Thứ Bảy, 23/06/2007 11:10

Mất ngủ vì 'bể' kế hoạch cổ phần hóa bệnh viện Bình Dân

Ba tháng trước, phải vất vả lắm anh Hiếu, một cò OTC mới săn được 2.000 quyền mua cổ phiếu bệnh viện Bình Dân TP HCM. Nhưng mua xong mới vỡ lở ra là chưa có đề án, và quyền mua ấy đã trở thành giấy lộn khi cơ quan quản lý quyết định ngưng cổ phần hóa bệnh viện này.

Anh Hiếu cho hay, mỗi quyền mua vào thời điểm đầu tháng 4 anh mất hết 70.000 đồng, nhưng từ khi có thông tin cơ quan chức năng chưa duyệt đề án thì bán lại không ai mua. "Cứ hy vọng cổ phần hóa xong giá sẽ khác, không ngờ...", anh bỏ lửng câu nói.

Anh đang nghĩ cách thỏa thuận với bên mua, nhưng khổ nỗi khi mua anh chỉ ký giấy tay, lại không hề có điều khoản ràng buộc nào nên nếu người bán phủ nhận thì cũng không biết làm sao.

Chị Hoa, một nhà đầu tư khác cũng chết đứng khi đọc thông tin dừng cổ phần hóa bệnh viện Bình Dân. Chị cho biết, mình mới tham gia thị trường hồi tháng 2 và đã đổ tất cả tiền dành dụm của gia đình vào quyền mua những cổ phiếu còn nằm trên giấy của bệnh viện Bình Dân. "Nghe thông tin bên ngoài đồn thổi tôi quyết không tin, nhưng đến nước này thì không biết giải thích với gia đình ra sao", chị nói.

Trên các sàn chứng khoán như SSI, BSC, SBS, nhiều nhà đầu tư xầm xì bàn tán về việc dừng kế hoạch cổ phần bệnh viện và thở phào nhẹ nhõm khi đã đẩy "cổ phiếu" này đi trước khi thông tin chưa hoàn thành đề án loang ra.

Theo thông tin từ nhiều tay cò, muốn mua được những quyền này vào khoảng tháng 2, tháng cao điểm của chứng khoán, người mua phải có mối quan hệ cực kỳ thân quen với cán bộ bệnh viện, bởi khi bắt đầu có chủ trương cổ phần hóa, nhiều "sếp" ở đây đã gom phần lớn quyền mua của nhân viên. Chị Hương, một tay cò dày dạn kinh nghiệm, lúc trước cũng hỏi mua mà không được. "Trong cái rủi có cái may, nếu không bây giờ chỉ có nước bắc thang lên hỏi ông trời", chị nhận xét.

Chị Hương cho biết, nhiều người bạn chị đã lỡ mua được, giờ đang đau đầu tìm cách đòi lại tiền.

Bệnh viện Bình Dân không chịu trách nhiệm

Trao đổi với VnExpress, bác sĩ Nguyễn Chí Hùng, giám đốc bệnh viện thừa nhận, có chuyện bệnh viện xác định thâm niên cán bộ, tuy nhiên, ông khẳng định không cho phép nhân viên bán quyền mua ra ngoài. "Hành động cụ thể nhất là bệnh viện không chứng nhận thâm niên cho bất kỳ trường hợp nào", ông nói. "Mua bán quyền chính là mua cái không có, vậy nên bệnh viện sẽ không chịu trách nhiệm về bất kỳ trường hợp khiếu kiện nào", ông cho biết thêm. 

Luật sư Vũ Quốc Tuấn, công ty luật VCI cho hay, nếu trường hợp khiếu kiện trên xảy ra, thông thường, tòa sẽ xử theo dạng hợp đồng vô hiệu, tức tài sản của ai trả cho người đó. Nếu trong giấy cam kết mua có điều khoản hủy hợp đồng khi cơ quan chức năng không chấp thuận việc cho cổ phần hóa, thì sẽ có lợi cho bên mua. Nếu không, tòa sẽ căn cứ theo lời khai và nhận thức của người mua về rủi ro khi mua bán để phân xử.

Ông Huy Nam, chuyên gia chứng khoán nói rằng, ông đã nhiều lần lên tiếng trên các diễn đàn chứng khoán về tình trạng trên nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn bất chấp tất cả. "Không có gì đảm bảo khi hai bên chỉ mua bán dựa trên lời hứa. Đó là bài học kinh nghiệm cho những nhà đầu tư khi tham gia thị trường", ông nói.

Tháng 7/2004, Ủy ban nhân dân TP HCM chỉ đạo chuẩn bị xây dựng đề án thí điểm cổ phần hóa bệnh viện Bình Dân.

Ngày 5/9/2005 Văn phòng thủ tướng cho phép xây dựng đề án thí điểm cổ phần hóa Bình Dân.

17/5/2007, Phó trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung Ương Phạm Viết Muôn, cho hay, việc cổ phần hoá bệnh viện Bình Dân chỉ mới trong phạm vi xây dựng đề án thí điểm.

Trước nhiều luồng thông tin phản đối cổ phần hóa bệnh viện, sáng 21/6, lãnh đạo TP HCM đã trình văn bản xin ý kiến Thủ tướng cho ngưng thực hiện thí điểm cổ phần hóa bệnh viện Bình Dân và nghiên cứu chọn một cơ sở khác có quy mô phù hợp hơn.

Bệnh viện Bình Dân chính thức hoạt động từ năm 1954 và hiện là bậnh viện đầu ngành về thận, niệu và nam khoa. Ngoài chính sách mua ưu đãi ban đầu, mỗi cán bộ công nhân viên sẽ được mua thêm 100 cổ phần cho mỗi năm làm việc với giá đấu bình quân bằng giá bán ra bên ngoài. Tổng cộng là 880.400 cổ phần, tổng mệnh giá 8.804.000.000 đồng. 

VNE

Các tin tức khác

>   Vinacafé Biên Hòa nâng mức chia cổ tức lên 32,5% (23/06/2007)

>   Khởi động dự án trung tâm thương mại khổng lồ (23/06/2007)

>   Phê duyệt Điều lệ TCT thép (23/06/2007)

>   Đấu giá lần 2 cổ phiếu của Cty Tư vấn Xây dựng điện 1 (23/06/2007)

>   Đấu giá Công ty Du lịch Hương Giang (23/06/2007)

>   Cty cổ phần thủy sản Bến Tre: Những bước tiến vượt bậc (23/06/2007)

>   Cổ phần hoá vẫn chậm (22/06/2007)

>   Gần 60 doanh nghiệp nhà nước sắp phát hành cổ phiếu lần đầu (22/06/2007)

>   Vinaconex chuyển thành tổng công ty cổ phần (22/06/2007)

>   Xây nhà máy thép 500.000 tấn/năm tại KCN Vũng Áng (22/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật