Doanh nghiệp phải ‘‘học’’ cách đối phó với tội phạm kinh tế
Rửa tiền xuyên quốc gia, lừa đảo qua mạng, buôn lậu xuyên biên giới… là những hình thức phạm tội mới xuất hiện khi nước ta bắt đầu hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế, gây nên tổn thất nặng nề cho Nhà nước và "móc túi" hàng chục tỷ đồng của doanh nghiệp (DN).
Theo Luật sư Vũ Xuân Tiền, Giám đốc Công ty Tư vấn VFAM Việt Nam, cách duy nhất để hạn chế những vụ việc này là DN phải "học" cách phòng bị, tự bảo vệ mình.
Được biết, các phi vụ lừa đảo mà DN Việt Nam phải hứng chịu gần đây chủ yếu thông qua dịch vụ cho vay vốn. Đã có bài học nhãn tiền, vậy sao DN vẫn chưa "tỉnh ngộ", thưa ông?
Khó khăn lớn nhất của DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ ở Việt Nam hiện nay là vốn. Khi thực hiện một dự án đầu tư ở quy mô từ 30 - 50 tỷ đồng, gần như tất cả DN này đều phải vay vốn. Đây chính là những "con mồi" béo bở cho bọn tội phạm kinh tế quốc tế lợi dụng với thủ đoạn là đưa ra những điều kiện cho vay rất dễ dàng và yêu cầu người cho vay phải đặt cọc trước một số tiền "làm tin". DN trong nước vì thiếu kinh nghiệm nên đã "cả tin" với những lời hứa hẹn đầu tư, cho vay vốn hấp dẫn của các tổ chức, cá nhân nước ngoài khiến "tiền mất tật mang", chịu thiệt hại đến tiền tỷ.
Còn nhớ một vụ lừa đảo "ngoạn mục" diễn ra vào cuối năm 2005 - 2006, có một người Canada tự xưng là Chủ tịch một quỹ đầu tư, hứa cho các DN trồng rừng vay những khoản tiền lớn với lãi suất vô cùng hấp dẫn, chỉ khoảng 2,5%/năm và không tính lãi trong 5 năm đầu. Đổi lại các DN phải "tháp tùng" vị này đi khảo sát thực tế tại các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La. Một vài DN và cả một Hiệp hội DN đã huy động toàn bộ bộ máy ra phục vụ, chăm lo, "bao" toàn bộ dịch vụ, chi phí đi lại cho vị "Chủ tịch" này trong suốt chuyến khảo sát. Sau này mới phát hiện ra, vị này hoá ra chỉ là … tây ba lô đi du lịch, lợi dụng sự "ngây thơ" của các DN để có chuyến xuyên Việt miễn phí.
Tổn thất trong vụ này không quá lớn nhưng rõ ràng DN đã bộc lộ sự kém hiểu biết luật pháp quốc tế, lại muốn nhanh chóng huy động vốn lớn làm giàu tạo cơ hội cho bọn tội phạm kinh tế lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Theo ông, DN cần phải làm gì để đối phó với loại tội phạm này?
Để bảo vệ chính mình, DN cần nghiêm túc thực hiện 3 việc. Thứ nhất là tuân thủ pháp luật, tránh xa những cám dỗ vi phạm pháp luật, phát triển sản xuất kinh doanh và làm giàu chính đáng. Luật pháp là hành lang hành động cũng như chỗ dựa để bảo vệ DN. Thứ hai, các DN cần phải luôn cảnh giác với tội phạm, chủ động bảo vệ mình trước khi được bảo vệ. Cần cảnh giác với tội phạm truyền thống và phi truyền thống, tội phạm trong quốc gia và quốc tế, tội phạm trong DN mình và tội phạm ngoài xã hội. Thứ ba là sẵn sàng hợp tác với lực lượng cảnh sát trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, cung cấp cho cảnh sát những thông tin về hoạt động tội phạm.
Nhưng nhiều năm qua vẫn luôn tồn tại "bức tường ngăn” trong mối quan hệ giữa lực lượng an ninh và cộng đồng DN. Làm thế nào để phá vỡ rào cản giúp hai bên xích lại gần nhau, thưa ông?
Đúng vậy, thực tế cộng đồng DN hiện nay chưa nhìn nhận đúng vai trò bảo vệ DN của lực lượng Cảnh sát nhân dân. Bởi nói đến cảnh sát là người ta nghĩ ngay đến việc điều tra, truy tố, bắt giữ, tù đày.. đã có không ít trường hợp sai phạm kinh tế bị hình sự hoá, có nhiều vụ oan sai đã được đưa ra xem xét lại, nước mắt doanh nhân cũng đã chảy dài trong oan khuất.
Đã đến lúc cần tăng cường hoạt động đối thoại thẳng thắn, trực diện giữa lực lượng cảnh sát và cộng đồng DN để giải toả "bức tường ngăn" vô hình này. Lực lượng cảnh sát không thể vì một vài DN làm ăn không đúng mà trở nên cứng nhắc gây khó cho cả cộng đồng DN. Phía DN cũng cần phối hợp với Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế để phòng ngừa, phát hiện, điều tra các vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, chống tội phạm lừa đảo liên quan đến người nước ngoài, tội phạm công nghệ cao, tội phạm môi trường và các loại tội phạm kinh tế khác. Làm tốt được việc này là DN đã bảo vệ được quyền lợi của chính mình, quyền lợi của người tiêu dùng và lợi ích quốc gia.
Bên cạnh đó, rất cần sự phối hợp đồng bộ từ phía các lực lượng hữu quan khác như: xây dựng một hệ thống pháp lý rõ ràng, cải tiến các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, minh bạch tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của DN.
KTĐT
|