Thứ Hai, 16/07/2007 06:48

Cảng biển: thiếu đường

Nhiều nhà đầu tư xây dựng cảng biển đang chùn bước vì thiếu đường giao thông vào cảng.

Cảng chờ đường

Có thể nói các cơ quan chức năng đã quá tập trung vốn dành cho xây dựng đường cao tốc nhưng lại buông lơi đầu tư làm đường cho cảng biển. Tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (Nhà Bè, TP.HCM), ông Lê Công Minh - tổng giám đốc cảng Sài Gòn, cho biết dự án xây dựng cảng mới tại đây đang bị chậm lại vì chưa có đường đến cảng.

Ở khu vực Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã có năm nhà đầu tư được cấp phép đầu tư xây dựng cảng với số vốn đầu tư lên đến hàng trăm triệu USD, vẫn chưa thể khởi công xây dựng cảng biển vì chờ dự án làm đường 965 dài khoảng 10km nối với quốc lộ 51. Trong đó, các nhà đầu tư trông đợi ở dự án ODA vay vốn Nhật triển khai thi công 5,5km đường cho bốn làn xe lưu thông, và băn khoăn ai sẽ làm khoảng 4km đường còn lại. Bởi vì không có đường thì các nhà đầu tư không thể đưa máy móc thiết bị, vật tư vào xây dựng cảng.

Dọc theo con đường đất liên cảng Phú Hữu, Ông Kèo (Đồng Nai) dài khoảng 20km là vị trí qui hoạch cảng biển vẫn là một vùng hoang vu của rừng cây đước, dừa nước. Theo Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế kỹ thuật cảng biển (Portcoast), vì không có đường nên các nhà đầu tư nước ngoài đến khảo sát và đã từ chối đầu tư cảng biển vì chưa có cơ sở hạ tầng. Tương tự, đường từ Nhơn Trạch đến cảng Phước An dài khoảng 11km là khu vực qui hoạch cảng biển vẫn chưa có hạ tầng nên các nhà đầu tư cảng biển cũng không dám đầu tư.

Đầu tháng 6-2007, trong chuyến đi khảo sát tình hình triển khai xây dựng cảng biển tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đoàn công tác của Chính phủ nhận thấy tại tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM các doanh nghiệp vẫn chưa triển khai dự án xây dựng cảng biển. Trong buổi làm việc với đoàn công tác của Chính phủ, các doanh nghiệp cảng biển và các địa phương trên đã đề nghị cần có sự quan tâm đầu tư vốn xây dựng cơ sở hạ tầng. Theo các doanh nghiệp, sẽ nhanh chóng xây cảng biển nếu như đường, điện, nước và hệ thống thông tin liên lạc được đầu tư đến cổng cảng.

Chưa thể “chia lửa” với TP.HCM

Do thiếu đường, việc đầu tư xây dựng cảng biển mới bị chậm trễ, ông Trần Minh Sanh, chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết tỉnh chậm xây dựng cảng biển mới thì chưa thể “chia lửa” cho TP.HCM đang bị quá tải về giao thông đường bộ. Không những vậy, UBND các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết tuyến quốc lộ 51 hiện hữu chỉ có bốn làn xe lưu thông đang đứng trước nguy cơ ùn tắc giao thông.

Trong vài năm nữa, khi các cảng biển hình thành và phát triển cùng hàng chục khu công nghiệp Mỹ Xuân, Phú Mỹ, Gò Dầu... thì quốc lộ 51 quá tải. Do đó, các địa phương đã đề nghị mở rộng quốc lộ 51 từ bốn làn xe lên sáu làn xe mới đáp ứng yêu cầu.

Tại TP.HCM, đại diện của Công ty Tân Cảng cho biết đã hoàn thành sớm hai năm việc dời Tân Cảng từ Q.Bình Thạnh - nội thành TP - về Cát Lái (Nhà Bè) và đã nâng công suất vận chuyển sản lượng đạt 24-25 triệu tấn hàng hóa, đứng đầu cả nước.

Thế nhưng, đường liên tỉnh 25 với hai làn xe đã trở nên chật hẹp và xuống cấp vì hằng ngày có hàng ngàn xe tải vào lấy hàng. Vài năm nữa khi các cảng biển trong nội thành TP di dời về khu Cát Lái, Hiệp Phước (Nhà Bè) thì áp lực giao thông trên tuyến đường liên tỉnh 25 càng căng thẳng. Do đó, việc đầu tư nâng cấp và mở rộng tuyến đường này là rất cấp bách.

Theo ông Phạm Anh Tuấn - giám đốc các dự án cảng thuộc Portcoast, việc đầu tư sớm xây dựng hạ tầng cảng biển sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất rõ ràng. Bởi vì Nhà nước sẽ lấy lợi nhuận từ cảng biển để tái đầu tư cơ sở hạ tầng. Vấn đề chính là quan điểm đầu tư tập trung hay dàn trải để xem xét dành vốn cho đường cao tốc trước hay đầu tư hạ tầng cho cảng biển phát triển trước. Thực tế vốn đầu tư xây dựng đường cho cảng biển là ít và thấp hơn nhiều so với làm đường cao tốc.

Việc đầu tư xây dựng cảng biển đang rất chậm vì thiếu cơ sở hạ tầng sẽ tác động đến các hoạt động kinh tế. Ông Nguyễn Trọng Huệ - cục phó Cục Hàng hải VN, cho biết tổng khối lượng hàng hóa thông qua nhóm cảng biển khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong năm 2006 đạt 54,4 triệu tấn đã vượt mức dự báo của năm 2010 là 53 triệu tấn hàng.

Do đó, việc chậm phát triển hệ thống cảng biển ở Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai đang gây áp lực nặng nề lên hệ thống cảng biển ở khu vực TP.HCM. Dự kiến đến năm 2009-2012 các cảng biển đã và sắp hoạt động sẽ quá tải vì lượng hàng tăng nhanh, và dự báo sẽ thiếu cảng để xếp dỡ vài triệu tấn hàng hóa.

Ông Pollex Ting (giám đốc điều hành dự án Hutchison Port Holdings, Hong Kong):

Phát triển cảng biển phải đồng bộ với hạ tầng

Chính phủ VN đã phê duyệt qui hoạch hệ thống cảng biển. Các cảng biển thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Vấn đề chính là làm sao đưa các cảng vào hoạt động. Thế nhưng, hệ thống cơ sở hạ tầng đường bộ VN vẫn chưa có sự chuẩn bị tốt. Chính phủ VN cần có kế hoạch đầu tư xây dựng thêm hệ thống cơ sở hạ tầng để hỗ trợ việc xây dựng cảng biển, cũng như phục vụ các dự án phát triển sau này.

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Posco xây nhà máy thép ở VN (15/07/2007)

>   Tổng công ty xi măng tiết kiệm 13 tỷ đồng tiền điện (15/07/2007)

>   Trao thưởng cho 256 doanh nghiệp và doanh nhân (15/07/2007)

>   Báo Hồng Công: VN là thị trường đầu tư đầy triển vọng (15/07/2007)

>   Quảng bá về đầu tư tại VN với doanh nghiệp Nhật Bản (15/07/2007)

>   1.500 tấn hàng siêu trường, siêu trọng cập cảng Dung Quất (15/07/2007)

>   Thêm một khu công nghiệp lớn ở phía Nam (15/07/2007)

>   Giá cước vận chuyển tăng (15/07/2007)

>   Sam Woo tin tưởng hoạt động thành công ở VN (14/07/2007)

>   Thêm 18 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thủy sản sang EU (14/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật