Thứ Năm, 19/07/2007 11:41

Có nên "ép" lộ trình?

LTS: Theo lộ trình đến 2010 sẽ phải CPH 100% DNNN. Tuy nhiên, hiện đang có hai luồng ý kiến đối lập nhau xung quanh việc có nên đẩy nhanh quá trình CPH hay không. Điều này nếu không được cân nhắc kỹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quy luật cung cầu trên thị trường chứng khoán còn quá non trẻ của VN.

DĐDN giới thiệu ý kiến của hai chuyên gia trong lĩnh vực này. Ban Biên tập mong nhận được những ý kiến chia sẻ của bạn đọc theo địa chỉ: bandoc@dddn.com.vn

I. “Ép” để làm gì?

PV ông Nguyễn Đình Cung – Trưởng Ban nghiên cứu chính sách vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ

- Có ý kiến cho rằçng việc “cung thêm hàng” từ những DNNN trong bối cảnh thị trường chứng khoán cung đang vượt cầu, có thể khiến Nhà nước thất thu một lượng vốn thặng dư rất lớn. Vậy theo ông có nên cân nhắc lại lộ trình CPH?

Theo tôi, có hai khía cạnh cần xét đến khi xem xét về vấn đề này.

Thứ nhất, việc triển khai CPH hiện nay phải thực hiện theo Nghị định 109/CP mới được ban hành ngày 26/6/2007. Do vậy, chúng ta cần có thời gian và sự chuẩn bị trước khi triển khai CPH theo nghị định này. Cho nên, theo tôi, việc tiến hành CPH DNNN trong năm 2007 như lộ trình ban đầu có thể không đạt được vì thời điểm từ nay đến cuối năm chính là thời gian chuẩn bị để triển khai nghị định.

Thứ hai, DN CPH không nhất thiết phải phát hành cổ phiếu ra thị trường chứng khoán mặc dù những DN lớn đều phải trải qua cuộc đấu giá. DN có thể CPH bằng việc bán cho cổ đông chiến lược hoặc những người đã được lựa chọn trước.

CPH cũng là một hình thức bán tài sản, trong đó có nhằm tới một mục tiêu là thu hút được vốn. Vì vậy, với những nhà quản lý biết tính toán thì khi giá bán thấp hơn mức kỳ vọng, điều đương nhiên là không nên bán. Ngược lại, nếu CPH giúp DN đạt được nhiều mục tiêu lớn hơn thì chúng ta có thể tiến hành CPH tới 40-50 DN chứ không dừng lại ở con số 20.

Ví dụ năm 2006, khi thị trường chứng khoán đang phát triển nóng, nhiều DN đã chủ động thúc đẩy nhanh quá trình CPH để huy động thêm vốn, cơ cấu lại vốn của mình, đầu tư thêm để nâng cao hiệu quả. Do đó, chúng ta không nên tạo áp lực CPH theo đúng lộ trình mà phải tuỳ vào bối cảnh cụ thể, tuỳ vào nhu cầu nội tại của DN.

- Thưa ông, nhưng nếu không ép thì chất lượng CPH và tiến trình CPH sẽ chậm lại?

Vấn đề ở đây là ép CPH để làm gì? Nếu ép CPH nhưng DN không đạt được mục tiêu, tài sản của nhà nước bị bán rẻ thì theo tôi không nên ép, nhất là về mặt dư luận.

Nếu có, chỉ có thể ép các DN phải nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Kèm theo đó là một số cơ chế như buộc người quản lý bãi nhiệm nếu DN làm ăn không hiệu quả. Như vậy, người quản lý sẽ phải tự tìm kiếm phương thức sản xuất kinh doanh hiệu quả mà một trong số đó là CPH.

Cách để “ép” ở đây là mở thị trường ra, như thị trường lao động, trong đó có đối tượng nhà quản lý để tìm kiếm nhà quản lý có năng lực, thắt chặt và củng cố cơ cấu quản trị của Cty, buộc hình thành ­­một cơ chế giám sát, buộc người quản lý phải nâng cao hiệu quả.

- Nhưng hiện có một thực tế là các cổ đông chiến lược của những DN nhà nước đã được CPH đều là các pháp nhân nhà nước khác. Sự “bắt tay” giữa các DN nhà nước liệu có mang lại hiệu quả cao hơn cho quá trình CPH, thưa ông?

