Cảnh báo của HSBC có đúng?
Việc chuyên gia CK Garry Evans của HSBS đưa ra cảnh báo VN-Index sẽ xuống 900 điểm vào cuối năm, rồi phương tiện thông tin đại chúng "thổi" thêm, đang được xem là nguyên nhân khiến TTCK VN sụt giảm mạnh 2 phiên đầu tháng 7.
Tuy nhiên, nếu tỉnh táo nhìn lại thì cảnh báo này chưa hẳn đáng tin hoàn toàn và còn nhiều điều cần phải xem lại.
HSBC đã từng phải đính chính
Ngân hàng HSBC (Hồng Kông) dựa vào chỉ số P/E của các doanh nghiệp niêm yết làm căn cứ chính để đưa ra cảnh báo trên.
HSBC cho rằng hiện chỉ số PE của nhiều loại cổ phiếu quá cao dù đã điều chỉnh giảm trong thời gian qua.
Không hiểu HSBC “vô tình” hay “cố ý” khi chỉ phân tích chủ yếu dựa vào chỉ số P/E, điều mà các chuyên gia chứng khoán trong và ngoài nước đều cho rằng đúng nhưng chưa đủ.
Chuyên gia chứng khoán Huy Nam cho rằng: “Nếu chỉ nhìn vào chỉ số P/E thì ít ai dám đầu tư vào hàng loạt các cổ phiếu sáng giá đang niêm yết như FPT, VNM, STB, ITA, TDH, VHS... Theo tôi cần phải xem xét thêm các chỉ số khác như lợi nhuận, triển vọng, mức cung cầu của thị trường...”.
Giám đốc một công ty chứng khoán (CTCK) thắc mắc: “Tôi không hiểu sao một ngân hàng lớn như HSBC lại đánh giá TTCK có phần chủ quan và không đầy đủ như thế. Tôi ví dụ như chỉ số P/E của một cổ phiếu hiện đang cao nhưng nhà đầu tư đánh giá triển vọng của cổ phiếu đó rất tốt, có khả năng đầu tư lâu dài, sinh lợi cao thì giá lên cũng là điều dễ hiểu thôi. Chỉ số P/E năm nay cao nhưng năm sau lợi nhuận tốt hơn xuống lại thấp thì sao?”.
Nhà phân tích chứng khoán Trần Ngọc Nam cũng đặt câu hỏi về việc liệu HSBC có chủ quan và hơi vội vàng đưa ra cảnh báo quá mức vào đúng thời điểm nhạy cảm này? Cũng cần nhắc lại hồi tháng 5/2007, HSBC đã dẫn những nguồn dữ liệu sai về chỉ số P/E của SSI, PVD, BVS, BTS và VNR và đã tạo ra những phản ứng tiêu cực từ thị trường, khi HSBC đính chính thì các loại cổ phiếu trên đã bị ảnh hưởng không nhỏ.
Tuy nhiên, điều mà nhiều nhà đầu tư còn “tỉnh táo, khôn ngoan” và chưa bị cuốn theo đám đông nghi ngại là: Vì sao các nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vẫn tăng mua giảm bán mặc cho cảnh báo của HSBC?
Vì sao nhà ĐTNN ồ ạt mua vào?
Suốt 6 phiên từ 26/6 đến 3/7, nhà ĐTNN luôn có khối lượng mua vào nhiều hơn bán ra, trong đó hai phiên trước và sau báo cáo của HSBS tung ra thì nhà ĐTNN lại mua nhiều nhất!
Ngày 2/7, khi VN-Index xuống dưới 1.000 điểm và tâm lý thất vọng bao trùm nhà đầu tư cá nhân nội thì nhà ĐTNN ồ ạt mua vào với khối lượng gấp 2,5 lần và trị giá gấp 3 lần so với lượng bán (mua vào 1,673 triệu đơn vị, tương đương 252 tỷ, chỉ bán ra 633 ngàn đơn vị, tương đương 71 tỷ).
Ngày 3/7, hàng loạt cổ phiếu mà HSBC cho rằng có chỉ số P/E cao như FPT, SJS, TAC, HRC, PVD... đã được các nhà ĐTNN thu gom, chưa kể nhiều loại khác đã hết room.
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Trưởng phòng môi giới CTCK ACBS nhận xét: “Không nên chạy theo các nhà ĐTNN trong mọi trường hợp nhưng với tình hình trên thì các nhà đầu tư trong nước cần xem lại”.
Còn nhà đầu tư Vũ Ngọc Huy (Việt kiều Mỹ sàn SBS TP.HCM) thì nhận xét: “Nếu tin vào cảnh báo của HSBC các nhà ĐTNN không mua ồ ạt như thế, với kinh nghiệm 20 năm đầu tư chứng khoán tại Mỹ tôi dám chắc nhà ĐTNN bỏ ngoài tai cảnh báo ấy nên mới mua vào nhiều hơn bán ra”.
Tổng giám đốc một quỹ đầu tư cũng thừa nhận: “Hầu hết các nhà ĐTNN đều có những nguồn tin và phân tích từ những nguồn đáng tin cậy nên họ biết phải làm gì lúc này”. Từ những thông tin trên thì việc nhà đầu tư trong nước thi nhau bán ra (trước khi VN-Index xuống dưới 1.000 điểm) xem ra có phần hơi vội vàng.
Đây không phải là lần đầu, họ tin vào cảnh báo từ các chuyên gia nước ngoài đổ xô bán tháo để nhà ĐTNN gom vào với giá thấp rồi sau đó ít ngày “tỉnh ngộ” ra lại cùng nhau mua vào với giá cao từ chính nhà ĐTNN! Từ đầu năm đến nay, ít nhất đã có 3 lần xảy ra tình cảnh này.
Theo Tiền Phong
|