Chậm triển khai thực hiện đầu tư bằng vốn ngân sách: Hàng loạt dự án ách tắc
Tình hình chậm trễ trong việc thực hiện tiến độ xây dựng và giải ngân các dự án sử dụng vốn NSNN đang đặt ra nhiều vấn đề đáng quan ngại.
Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 đã triệu tập một hội nghị giao ban với các bộ, ngành nhằm tìm giải pháp tháo gỡ và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án này.
Không khai thông thủ tục, không thể giải ngân
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, nguồn vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt thấp hơn so cùng kỳ năm trước và thấp hơn kế hoạch cả năm. Đáng nói là nguồn vốn trái phiếu chính phủ đạt rất thấp, chỉ bằng 11,6% KH. Đặc biệt là các dự án do Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý có tỉ lệ giải ngân đạt rất thấp.
Theo báo cáo của KBNN, ước giải ngân nguồn vốn trái phiếu chính phủ của Bộ GTVT chỉ đạt 11,4% KH cả năm, còn Bộ NNPTNT tính đến tháng 5 mới đạt 10% KH. Các bộ, ngành, địa phương đạt khối lượng thực hiện và giải ngân nguồn vốn dưới 10% còn có TĐ Điện lực VN (1,7%); tỉnh Vĩnh Long (7%); Hậu Giang (6,8%); NHNN (10%)...
Hầu hết các dự án đều vướng ở khâu thủ tục đầu tư, trong đó nổi lên là việc thực hiện các hướng dẫn trong các văn bản, thông tư của các bộ, ngành trái với quy định của luật, thậm chí vượt thẩm quyền quản lý hoặc nhiều nội dung chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản hướng dẫn khác nhau.
Chẳng hạn như thông tư 07/TT-BXD có quy định không phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu, khiến nhiều dự án có khối lượng phát sinh nhưng không thể điều chỉnh dự án, nên không thể triển khai và làm chậm tiến độ giải ngân. Thông tư 38/TTLT-BTC-BXD hướng dẫn việc thông báo và kiểm soát giá vật liệu xây dựng do các địa phương quản lý, tuy nhiên do địa phương không thông báo đầy đủ và cập nhật thường xuyên, nên các chủ đầu tư mất rất nhiều thời gian lập dự toán, tổng dự toán dẫn đến chậm trễ trong đấu thầu.
Bên cạnh đó, các quy định hướng dẫn tính toán chi phí, định mức đầu tư thường chậm được xử lý và không đồng bộ với các biến động thị trường như trượt giá ngoại tệ, giá sắt thép, xăng dầu, lương, giá cả thay đổi dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án. Đó là chưa kể đến một nguyên nhân khác là năng lực tài chính của nhiều chủ đầu tư còn hạn chế, vốn chủ sở hữu tham gia đầu tư thấp...
Sẽ có chế tài xử phạt
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - tại Hội nghị giao ban đầu tư - đã chỉ ra rằng: Thời cơ để tăng trưởng kinh tế rất rõ ràng khi mà vốn đầu tư các dự án lên đến hàng tỉ USD, trong khi dự án lại chậm tiến độ, mà nguyên nhân chính là do những bất cập trong công tác quản lý điều hành, đặc biệt là thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo đã kéo tụt nguồn lực đầu tư của đất nước.
Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành T.Ư phải tìm cho được các giải pháp tháo gỡ, trong đó tập trung vào khâu quản lý, điều hành, rà soát, sửa đổi những nghị định, thông tư hướng dẫn cho phù hợp với yêu cầu hội nhập và cơ chế thị trường, tạo sự phối hợp đồng thuận giữa các bộ, ngành.
Theo Bộ KHĐT, bộ đang chủ trì rà soát lại các quy định về đấu thầu và quản lý hoạt động đầu tư như nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi NĐ 111/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng; các quy chế trách nhiệm của người thẩm định, ra quyết định các dự án đầu tư.
Người ra quyết định đầu tư chỉ ra quyết định khi đã xác định rõ nguồn vốn và trong phạm vi nguồn vốn được phân cấp, tránh việc phê duyệt vốn đầu tư dự án vượt quá khả năng cân đối vốn; đồng thời có chế tài buộc người thẩm định, quyết định các dự án phải thận trọng khi ra quyết định, tránh sai sót rủi ro ngay từ chủ trương đầu tư.
Lao Động
|