Thứ Tư, 11/07/2007 17:06

Bao giờ triển khai khớp lệnh liên tục?

* Cũng tại cái phần mềm

Bộ Tài chính đang cân nhắc phương án triển khai thực hiện khớp lệnh liên tục trong tháng bảy, đúng vào dịp Trung tâm giao dịch chứng khoán (TTGDCK) TP.HCM làm lễ khai trương chuyển đổi thành Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM.

Sau ba lần hoãn khớp lệnh liên tục, liệu lần này kế hoạch sẽ “chạy” trơn tru?

Trong ba lần hoãn khớp lệnh liên tục từ đầu năm đến nay, các cơ quan quản lý thị trường thường giải thích nguyên nhân là do một số công ty chứng khoán chưa chuẩn bị kịp, lúc trước là không kết nối được với phần mềm của trung tâm và sau này là gặp khó khăn trong quá trình xử lý kết quả trả lệnh cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, tìm hiểu của Tuổi Trẻ Cuối Tuần cho thấy không chỉ ở các công ty chứng khoán có vấn đề mà ngay cả TTGDCK TP.HCM cũng chưa sẵn sàng.

Lệnh của tôi có khớp không?

Trong thông báo mới nhất kết luận về việc chuẩn bị triển khai thực hiện khớp lệnh liên tục, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) đã yêu cầu các công ty chứng khoán khẩn trương khắc phục những tồn tại về điều kiện kỹ thuật và tăng cường nhân sự cần thiết đảm bảo phục vụ nhà đầu tư khi triển khai giao dịch liên tục.

Yêu cầu này được đặt ra vì quá trình chạy thử hệ thống cho thấy đến nay tất cả các công ty chứng khoán đều có thể kết nối với trung tâm, song một số lại gặp rắc rối khi xử lý kết quả trả lệnh cho nhà đầu tư. Cụ thể, sau khi nhận gói thông tin từ TTGDCK TP.HCM, các công ty này không thể giải mã và tổ chức hệ thống để báo ngay cho khách hàng về việc lệnh của họ có được khớp không, khớp ở mức giá bao nhiêu...

Theo TTGDCK TP.HCM, nhiệm vụ của trung tâm chỉ là đảm bảo các công ty chứng khoán có thể kết nối với đường truyền của trung tâm, còn việc xử lý thông tin và trả cho nhà đầu tư như thế nào là chuyện riêng của công ty chứng khoán. Nhưng khổ nỗi, những công ty nào chưa sẵn sàng thì TTGDCK “giấu”, không chịu thông báo rõ tên, thành ra nhà đầu tư cứ như nằm trên... thớt, phải đợi đến khi giao dịch khớp lệnh triển khai rồi mới biết công ty chứng khoán nơi mình đang mở tài khoản “mần ăn” ra sao.

Một chuyên gia chứng khoán cho rằng nếu tất cả công ty chứng khoán chưa thể chứng minh được họ đã đầu tư một hệ thống hoàn thiện để trả kết quả nhanh nhất cho nhà đầu tư thì Bộ Tài chính chưa nên cho phép triển khai giao dịch khớp lệnh liên tục.

“Đừng để đến lúc nhà đầu tư hớt hơ hớt hải chạy đi hỏi kết quả giao dịch thì cơ quan quản lý nhà nước mới đủng đỉnh nói rằng: đấy, anh phải chọn công ty chứng khoán tốt mà đến! Phải hiểu và tôn trọng một qui tắc bất biến rằng những công ty đã được UBCKNN cấp phép và TTGDCK TP.HCM công nhận là thành viên thì xem như đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tham gia thị trường. Đừng đẩy nhà đầu tư vào chỗ “chết” chỉ vì cấp phép cho những người không đủ năng lực. Còn không, Bộ Tài chính buộc phải công bố tên những công ty chứng khoán chưa sẵn sàng để nhà đầu tư biết mà chuyển tài khoản sang nơi khác” - chuyên gia này nói.

