Thứ Ba, 26/06/2007 06:55

Xuất khẩu nông - lâm - thủy sản thời hội nhập

Bài 2: “Gót Achilles” của người “khổng lồ”

Bất cứ sự phát triển mạnh mẽ của một ngành nào cũng dẫn đến những vấn đề về môi trường, dịch bệnh, thị trường. Đó chính là “gót Achilles”của “cường quốc” xuất khẩu nông sản VN. Mặt trái câu chuyện thần kỳ bộc lộ những hạn chế, cần phải được đánh giá đúng để định hướng phát triển phù hợp từng mặt hàng trong bối cảnh VN là thành viên của WTO.

Thiếu và thừa nguyên liệu chế biến

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa kiến nghị Chính phủ về việc nhập khẩu nguyên liệu về chế biến, nhất là mặt hàng tôm, do các nhà máy (NM) chỉ hoạt động 30%-50% công suất. Đây là hậu quả của sự phát triển chưa đồng bộ giữa tốc độ xây dựng các NM với khả năng mở rộng vùng nguyên liệu. Với mặt hàng cá tra, ba sa lại diễn ra theo chiều hướng thiếu và thừa. Giá cao, mọi người đổ xô, đào ao mở rộng diện tích nuôi, nhưng do vượt quá khả năng chế biến của NM, làm giá giảm mạnh, người nuôi thua lỗ, cùng nhau ngưng nuôi, và sau đó diễn biến ngược lại, thiếu nguyên liệu, giá tăng cao... Tình hình này diễn ra không dưới 2 lần trong năm 2006. Đó là biểu hiện của sự phát triển chưa bền vững, sự chưa tương đồng giữa mối quan hệ sản xuất tiểu nông, manh mún, phân tán với lực lượng sản xuất hàng hóa quy mô ngày càng lớn, đang phát triển của các NM.

Trở lại câu chuyện xuất khẩu đồ gỗ, 80% gỗ nguyên liệu chế biến phải nhập khẩu từ nhiều nước, năm 2006, các DN phải nhập 760 triệu USD trong số 1,93 tỷ USD xuất khẩu sản phẩm. Vì vậy, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công nghiệp Đặng Xuân Khu nhận xét, thực chất đây là ngành chế biến gia công.

Hiện nay, nguồn nhập khẩu diễn biến bất lợi, nguồn cung cấp từ Lào, Campuchia cạn kiệt dần, giá gỗ nguyên liệu tại Malaysia (thị trường nhập khẩu gỗ nhiều nhất của VN) tăng mạnh, Nga tăng thuế xuất khẩu gỗ nguyên liệu, giá xăng dầu tăng làm tăng cước phí vận chuyển... Năm 2006 giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tùy loại tăng 40%-100%. Việc nhập khẩu gỗ vẫn phân tán, tự phát, chưa có thỏa thuận dài hạn cấp Chính phủ với các nước cung cấp gỗ nguyên liệu như Trung Quốc… Vì vậy, DN càng xuất khẩu nhiều đồ gỗ càng bị động và gặp khó khăn về nguồn cung.

Báo động chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm

Điều lo ngại nhất hiện nay chính là an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Vì không kiểm soát được vấn đề dư lượng Chloramphenicol trên con mực mà ngành thủy sản VN mất thị trường Nhật Bản, mặt hàng tôm sú vào thị trường này cũng giảm mạnh so với cùng kỳ 2006, do bị kiểm tra 100%. Do chất lượng philê cá da trơn không đảm bảo, nên mất hẳn thị trường Canada. Ngay cả Nga, nước có tốc độ nhập khẩu cá da trơn VN tăng mạnh nhất năm 2006 cũng đang tổ chức đoàn kiểm tra.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực VASEP, nghiên cứu của trường đại học Đức về hàm lượng nước và đạm trong phi lê các loại cá, thì chất lượng các mẫu cá da trơn VN là kém nhất, lượng nước lên đến 82,3% (quá cao) và hàm lượng đạm chỉ còn 13,8% (quá thấp) so với các loại cá da trơn khác trên thế giới. Có nhiều dấu hiệu nước đã được đưa vào phi lê cá. Kiểu làm ăn chụp giật của một số nhà kinh doanh làm giảm uy tín và hình ảnh cá da trơn VN trên thế giới.