Trong thời gian qua, chúng ta quan sát thấy có những liên minh xâu chéo lẫn nhau giữa các DN nhà nước, ví dụ như giữa các ngân hàng và các TCty, tập đoàn.

Mô hình xâu chéo giữa các DN, lấy ngân hàng làm trung tâm quản trị đã thành công ở Nhật Bản. Nhưng điểm khác ở Nhật Bản là các tập đoàn, các ngân hàng của họ đều là sở hữu tư nhân, quản trị chuyên nghiệp, có đầy đủ kinh nghiệm, gắn với văn hoá Cty (những người làm việc ở đó là những người gắn bó với Cty và suốt đời phụng sự vì Cty). ở VN lại khác, ngân hàng quốc doanh sở hữu nhà nước, các tập đoàn, Tổng Cty cũng sở hữu nhà nước. Sự sở hữu chéo lẫn nhau giữa các DN sở hữu nhà nước ắt sẽ nảy sinh vấn đề trong quản trị.

Ở đây, họ sở hữu lẫn nhau nhưng lại không có cơ chế giám sát cụ thể nên có thể dẫn đến hiện tượng câu kết để có thể thâu tóm quyền sử dụng tài sản nhà nước. Như thế, sự giám sát ở bên ngoài sẽ kém đi. Còn sự thâu tóm quyền sử dụng tài sản nhà nước sẽ dẫn tới nguy cơ lạm dụng sở hữu chéo để giao dịch tư lợi, phục vụ cho lợi ích của một số ít người thay vì phục vụ cho lợi ích quốc gia. Đó thực sự là một cảnh báo!

II. Không thể bàn lùi!

Chuyển các DN do Nhà nước sở hữu 100% vốn thành Cty cổ phần, gọi tắt là CPH, là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, đã và đang được thực hiện trong nhiều năm qua. Đến nay, không còn ai nghi ngờ gì về những tác động tích cực của CPH đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc dân.

Tuy nhiên, gần đây, một số ý kiến đã đề nghị nên ”phanh lại” tốc độ CPH các DNNN. Những đề nghị ấy đưa ra nhiều lý do khác nhau, song tựu trung lại, có hai vấn đề nổi cộm cần quan tâm.

Thứ nhất, trong thời gian qua, tình trạng ”liên kết ngầm” của một nhóm quyền lực trong việc bán đấu giá lần đầu khi CPH các DNNN nhằm thôn tính DN đã xảy ra khá nhiều. Mục tiêu của “liên kết ngầm” này không có gì khác là chuyển một phần tài sản của Nhà nước sang cho một nhóm các cá nhân (xuất hiện hoặc không xuất hiện trực tiếp) có quyền thao túng việc CPH DN nhà nuớc.

Thứ hai, đã đến lúc, các “đại gia” trong các DNNN vào cuộc. Các tập đoàn, các TCty lớn, các ngân hàng thương mại Nhà nước đã có kế hoạch CPH trong một thời gian không xa. Khi CPH, các ”đại gia” này sẽ ngay lập tức đăng ký niêm yết trên thị trường chứng khoán tập trung. Vì vậy, nhiều ý kiến lo ngại rằng, với một lượng rất lớn cổ phiếu của các DNNN này tung ra thị trường, tình trạng cung vượt cầu quá lớn trên TTCK VN là không thể tránh khỏi. Xa hơn nữa, nhiều ý kiến cũng cảnh báo rằng, điều đó có thể là ngòi nổ cho một cuộc khủng hoảng tài chính như đã từng xảy ra vào những năm 1997 -1999 trên thị trường tài chính khu vực. Khi đó, hậu quả đối với nền kinh tế sẽ là vô cùng lớn.

Tuy nhiên, lập luận của đề nghị ”phanh lại” tốc độ CPH như nêu trên là đúng nhưng chưa đủ. Có thể cho rằng, đó chỉ là những ý kiến dựa vào những biểu hiện bề ngoài để ”bàn lùi” trong vệc CPH các DNNN.

