Cà phê xuất khẩu đang gặp nhiều thuận lợi
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sự sụt giảm sản lượng cà phê nói chung đang khiến giá mặt hàng này trên thế giới diễn biến theo chiều hướng thuận lợi cho Việt Nam, dự báo cà phê trong nước sẽ còn tăng giá, có thể lên đến 40.000 đồng/kg.
Những tháng đầu năm nay, giá cà phê vối (Robusta) xuất khẩu của Việt Nam lên đến trên 2.000 USD/tấn nên giá thu mua trong nước đã tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức khoảng 35.000 đồng/kg.
Hai tháng qua, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã đạt trên 500 triệu USD và dự kiến cả năm sẽ đạt khoảng 1,8 tỷ USD.
Theo thống kê của Sở thương mại và Du lịch Đắk Lắk - một thủ phủ của cà phê ở Việt Nam, giá cà phê trong nước đang ở mức cao nhất kể từ năm 1996 đến nay. Nguyên nhân cơ bản của việc giá cà phê trong nước và xuất khẩu liên tục leo thang là do dự báo về sự sụt giảm tới 20-30% sản lượng niên vụ 2007-2008 của Việt Nam, nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới.
Cũng theo cơ quan này, tình trạng hạn hán hiện nay cùng với ảnh hưởng từ mùa mưa lũ năm 2007 đang làm nhiều vườn cà phê ở Đắk Lắk bị hư hại, chất lượng kém, năng suất giảm từ 30-70%.
Trên thị trường thế giới, theo Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO), sản lượng cà phê niên vụ này ước chỉ đạt khoảng 116 triệu bao, trong khi tổng mức tiêu thụ ở mức khoảng 125 triệu bao. Do cung không đủ cầu, lượng cà phê thiếu hụt từ những nước sản xuất hàng đầu như Braxin, Côlômbia, Việt Nam nên thị trường cà phê thế giới rơi vào trạng thái “nóng" chưa từng có.
Với nửa triệu ha canh tác cà phê, sản xuất được khoảng 1 triệu tấn/năm, Việt Nam hiện là nước dẫn đầu thế giới về năng suất và đang cạnh tranh với Brazil vị trí dẫn đầu về sản lượng. Đặc biệt là sự lên ngôi của cà phê Robusta do thích hợp với điều kiện khí hậu ở vùng cao nguyên, độ cao 500-700m so với mực nước biển khiến Việt Nam mau chóng trở thành nước chiếm vị trí tuyệt đối về sản xuất loại cà phê này, sản lượng hàng năm đạt trên 52 triệu bao.
Bên cạnh đó, theo Đoàn Triệu Nhạn, một chuyên gia lâu năm của Hiệp hội cà phê Việt Nam, xuất khẩu cà phê Việt Nam thêm thuận lợi khi người tiêu dùng thế giới đang ngày càng mặn mà hơn với cà phê Robusta do phương pháp kết hợp với Arabica để tạo ra loại cà phê tan thơm ngon, giá thành thấp.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường cà phê thế giới diễn biến “nóng”, một trong những vấn đề đang được các nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê trong nước quan tâm là việc điều tiết số lượng và thời điểm thu mua, xuất khẩu ra sao nhằm hài hòa lợi ích giữa người sản xuất và doanh nghiệp, tránh được thiệt thòi cho người nông dân trồng cà phê.
Ông Đoàn Triệu Nhạn cũng cho biết, Hiệp hội Cà phê Việt Nam đang nghiên cứu về việc thành lập liên đoàn cà phê có quyền quyết định tất cả các vấn đề liên quan đến ngành hàng này./.
ttxvn
|