Hiện nay, hầu hết các công ty chứng khoán đều đang sử dụng phần mềm FPT. Thế nhưng để đáp ứng các yêu cầu giao dịch mới, họ buộc phải đầu tư 1 triệu USD để nâng cấp phần mềm. Ngoài ra, cũng tùy theo “lực” mà các công ty sẽ tổ chức hệ thống trả kết quả giao dịch cho nhà đầu tư theo các hình thức khác nhau: trên Internet, qua điện thoại di động hoặc tổng đài điện thoại (call center).

“Qua Internet rất khó vì đường truyền của ta rất chậm, qua tổng đài thì phải lo tổ chức người tiếp điện thoại không biết bao nhiêu là đủ. Tôi cho rằng cách tốt nhất là trả kết quả qua điện thoại di động hoặc qua tổng đài tự động, cho phép nhà đầu tư bấm số tài khoản của mình để nghe kết quả. Tôi cho rằng những công ty nào có thể đầu tư một trong hai loại hệ thống này sẽ có sức cạnh tranh lớn trên thị trường” - chuyên gia trên nhận định.

Luật chơi không bình đẳng

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trước đây về giao dịch khớp lệnh liên tục với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, ông Trần Đắc Sinh - giám đốc TTGDCK TP.HCM - cho rằng luật chơi của nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài có khác nhau. Đối với nhà đầu tư trong nước, sau khi lệnh mua bỏ vào hệ thống rồi thì sẽ chờ cho đến khi khớp, còn nhà đầu tư nước ngoài nếu không khớp tự động được thì công ty chứng khoán sẽ báo ngay để họ đặt lệnh lại.

Tổng giám đốc một công ty chứng khoán nói: “Về nguyên tắc, khi lệnh của nhà đầu tư trong nước được chờ thì lệnh của nhà đầu tư nước ngoài cũng phải được đối xử công bằng. Bởi vì, nếu nhà đầu tư nước ngoài bị trả lệnh và phải đặt lại thì lệnh của họ lại trở thành lệnh ưu tiên sau lệnh của các nhà đầu tư trong nước. Luật chơi như thế là không thể chấp nhận được, chẳng lẽ chúng ta đợi đến khi nhà đầu tư nước ngoài phản ứng mới lo đi sửa sai hay sao?”.

Ông cũng cho biết khối lượng công việc của các công ty chứng khoán sẽ tăng lên đáng kể chỉ vì họ cứ phải nhập đi nhập lại lệnh của các nhà đầu tư nước ngoài. “Khuyết tật này không phải UBCKNN không thấy, nhưng đây là lỗi kỹ thuật, không sửa được” - ông nói thêm.

Gọi là lỗi kỹ thuật vì hiện nay, bất cứ những sửa đổi gì liên quan đến qui trình giao dịch, TTGDCK TP.HCM phải hỏi ý kiến Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan vì hệ thống phần mềm của trung tâm là do sở này “biếu không” từ năm 2000 khi thị trường vừa mở cửa. Trong trường hợp này, một nguồn tin cho biết TTGDCK TP.HCM đã đưa ra yêu cầu nhưng phía Thái không đồng ý sửa. Vì thế, các chuyên gia chứng khoán cho rằng TTGDCK hơi “liều” khi vẫn tiếp tục triển khai giao dịch khớp lệnh mặc dù biết trước nhà đầu tư nước ngoài sẽ phản ứng mạnh.

Việc phụ thuộc hoàn toàn vào giải pháp phần mềm của Thái Lan đang đẩy TTGDCK TP.HCM vào thế kẹt. Để giải tỏa “nút thắt” này, TTGDCK cần nhanh chóng tổ chức đấu thầu quốc tế để chọn mua phần mềm mới. Được biết, nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dành cho việc mua phần mềm này vẫn chưa được giải ngân mặc dù TTGDCK TP.HCM đã chọn xong nhà tư vấn và đã trình đề án này lên UBCKNN.