Trước hết, CPH các DNNN, tự bản thân nó là một chủ trương đúng đã được khẳng định trong thực tế. Nó là ”phác đồ điều trị” hữu hiệu để vực dậy những DNNN đang tồn tại ngắc ngoải trong nhiều năm; là biện pháp tích cực để thu hút vốn của mọi tầng lớp nhân dân đầu tư vào sản xuất, kinh doanh của các DN, là biện pháp có hiệu quả để biến những người lao động làm thuê tại các DNNN thành những người đồng sở hữu thực sự. Và, quan trọng hơn cả, đó là điều kiện quan trong nhất để xoá bỏ cơ chế chủ quản – cái nôi của cơ chế xin – cho...

Những tiêu cực phát sinh trong quá trình CPH các DNNN là có thực và đang làm đau đầu các nhà quản lý. Song, phải khẳng định ngay rằng, những tiêu cực ấy không có nguyên nhân từ bản thân việc CPH các DNNN. Nó xuất phát từ sự yếu kém trong nghiên cứu, hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện việc CPH. Chẳng hạn, nhiều nghiên cứu đã chỉ rằng, nguyên nhân dẫn đến sự hình thành các “liên kết ngầm” nhằm thôn tính các DNNN khi CPH là do giá trị quyền sử dụng đất đã không được tính vào giá trị DN khi CPH. Đất đai là tài sản đặc biệt có khả năng sản sinh ra một lượng giá trị lớn được gọi là “địa tô chênh lệch”. Địa tô chênh lệch xuất hiện trong kinh tế thị trường không phụ thuộc vào việc mảnh đất đó là giao đất hay thuê đất... Lý giải rằng, đất do DN đi thuê thì không được đưa vào giá trị DN khi CPH là đúng về lý thuyết kế toán nhưng lại không đúng trong thực tế. Không tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN khi CPH tức là Nhà nước đã từ bỏ quyền được nhận phần “địa tô chênh lệch” phát sinh từ quyền sử dụng đất. Và, tất yếu, phần ”địa tô” ấy sẽ rơi vào túi những người quản lý, điều hành DN sau CPH. Tiếc rằng, trong Nghị định 109 mới ban hành về CPH các DNNN, vướng mắc trên vẫn chưa được giải quyết triệt để. Một mâu thuẫn nữa đã xuất hiện trong thực tiễn và cũng chưa được giải quyết triệt để đó là: nếu xác định đúng giá trị DN khi CPH, bao gồm cả giá trị quyền sử dụng đất, thì giá trị DN tăng lên rất cao, cổ phiếu bán ra với giá trị khá lớn, có thể vượt quá khả năng mua CP của người lao động và khi đó việc bảo đảm quyền mua CP của người lao động sẽ không thực hiện được...

Phân tích trên cho thấy, những tiêu cực trong việc CPH các DNNN chủ yếu xuất phát từ năng lực quản lý, điều hành. Không thể vì yếu kém trong quản lý mà “phanh lại” hay “cấm” một hoạt động đúng quy luật khách quan.

Về tác động của CPH các DNNN tới TTCK là tất yếu, không thể né tránh. Nếu nó không tác động hôm nay thì sẽ tác động vào ngày mai. Vì vậy, cũng không thể “vin” vào sư yếu kém trong việc quản lý, điều hành TTCK để làm chậm lại tiến trình CPH các DNNN.

CPH các DNNN là chủ trương đúng, hợp quy luật, hợp lòng dân. Xin đừng vì những yếu kém chủ quan mà bàn lùi để níu kéo sự tồn tại của các DNNN và cơ chế xin cho còn rất nặng nề như hiện nay.

DĐDN

Các tin tức khác

>   Vinasun Corporation triệu tập Đại hội Cổ đông (19/07/2007)

>   Bán tiếp cổ phần Công ty XNK Vĩnh Long (19/07/2007)

>   Thất thoát tiền tỉ sau cổ phần hóa (19/07/2007)

>   “Hồng lên” nhờ cổ phần hóa (18/07/2007)

>   Vinacafe sẽ trồng 3.000 ha cà phê tại Lào (18/07/2007)

>   TTFC công bố 10 cổ đông chiến lược (18/07/2007)

>   CTCP gạch ngói gốm Mỹ Xuân: Khẳng định độ “chín” (18/07/2007)

>   ĐBSCL: Cty đầu tư Tài chính đầu tiên đi vào hoạt động (18/07/2007)

>   "Câu chuyện" cổ phần hóa bệnh viện về đâu? (18/07/2007)

>   Bất lợi nếu hoãn các đợt IPO (18/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật