Áp dụng phương pháp thống kê mới
Từ tháng 7/2007, Tổng cục Thống kê sẽ công bố thông tin thống kê ngành công nghiệp hàng tháng theo phương pháp điều tra mới.
Đây được coi là một tín hiệu lạc quan nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng thông tin thống kê công nghiệp của các cấp lãnh đạo, quản lý và đối tượng dùng tin trong và ngoài nước với độ tin cậy, tính kịp thời và khả năng so sánh quốc tế cao hơn.
Phương pháp thống kê công nghiệp hàng tháng cũ trước đây mà chủ yếu là công bố chỉ tiêu theo bảng giá cố định ngày càng bộc lộ những nhược điểm hạn chế trong bối cảnh hội nhập. Tiếp tục đổi mới thống kê doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế, tập trung vào những doanh nghiệp lớn đang trở thành một yêu cầu bức thiết.
Tại Hội thảo thông báo kết quả điều tra công nghiệp 6 tháng đầu năm 2007 do Tổng cục Thống kê và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp tổ chức hồi đầu tuần trước, lần đầu tiên phương pháp điều tra hàng tháng các sản phẩm công nghiệp chủ yếu (MSMIP) và tính chỉ số sản xuất công nghiệp đã được giới thiệu và áp dụng.
Điều tra tháng và tính chỉ số sản xuất theo phương pháp mới
Tính đến năm 2006, trong suốt 50 năm liền, Việt Nam vẫn tính giá trị sản xuất công nghiệp theo giá cố định phản ánh khối lượng sản phẩm công nghiệp sản xuất ra trong một khoảng thời gian nhất định. Dù có ưu điểm là đơn giản và mang tính trực quan rõ ràng, phương pháp xác định giá trị trực tiếp từ giá và lượng của từng loại sản phẩm chỉ phù hợp với nền kinh tế kế hoạch tập trung có chủng loại sản phẩm không nhiều và giá cả sản phẩm ổn định trong một thời gian dài.
Nhưng với cơ chế kinh tế thị trường hiện tại, khi các sản phẩm công nghiệp tràn ngập thị trường, chủng loại đa dạng phong phú và giá cả luôn biến động, thì cách tính này đã không còn phản ánh đúng thực tế hoạt động công nghiệp. Nhiều sản phẩm thậm chí còn không có tên trong bảng giá cố định gây khó khăn cho công tác thống kê, ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp thông tin cho người sử dụng.
Để có được hệ thống dữ liệu thống kê công nghiệp mới tin cậy, kịp thời, đạt chuẩn quốc tế, Tổng cục Thống kê đã yêu cầu Chính phủ Nhật Bản thông qua JICA hỗ trợ thực hiện Nghiên cứu phát triển thống kê công nghiệp Việt Nam (từ tháng 5/2004 - 6/2006) nhằm phát triển thống kê sản xuất hàng tháng và chỉ số sản xuất công nghiệp, thể chế hóa các thống kê này thành một hệ thống công bố chính thức.
Sau khi Nghiên cứu kết thúc, JICA và Bộ Kinh tế-Thương mại-Công nghiệp Nhật Bản (METI) đã tiếp tục cùng Tổng cục Thống kê thực hiện Dự án Hợp tác kỹ thuật xây dựng thống kê công nghiệp mới (7/2006 - 6/2008) đưa phương pháp thống kê mới là điều tra hàng tháng các sản phẩm công nghiệp chủ yếu (MSMIP) và tính chỉ số sản xuất công nghiệp trở thành thống kê công nghiệp chính thức của Việt Nam.
Với sự hỗ trợ của JICA và METI, Tổng cục Thống kê đã thử nghiệm phương pháp MSMIP và tính chỉ số sản xuất công nghiệp tại 25 tỉnh thành trực thuộc Trung ương. Ngày 24/11/2006, Tổng cục Thống kê ra quyết định số 1288/QĐ-TCTK thông qua việc điều tra và phổ biến thông tin thống kê công nghiệp hàng tháng theo phương pháp mới từ tháng 1/2007.
