Xung quanh vụ mua bán cổ phiếu “ảo” ở Bệnh viện Bình Dân: Giải pháp tốt nhất: Thương lượng!
* Không cổ phần hóa, Bình Dân vẫn có hướng phát triển khác hiệu quả
Thông tin Bệnh viện Bình Dân (TPHCM) ngưng cổ phần hóa đã làm cho không ít cán bộ- công nhân viên (CB-CNV) đã bán “quyền mua cổ phần ưu đãi”, và nhất là những “nhà đầu tư mạo hiểm” (NĐT) trót bỏ tiền tỷ ra để rồi “ôm” cổ phần “ảo” đang hết sức hoang mang, điêu đứng.
Phải có chứng cứ
Tất cả luật sư (LS) mà PV Báo SGGP trao đổi đều cho yếu tố quyết định nhất để NĐT có cơ hội đòi lại tiền là phải có chứng cứ, bao gồm giấy biên nhận, máy ghi âm hoặc ít nhất có 2 người chứng kiến khi hai bên giao dịch miệng… Nhưng đó chỉ là điều kiện, còn việc đòi được hay không thì phải tiến hành thỏa thuận với nhau, nếu thỏa thuận không thành công có thể đưa ra tòa.
LS Nguyễn Văn Hậu (Trưởng ban Tuyên truyền Hội Luật gia TPHCM) cho rằng, đây là một loại giao dịch dân sự bình thường giữa người mua và người bán nên khi ra tòa, vụ việc sẽ được xử lý theo các điều khoản tranh chấp hợp đồng dân sự. LS Phạm Tất Thắng (Đoàn LS TPHCM) bổ sung, khi xét thấy giao dịch này là vô hiệu, giao dịch không thừa nhận thì tòa sẽ buộc các bên hoàn trả cho nhau, nhưng hoàn trả như thế nào, cũng phải dựa vào các chứng cứ mà các bên đưa ra. LS Nguyễn Đình Hùng (Đoàn LS TPHCM) cảnh báo, chứng cứ tại tòa đủ sức thuyết phục và có lợi về phía NĐT thường rất yếu, bởi việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần khi chưa có quyết định chính thức cổ phần hóa là giao dịch bất hợp pháp.
Cũng có thể... trắng tay!
Trường hợp nguy hiểm nhất hiện nay mà các NĐT lo lắng, chính là không có giấy biên nhận, việc mua bán chỉ diễn ra theo thỏa thuận miệng giữa hai bên mà không có chứng cứ. Nếu người bán không thừa nhận đã bán, không chịu thỏa thuận thì nhà đầu tư sẽ… trắng tay. Đây là nhận định của các LS và NĐT có kinh nghiệm.
Thạc sĩ Lê Đạt Chí (giảng viên chuyên ngành đầu tư tài chính, Trường ĐH Kinh tế TPHCM) cũng là NĐT cổ phiếu lâu năm, khẳng định một cách chắc chắn rằng, các NĐT sẽ mất sạch khi không thể tiếp cận được người bán, ngay cả khi thương lượng, người bán một mực khẳng định không bán (vì có cổ phần thực đâu mà bán) thì NĐT cũng…bó tay. Đây là cái giá cho việc đầu tư không khôn ngoan, mạo hiểm, theo tâm lý “bầy đàn”. Mất trắng một khoản đầu tư, nên chăng xem đó là một “khoản học phí” để… học chứng khoán một cách tốt nhất (?!).
Xét về khía cạnh luật pháp, LS Nguyễn Văn Hậu cho rằng, vấn đề cũng đã quá rõ ràng, một khi giao dịch bất hợp pháp không thành, dù có chứng cứ đi chăng nữa, việc kiện tụng cũng khó đi đến một giải pháp có lợi cho NĐT.
Không cổ phần hóa, Bình Dân vẫn có hướng phát triển khác hiệu quả
Chiều qua 23-6, bác sĩ Nguyễn Chí Hùng, Giám đốc Bệnh viện Bình Dân (BVBD), đã khẳng định: Việc mua bán “quyền mua cổ phiếu” giữa các CB - CNV trong BV với nhau hoặc với các nhà đầu tư bên ngoài, hãy để các cá nhân tự thương lượng, thỏa thuận với nhau về mặt dân sự, vì ngay từ đầu, đơn vị đã khuyến cáo không nên mua bán.
Nếu các cá nhân không tự thỏa thuận được để hòa giải với nhau thì phải nhờ đến các cơ quan tư pháp, cơ quan cảnh sát điều tra. Nếu đến mức độ đó mà phía cơ quan tư pháp có đề nghị BV tham gia với tư cách đơn vị quản lý nhà nước để chứng nhận, xác nhận gì đó cho đương sự thì chúng tôi tham gia.
Ông cũng cho rằng, việc ngưng đề án không hề ảnh hưởng gì đến hoạt động chung của BV vì trong suốt quá trình xây dựng đề án, mọi hoạt động của BV vẫn diễn ra bình thường. Ban giám đốc sẽ có những hoạt động để động viên và ổn định tinh thần anh em. Đồng thời sẽ sớm có kế hoạch phát triển BV theo hướng khác, đảm bảo cũng hiệu quả không kém gì hướng cổ phần hóa.
Riêng về phía lãnh đạo công đoàn, bác sĩ Nguyễn Văn Thọ cho rằng, với từng trường hợp cụ thể, công đoàn sẽ gặp gỡ, tìm hiểu hoàn cảnh của CB - CNV để động viên họ trả lại tiền cho những người đã lỡ mua. Tuy nhiên, trả như thế nào và trả trong thời gian bao lâu thì không thể nói được, đó là chuyện do hai bên dàn xếp với nhau. Vì đa phần những người bán “quyền mua” là những người đang khó khăn nên khi bán được là họ dùng ngay số tiền đó, bây giờ người mua có đòi lại cũng khó có thể trả lại ngay.
SGGP
|