Đất đai phải thực sự là nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế và ổn định xã hội
Đây là ý kiến chung của nhiều đại biểu trong Hội nghị lấy ý kiến về sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 7/3/2008 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại diện các sở, ngành của 25 tỉnh phía Nam đã nêu lên những đóng góp của Luật Đất đai năm 2003 đối với đời sống kinh tế-xã hội của mỗi địa phương cũng như những bất cập cần sửa đổi. Đó là tình trạng chồng lấn giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng tại các đô thị; sự bất hợp lý về giá đất dự án sau khi được được chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp với mức giá đền bù quá thấp; sự chênh lệch giữa mức giá thuê đất của doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước; tình trạng các dự án treo và thủ tục cho thuê, giao đất cũng như mức hạn điền đối với người sử dụng đất. Vì vậy, dự thảo sửa đổi Luật đất đai năm 2003 cần phải bổ sung thêm những nội dung phát sinh để đảm bảo cân bằng lợi ích về đất đai giữa Nhà nước, chủ dự án và người sử dụng đất nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế-xã hội.
Ông Mai Ái Trực, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Những nội dung bổ sung trong Luật Đất đai mới phải phù hợp với chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, phải đảm bảo quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất cũng như phù hợp với luật pháp quốc tế. Theo ông Trực, quy hoạch sử dụng đất nên giao cho Quốc hội, còn kế hoạch sử dụng đất thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành và địa phương. Để đảm bảo an ninh lương thực cũng như ổn định đời sống vùng nông thông, thời hạn giao đất nông nghiệp cho nông dân nên kéo dài hơn thay vì để người dân phải “nhấp nhổm” vừa sản xuất vừa lo lắng khi thời hạn 20 năm sắp kết thúc vào 2013.
Nhìn nhận về mặt tổng thể, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Thế Ngọc cho biết: Tất cả những khoảng trống của Luật đất đai năm 2003 sau gần 4 năm áp dụng vào thực tiến sẽ được lấp đầy trên cơ sở hợp tác của các bộ, ngành và ý kiến phản hồi của 64 tỉnh, thành. Những nội dung sửa đổi sẽ đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật của Nhà nước nhằm khai thông những vướng mắc để đất đai thực sự là nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế và ổn định xã hội.
Dự kiến Dự thảo luật đất đai mới sẽ tập trung vào 8 nội dung lớn: quy hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê và chuyển quyền sử dụng đất; hình thành thị trường tài chính về đất đai, giá đất; thời hạn và hạn mức sử dụng đất; giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa; trình tự thủ tục hành chính trong quản lý và sử dụng đất đai; quản lý tốt thị trường bất động sản. Trước mắt ngành tài nguyên và môi trường sẽ thực hiện thí điểm tại một số địa phương về bản đồ địa chính điện tử với mức giá đất được cập nhật thường xuyên để giảm bớt sự giãn cách quá xa về giá đất nông nghiệp trước và sau khi chuyển đổi để hạn chế dần tình hình bất ổn do người sử dụng đất không đồng ý với mức giá đền bù đất quá thấp tại nhiều dự án trọng điểm.
TTXVN
|