Đầu tháng 7 vừa qua, Tổng cục Thống kê và JICA đã phối hợp tổ chức Hội thảo thông báo kết quả điều tra công nghiệp sau 6 tháng thực hiện phương pháp mới. Kể từ báo cáo tháng 7, Tổng cục Thống kê sẽ chính thức công bố thông tin thống kê công nghiệp hàng tháng theo phương pháp điều tra mới.
Những ưu điểm của phương pháp mới
Theo chuyên gia của dự án, ông Tabane Otsuki, MSMIP xác định xu hướng sản xuất cụ thể của từng ngành công nghiệp trọng điểm, cung cấp các chỉ số tốt cho doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài giúp họ có được những quyết định đầu tư sáng suốt tại Việt Nam.
Bên cạnh MSMIP, chỉ số sản xuất công nghiệp lại là các chỉ số nghiên cứu vĩ mô phản ánh xu hướng tổng thể của toàn ngành công nghiệp mà các học giả hay các nhà phân tích thường hay sử dụng. Đặc biệt, cả hai công cụ này đều hết sức cần thiết cho công tác hoạch định chính sách của Nhà nước vì chúng phản ánh đầy đủ xu hướng hoạt động công nghiệp ở cả tầm vi mô và vĩ mô.
Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường của Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu và rộng với nền kinh tế thế giới, việc áp dụng phương pháp điều tra công nghiệp mới mang đến cho người sử dụng cơ hội tiếp cận các thông tin trong lĩnh vực công nghiệp cập nhật, đầy đủ và phong phú hơn.
Chỉ số mới cũng giải quyết được những vấn đề liên quan đến bảng giá cố định đã trở nên lạc hậu, không phản ánh đúng thực tế. Công thức tính chỉ số được Tổng cục Thống kê áp dụng là công thức Laspeyres đơn giản, vì chỉ cần thông tin về tỷ trọng và khối lượng của kỳ gốc và khối lượng của kỳ báo cáo nên được nhiều nước trên thế giới áp dụng, vì thế đảm bảo khả năng so sánh quốc tế.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Tuy nhiên, để áp dụng phương pháp mới vừa đáp ứng chuẩn mực quốc tế vừa phù hợp với yêu cầu thực tế của Việt Nam là một công việc khó khăn và phức tạp. “Tất cả các nước áp dụng phương pháp này chỉ ở cấp toàn quốc trong khi Việt Nam, do yêu cầu của thực tế, phải nghiên cứu áp dụng để điều tra và tính chỉ số công nghiệp hàng tháng đến cấp tỉnh, thành phố thậm chí tới cấp huyện.
Đây là khó khăn lớn nhất làm tăng thêm tính phức tạp và khối lượng công việc liên quan, ảnh hưởng đến thời gian kiểm tra, tổng hợp và phổ biến kết quả”, ông Phạm Đình Thúy, quyền Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê cho biết.
Theo ông Thuý, những khó khăn về nguồn nhân lực ở cấp cơ sở cũng ảnh hưởng đến chất lượng thông tin thu thập qua 6 tháng đầu năm. Ngoài ra, tâm lý e ngại của lãnh đạo ở một số địa phương cho rằng phương pháp mới sẽ đưa tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp ở địa phương mình thấp hơn so với tốc độ tính theo phương pháp cũ cũng là trở ngại cho việc thu thập thông tin.
Để nâng cao chất lượng và đảm bảo lộ trình công bố thông tin, trong thời gian tới, Tổng cục Thống kê sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình thu thập, tính toán và công bố các chỉ số công nghiệp. Theo lộ trình này, kể từ báo cáo tháng 7/2007, Tổng cục Thống kê sẽ thực hiện chính thức phương pháp mới và công bố theo tháng các chỉ số sản xuất công nghiệp, chỉ số sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ yếu, khối lượng sản phẩm công nghiệp chủ yếu.
Chỉ số tiêu thụ và chỉ số tồn kho sản phẩm công nghiệp sẽ được tính thử nghiệm và hoàn thiện trong năm 2007 để công bố theo quý từ năm 2008. Từ năm 2011 trở đi, Tổng cục Thống kê sẽ công bố đầy đủ hệ thống chỉ số và khối lượng sản phẩm công nghiệp, chấm dứt hoàn toàn việc công bố chỉ tiêu chỉ số phát triển giá trị sản xuất theo giá cố định.
TBKTVN
|