Xuất khẩu nhờ CEPT: Nhiều doanh nghiệp chưa biết nắm cơ hội
CEPT/AFTA là chương trình ưu đãi về thuế quan dành cho hàng hóa của các nước trong khu vực Đông Nam Á là thành viên của ASEAN. Với ưu đãi này, doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội cạnh tranh với hàng hóa của các thành viên khác tại một thị trường nào đó trong khối. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng biết và tận dụng ưu đãi này.
Hiệp định Ưu đãi thuế quan chung CEPT là bước đi ban đầu cho kế hoạch thiết lập khu tự do mậu dịch thuế quan trong ASEAN AFTA. Giảm thuế xuống mức thấp nhất là mục tiêu của chương trình CEPT ở mức tối thiểu từ 0-5%. CEPT đã được hoàn tất chương trình cắt giảm thuế quan hồi năm ngoái đối với các thành viên bao gồm cũ và mới. Việt Nam cũng đã cắt giảm thuế đối với hàng hóa của các nước thành viên ASEAN từ năm ngoái.
Bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu vì không rõ
Cách đây hai năm, Công ty Kính nổi Việt Nam đã bị Philippines từ chối cho hưởng ưu đãi thuế theo chương trình CEPT mặc dù sản phẩm xuất khẩu của công ty này đủ tiêu chuẩn theo qui định của Hiệp định CEPT.
Phía Philippines yêu cầu công ty phải có xác nhận của lãnh sự Philippines tại Việt Nam trên giấy chứng nhận mẫu D đối với sản phẩm kính nổi nếu muốn được ưu đãi thuế theo chương CEPT. Vì không đáp ứng yêu cầu này nên Công ty Kính nổi Việt Nam bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu sản phẩm ngay lúc đó. Để được ưu đãi công ty đi xin xác nhận của Tổng lãnh sự Philippines tại Việt Nam. Bộ hồ sơ của công ty chuyển lên Bộ Thương mại Việt Nam để hợp thức hóa thủ tục hưởng ưu đãi thuế.
Khi tiếp nhận hồ sơ, Bộ Thương mại phát hiện yêu cầu của Philippines bất hợp lý bởi lẽ hiệp định không qui định xác nhận lãnh sự đối với mẫu chữ ký và con dấu của lãnh đạo công ty. Ngay sau đó, Bộ Thương mại yêu cầu phía Philippines bỏ qui định này và đồng ý cho Công ty Kính nổi Việt Nam được hưởng ưu đãi CEPT.
Trên đây là một trong những trường hợp doanh nghiệp Việt Nam không biết quyền lợi của mình khi yêu cầu hưởng ưu đãi thuế theo chương trình CEPT. Bà Nguyễn Thị Hồng Thủy, Phó phòng ASEAN thuộc Vụ Chính sách thương mại Đa Biên (Bộ Thương mại) cho biết, CEPT là ưu đãi chung cho các doanh nghiệp thuộc khối ASEAN không có sự phân biệt giữa thành viên mới hay cũ, phát triển hay đang phát triển.
Kể từ khi hiệp định về CEPT có hiệu lực áp dụng, nhiều doanh nghiệp trong khối hưởng lợi rất nhiều về thuế quan. Các doanh nghiệp và Chính phủ các nước thành viên luôn yêu cầu để được ưu đãi thuế theo CEPT cho hàng hóa của nước mình khi xuất vào quốc gia thành viên khác.
Bà Thủy cho biết, nhiều doanh nghiệp trong ASEAN biết rất rõ quyền hạn của mình được qui định trong hiệp định, trong khi không có nhiều doanh nghiệp Việt Nam biết và tận dụng chương trình này.
Theo số liệu của Bộ Thương mại, năm 2004 các phòng quản lý xuất nhập khẩu khu vực cấp khoảng 5.217 bộ hồ sơ cấp C/O form D (loại chứng chỉ nguồn gốc ASEAN để được hưởng ưu đãi CEPT), với tổng giá trị 133 triệu USD. Năm 2005 số lượng C/O có tăng hơn 7.922 bộ, tức tăng 151% so với năm 2004, đạt giá trị trên 209 triệu USD, tăng gần 158% về giá trị số với năm 2004. Số lượng năm 2006 có khá hơn với 11.381 bộ hồ sơ trị giá trên 312 triệu USD.
Mặc dù số lượng số C/O form cấp cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gia tăng nhưng số trường hợp hưởng ưu đãi thuế còn rất thấp. Theo bà Thủy, tỷ lệ hàng hóa Việt Nam xuất sang thị trường ASEAN hưởng ưu đãi CEPT chỉ đạt khoảng 8%. Con số này đã tăng hơn so với mấy năm trước chỉ đạt bằng một nửa hiện nay, tức khoảng 5%.
Theo phân tích của Bộ Thương mại, ngoài chuyện thủ tục cấp C/O form D khó khăn là nguyên nhân dẫn đến số trường hợp doanh nghiệp hưởng ưu đãi CEPT thấp còn có nguyên nhân là doanh nghiệp không biết cơ hội này.
Bất lợi của hàng hoá, sức cạnh tranh kém
Sự bất lợi của hàng hóa Việt Nam sẽ rất lớn khi vào khu vực ASEAN mà không hưởng ưu đãi CEPT. Bởi thuế suất CEPT và MFN, thuế suất dành chung cho hàng hóa nhập khẩu bình thường, chênh lệch rất lớn.
Ông Hồ Quang Trung, Phó vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu, nói rằng chênh lệch giữa hai biểu thuế gấp ba, bốn lần. Tất nhiên để được hưởng ưu đãi thuế CEPT, doanh nghiệp phải đạt được một số điều kiện nhất định, chủ yếu là hàm lượng giá trị sản xuất tại Việt Nam của sản phẩm phải tối thiểu 40%.
Ngoài chuyện cạnh tranh kém hơn so với đối thủ khác, doanh nghiệp Việt Nam còn mất những cơ hội làm ăn với những đối tác bản địa khi thiếu hiểu biết quyền lợi của mình trong ASEAN, nhất là khi nước sở tại luôn tìm cách hạn chế những ưu đãi cho hàng nhập khẩu vô tình hoặc cố ý với mục đích bảo vệ hàng hóa trong nước.
Hồi đầu năm, Philippines đã phải thay đổi chính sách thuế đối với sản phẩm hóa chất của Việt Nam, cụ thể là sodium tripolyphosphates (viết tắt là STPP, mã HS: 2835 3100) dùng để sản xuất bột giặt và chất tẩy rửa. Để hạn chế hàng hóa của Việt Nam, Philippines đã đưa ra biện pháp tự vệ. Đây là biện pháp được phép trong ASEAN nhằm bảo hộ doanh nghiệp nội địa.
Để tránh những trường hợp khó khăn, bà Thủy kêu gọi doanh nghiệp nên chủ động liên hệ với Bộ Thương mại để được hỗ trợ, đòi lại quyền lợi cho doanh nghiệp khi các thành viên trong khối cố tình hạn chế hàng hóa của nước khác. Nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm và chủ động khiếu nại khi gặp rắc rối về chương trình ưu đãi CEPT.
Bên cạnh chương trình CEPT dành cho các thành viên ASEAN, các doanh nghiệp cũng nên biết và tận dụng chương trình ưu đãi thuế của ASEAN-Trung Quốc, hoặc ASEAN-Hàn Quốc đã bắt đầu có hiệu lực.
TBKTVN
|