Trở về từ Mỹ, quyền Chủ tịch Hiệp hội Cây điều VN (VINACAS) Nguyễn Đức Thanh lo ngại, Hiệp hội Công nghiệp Thực phẩm Mỹ (AFI) đưa ra bộ tiêu chuẩn mới, rất khắt khe sẽ áp dụng thời gian tới, đặc biệt nhấn mạnh về ATVSTP. Mỹ tiêu thụ 60% điều nhân thế giới, VN xuất khẩu chủ yếu sang Mỹ, nếu Mỹ áp dụng thì các nước EU cũng sẽ thực hiện theo. Cũng vì chất lượng không ổn định nên hầu hết các mặt hàng nông sản VN xuất khẩu đều bán với giá thấp hơn các nước, như hồ tiêu mức chênh lệch vài trăm USD/ tấn, điều nhân, gạo, cà phê phải chịu bán thấp hơn vài chục USD/ tấn.

Ô nhiễm môi trường, dịch bệnh

Nhiều quốc gia xuất khẩu cà phê “ca cẩm”, VN là nguyên nhân gây ra khủng hoảng thừa cà phê Robusta và yêu cầu VN giảm diện tích trồng, nguyên nhân là do giá cao, bà con thi nhau phá rừng trồng cà phê, chỉ thời gian ngắn diện tích cà phê VN trên 500.000 ha, đứng sau Brazil… Do trồng cà phê vô tội vạ, bất chấp điều kiện thổ nhưỡng, hậu quả là mùa khô thiếu nước tưới, cộng với giá thấp, bà con bỏ mặc cây cà phê chết, diện tích giảm nhanh. 1, 2 năm nay giá cà phê bắt đầu phục hồi, chúng ta lại không có nhiều cà phê để bán.

Điều này cũng xảy ra với hồ tiêu. Phá rừng, lấy cây làm trụ trồng tiêu, nhưng khi giá thấp, bà con ngưng chăm sóc, cây bị suy yếu, dịch bệnh xâm nhập làm hồ tiêu chết rũ hàng loạt và lan rộng, năng suất giảm mạnh, nên khi giá hồ tiêu tăng cao trở lại, bà con mới chịu chăm sóc, nhưng đã trễ. Tiến sĩ Nguyễn Thơ (Hội Bảo vệ thực vật VN) cảnh báo, hồ tiêu chỉ có thể cho năng suất ổn định và hạn chế dịch bệnh khi được chăm sóc theo định kỳ.

Trong khi đó, diện tích cá tra, ba sa mở rộng, cùng với việc đua nhau xây dựng NM chế biến mà không chú ý đến việc xử lý nước thải, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Tại hội nghị thương mại và công nghệ cá da trơn toàn cầu ở TPHCM, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng cảnh báo, cùng với chất lượng, nhà nhập khẩu bắt đầu đặt vấn đề phải đảm bảo về vùng nuôi, không để ảnh hưởng đến môi trường.

SGGP

Các tin tức khác

>   Chuyển chủ đầu tư 47 dự án hạ tầng (26/06/2007)

>   Cty Vitecfood: Cạnh tranh không lành mạnh để... thanh minh (26/06/2007)

>   Đà Nẵng: Hoàng Anh Gia Lai đầu tư thêm 180 triệu USD (25/06/2007)

>   Nga mở rộng lệnh cấm nhập thủy sản từ châu Á (25/06/2007)

>   DN Mỹ dẫn đầu làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam (25/06/2007)

>   Giải pháp chính vẫn là cắt điện (25/06/2007)

>   DN Pháp tìm hiểu môi truờng đầu tư tại Việt Nam (25/06/2007)

>   VN qua lăng kính của nhà tư vấn doanh nghiệp Đức (25/06/2007)

>   Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng mạnh (25/06/2007)

>   Cần Thơ kêu gọi vốn đầu tư vào 41 dự án (25/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật