gần đây khiến người tiêu dùng – thượng đế buộc phải giật mình xem lại mình có phải… thiệt là thượng đế hay không. Đã có những khiếu nại của người mua hàng điện tử đại hạ giá nhưng xài không được, đổi cũng không xong vì vướng phải hàng dạt lỗi kỹ thuật, hàng tồn kho.
Nhiều đại lý thương mại quảng cáo ngất trời sữa bột có chất làm thông minh, giúp con trẻ sớm trở thành thiên tài; cho dù từ cổ chí kim, chưa có một ai trở thành thiên tài nhờ uống loại sữa bột nhãn hiệu đó. Rất và rất nhiều chiêu quảng cáo hấp dẫn, lôi cuốn người tiêu thụ bởi những lời mượt mà, bất chấp chất lượng thật của sản phẩm.
Thực chất, nhiều “thượng đế” đã bị lừa. Gần đây, người tiêu dùng từ trong Nam đến ngoài Bắc, từ thành thị đến nông thôn, bị chấn động đến mức tổn thương niềm tin đối với các nhà sản xuất nước tương. Vấn đề ở đây là nhà sản xuất đã quá vô tư, vô trách nhiệm, khi dù biết rõ nhưng vẫn sản xuất, vẫn ung dung tung ra thị trường những loại sản phẩm có nguy cơ cao về chất độc hại đối với người tiêu dùng.
Nhiều sản phẩm nước tương độc hại đó lại còn được khoác bên ngoài danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao (?!). Người tiêu dùng lại một phen trả giá quá đắt bởi lòng tin đối với nhà sản xuất “uy tín”, bởi sự đinh ninh rằng sản phẩm ấy đã qua sự kiểm soát nghiêm ngặt theo quy định hiện hành của các cơ quan chức năng.
Từ vụ bánh phở có chứa hóa chất độc hại, nhiều loại thực phẩm chứa hàn the, rồi đến nước tương, rồi tiếp đến là gì nữa… Người tiêu dùng không biết và không thể nào biết nếu không có sự vào cuộc kiểm tra nghiêm túc của cơ quan chức năng. Trong khi sự tự giác và trách nhiệm xã hội của nhà sản xuất, nhà phân phối thương mại đối với những sản phẩm có vấn đề về chất lượng, vẫn còn khá hiếm và quá xa vời.
Trong nền sản xuất hàng hóa vào thời hội nhập kinh tế thị trường thế giới, người tiêu dùng có toàn quyền đòi hỏi, yêu cầu nhà sản xuất và kinh doanh thương mại phải trung thực công bố, giới thiệu đầy đủ và đúng mực về chất lượng thật của sản phẩm trên nhãn hàng, trên quảng cáo. Nhất là đối với những nhãn hàng đã được tôn vinh là chất lượng cao, phải có sự cam đoan trách nhiệm của người sản xuất là sản phẩm ấy đúng… chất lượng cao.
Đã đến lúc, người tiêu dùng phải có tiếng nói quyết định thông qua hội bảo vệ người tiêu dùng và quyền kiến nghị bổ sung sửa đổi những quy định của pháp luật điều chỉnh mọi hành vi gian dối về chất lượng sản phẩm trong sản xuất và thương mại. Nếu không, mỹ từ “thượng đế” vẫn là sự ru ngủ, hoặc cũng có thể xem như là chất gây nghiện, đối với hàng triệu triệu người tiêu dùng vốn dĩ cả tin.
Và cũng đã đến lúc, nhà sản xuất và thương mại không thể xem thường sức mạnh quyết định của người tiêu dùng – thượng đế. Vì sự phát triển căn cơ của doanh nghiệp, nhà sản xuất lẫn thương mại nói chung phải sớm chuyển bộ làm ăn theo cung cách hiện đại bằng việc tự giác thực hiện trách nhiệm của mình trước xã hội, trước người tiêu dùng – thượng đế.
SGGP
|