Dệt may vào Nhật: Băn khoăn chuyện xuất xứ
Trong đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế với Việt Nam (EPA), phía Nhật Bản đã đặt ra những tiêu chí về xuất xứ đối với sản phẩm dệt may của Việt Nam.
Nếu chấp nhận tiêu chí này, khi EPA được ký kết và có hiệu lực, tất cả các sản phẩm dệt may Việt Nam vào Nhật Bản sẽ không phải chịu các loại thuế. Đổi lại, ngành dệt may phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc xuất xứ mà nước này đưa ra. Tuy nhiên, với đặc thù của ngành dệt may Việt Nam, may phát triển mạnh hơn dệt, thì các doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam không dễ đáp ứng được quy tắc xuất xứ này, trong khi đó, mục tiêu ký kết EPA vào năm 2008 vẫn phải đảm bảo.
Số liệu của Bộ Thương mại cho thấy, năm 2006, Việt Nam đã xuất khẩu 6 tỷ USD hàng dệt may, nhưng phải nhập khẩu tới 70% nguyên phụ liệu, mà chủ yếu là từ các nước ngoài ASEAN. Cũng trong năm này, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang Nhật Bản đạt 700 triệu USD, nhưng phải nhập 200 triệu USD nguyên phụ liệu từ Nhật để gia công, số còn lại phải nhập từ các nước ngoài ASEAN. Trong khi đó, yêu cầu về quy tắc xuất xứ mà Nhật Bản đưa ra trong đàm phán EPA là DN Việt Nam chỉ được nhập khẩu nguyên phụ liệu từ các nước ASEAN hoặc từ Nhật Bản. Điều này, theo Thứ trưởng Bộ Thương mại Nguyễn Thành Biên, đang thực sự gây khó cho ngành dệt may.
Chính vì vậy, ông Nguyễn Đức Thanh, Trưởng ban Điều hành dệt may (Bộ Thương mại), cho rằng, cần đưa ra một hướng đề xuất trong đàm phán EPA về vấn đề quy tắc xuất xứ. Theo đó, ngành dệt may Việt Nam cần có một thời kỳ chuyển đổi khoảng 10 năm để phát triển mạnh về dệt, cũng như có thể chấp nhận những tiêu chí về quy tắc xuất xứ từ phía Nhật Bản.
Ông Thanh nhấn mạnh, trong thời gian tới, chưa thể xuất hiện một làn sóng đầu tư về sản xuất hàng dệt tại Việt Nam, nếu có cũng phải 3 - 5 năm nữa, mà cũng khó có thêm nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam. Theo thống kê, tính đến năm 2006, số lượng nhà máy dệt do Nhật Bản đầu tư tại các nước ASEAN là 55 nhà máy, nhưng ở Việt Nam mới chỉ có duy nhất một nhà máy (Malaysia 7, Thái Lan 20 và Indonesia là 27 nhà máy). Hiện tại, có gần 2.000 DN dệt may đang hoạt động tại Việt Nam, nhưng phần lớn chỉ tập trung vào may, số DN dệt chỉ chiếm khoảng 25-30%. Trong bối cảnh này, DN Việt Nam khó có thể đáp ứng quy tắc xuất xứ của Nhật Bản và việc nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, Đài Loan vẫn là sự lựa chọn tối ưu, nhất là khi nguồn nguyên phụ liệu từ các nước ASEAN chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu làm hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên, điều khó nghĩ là, nếu không chấp nhận tiêu chí xuất xứ này, thì có khả năng, việc đàm phán EPA sẽ rất khó. Nếu EPA không được ký, chắc chắn sẽ làm giảm thị phần hàng may mặc của Việt Nam tại Nhật, do không được giảm thuế suất (thuế suất nhập khẩu hiện khoảng 9-10%), khó cạnh tranh với hàng hoá từ các nước ASEAN vốn được hưởng mức thuế 0%, lại phải cạnh tranh gay gắt với hàng dệt may của Trung Quốc.
Ngược lại, nếu đồng ý áp dụng tiêu chí xuất xứ do phía Nhật Bản đưa ra, thì cần phải tăng cường sử dụng nguyên liệu dệt nội địa, kêu gọi đầu tư trong nước và từ Nhật Bản vào ngành dệt để tạo nguồn nguyên liệu ổn định. Tiếp đến là sử dụng các nguyên tắc cộng gộp ASEAN - Nhật Bản bằng cách dùng nguyên liệu dệt (vải) nhập khẩu từ các nước ASEAN hoặc Nhật Bản để sản xuất ra hàng may mặc, nhằm đáp ứng được các tiêu chí xuất xứ do Nhật Bản đề ra. Nhưng như trên đã nói, không dễ dàng để thực hiện được các giải pháp này.
Băn khoăn giữa “hai dòng nước”, Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Thương mại) mới đây đã tổ chức lấy ý kiến tham vấn từ các DN nhằm có thêm cơ sở, cân đối lợi ích đối với ngành dệt may, cũng như các ngành kinh tế khác để đưa ra lập trường của Việt Nam trong đàm phán EPA.
ĐTCK
|