Nếu kế hoạch này được Bộ Tài chính quan tâm và đẩy nhanh tiến độ, trong vòng sáu tháng tới có thể chọn xong nhà thầu và cần thêm sáu tháng để đưa hệ thống vào chạy thử để có những chỉnh sửa cần thiết. Khả quan nhất là đến đầu năm 2009, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM sẽ chạy phần mềm mới, thoát khỏi những ràng buộc không mong muốn ở thời kỳ đầu phát triển của thị trường chứng khoán TP.HCM.

Phần mềm TTGDCK TP.HCM đang sử dụng do Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan “biếu không” nhưng Công ty DST International (DSTi - Anh) đang giữ bản quyền. DSTi là hãng chuyên cung cấp giải pháp phần mềm về giao dịch chứng khoán và hiện đang mở rộng thị trường tại VN. Vừa qua, hãng này đã ký hợp đồng bán giải pháp phần mềm cho Công ty chứng khoán Sacombank. Một số nguồn tin cho biết DSTi cũng đã đưa ra lời chào rất hấp dẫn là sẽ “biếu không” phần mềm mới cho TTGDCK TP.HCM, thế nhưng trung tâm này lại ngần ngại không dám... nhận vì biết DSTi sẽ “lấy” lại khoản tiền này bằng cách bán đội giá cho các công ty chứng khoán. Một số công ty chứng khoán cho biết nếu TTGDCK sử dụng phần mềm của DSTi thì họ cũng sẽ phải chọn mua phần mềm của hãng này để việc kết nối ổn định hơn và giảm thiểu rủi ro khi vận hành.

Đừng làm rối thêm thị trường

Tôi có hỏi một số nhà đầu tư nước ngoài rằng nếu lệnh của họ liên tục bị trả về, phải đặt lại và mất thứ tự ưu tiên thì họ cảm thấy thế nào? Câu trả lời là: “Chúng tôi không biết, mấy anh làm thế nào miễn là lệnh của chúng tôi được so khớp theo đúng ưu tiên về giá và thời gian như với nhà đầu tư trong nước”.

Xu thế hiện nay là không thể phân biệt nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài, vì vậy nếu chưa sửa được lỗi kỹ thuật thì TTGDCK TP.HCM không nên khiên cưỡng. Chúng ta chưa lường trước được phản ứng của nhà đầu tư nước ngoài ra sao, nhất là khi họ “thất thế” so với nhà đầu tư trong nước chỉ vì lỗi của cơ quan điều hành thị trường.

Mà tôi cũng ngạc nhiên là vì sao cũng khớp lệnh liên tục, cũng kiểm soát trần sở hữu 49% của nhà đầu tư nước ngoài mà TTGDCK Hà Nội lại cho phép lệnh của nhà đầu tư nước ngoài được chờ đến hết phiên giao dịch. Chính vì thế, chừng nào chưa thuyết phục được đối tác Thái Lan chỉnh sửa phần mềm thì chưa nên tính đến chuyện thực hiện khớp lệnh liên tục. Bằng không, TTGDCK TP.HCM tự đặt mình vào chỗ khó ăn khó nói, muốn cải tiến mà thành ra chỉ làm rối thêm thị trường. (Phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán)

Các tin tức khác

>   Quỹ cơ sở hạ tầng VN mua gần 4% cổ phần của ITACO (11/07/2007)

>   Nguyễn Văn Mười Hai làm lại cuộc đời (11/07/2007)

>   Lion Capital và GrandFord hợp tác đầu tư kinh doanh (10/07/2007)

>   Nhập khẩu chất xám (10/07/2007)

>   Cách nào bảo vệ nhà đầu tư? (10/07/2007)

>   Bảo vệ nhà đầu tư: kinh nghiệm của Philippines (10/07/2007)

>   Quỹ công chúng thứ 3 được chào bán chứng chỉ (10/07/2007)

>   ''Bâng khuâng'' dòng chảy vốn (10/07/2007)

>   BBC: Kết quả giao dịch cổ phiếu cổ đông lớn (10/07/2007)

>   DHG: Kết quả giao dịch cổ phiếu cổ đông lớn (10/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật