Thứ Hai, 25/06/2007 23:17

DN Mỹ dẫn đầu làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam

Đây là nhận định của ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sau chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.

Ông Lộc cho biết, đoàn DN tháp tùng Chủ tịch nước thăm Mỹ khá đông đảo với 150 DN. Điều này đã là một thông điệp nói lên mong muốn của Việt Nam trong việc tăng cường quan hệ kinh tế với Mỹ. Chuyến đi được hy vọng góp phần thúc đẩy làn sóng đầu tư Mỹ vào Việt Nam. Chính vì vậy, trong chương trình, đoàn Việt Nam đã dành một phần rất lớn thời gian làm việc với các tập đoàn, CEO hàng đầu của Mỹ cũng là hàng đầu của nền kinh tế thế giới.

"Gần đây, chúng ta nghe nói rất nhiều về làn sóng đầu tư mới ở Việt Nam sau khi gia nhập WTO. Đó là làn sóng đầu tư của các tập đoàn hàng đầu thế giới về tài chính và công nghệ cao vào Việt Nam. Tôi luôn tin rằng với tiềm lực về vốn, công nghê, thị trường... các nhà đầu tư Mỹ sẽ đi tiên phong trong làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam trong thời gian tới. Và họ sẽ sớm trở thành nhà đầu tư số một tại Việt Nam," ông Lộc nhận định.

- Ông có cảm nhận thế nào về những hợp đồng mà DN hai bên đã ký kết trong chuyến đi của Chủ tịch nước vừa qua?

- Trong chuyến đi của Chủ tịch nước, chúng ta nhận thấy, các DN Mỹ rất quan tâm đầu tư vào Việt Nam bằng những dự án lớn trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Kết quả mà hai bên đạt được qua chuyến đi của Chủ tịch nước là một loạt thỏa thuận quan trọng đã được ký kết với trị giá khoảng 11 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục mang nhiều ý nghĩa.

Các hợp đồng được ký kết nhằm thực hiện các dự án lớn đầu tư vào cơ sở hạ tầng như: cảng biển, nhà máy điện, các khu công nghiệp, khu đô thị. Các dự án phát triển thị trường tài chính và thể chế tài chính ở Việt Nam. Các dự án công nghệ cao trong lĩnh vực CNTT và viễn thông, các hợp đồng xuất nhập khẩu và cả dự án trong lĩnh vực giáo dục và đào đạo mà cụ thể là thỏa thuận về liên doanh thành lập trường đại học kỹ thuật ở Việt Nam.

Như vậy, cùng với số lượng hợp đồng kỷ lục thì chất lượng các dự án cũng tăng lên. Chúng ta đều biết, các lĩnh vực về  phát triển hạ tầng, công nghệ cao, giáo dục... là lĩnh vực Mỹ có trình độ hàng đầu thế giới, trong khi đó, Việt Nam rất cần phát triển mạnh các lĩnh vực này để đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước. Những thỏa thuận đã được ký kết đều trên cơ sở phát huy thế mạnh và nhu cầu của mỗi bên.

Dòng vốn đầu tư của Mỹ đổ vào Việt Nam thông qua những thỏa thuận đã được ký kết thể hiện qua nhiều hình thức đầu tư trực tiếp 100% vốn hay liên doanh; đầu tư gián tiếp thông qua việc DN Mỹ mua cổ phần các DN Việt Nam và trở thành đối tác chiến lược cho DN Việt Nam và cả dưới hình thức Mỹ cung cấp tín dụng cho nhập khẩu để phục vụ các dự án đầu tư của DN Việt Nam.

Bên cạnh những dự án được ký kết trong dịp này, các DN hai bên còn bàn bạc nhiều dự án khác và hy vọng trong thời gian tới nhiều dự án mới sẽ được ký kết. Như vậy kết quả chuyến đi không chỉ dừng lại ở những hợp đồng đã ký kết mà còn những dự án hai bên tiếp tục trao đổi trong thời gian tới.

- Trong các dự án được ký kết, đâu là những dự án mang lại cho ông nhiều ấn tượng nhất?

- Tất cả các dự án và thỏa thuận hợp tác mà hai bên đạt được đều quan trọng và có ý nghĩa và mang lại những ấn tượng khác nhau trên nhiều góc độ.

Ví dụ, các dự án đầu tư lớn về hạ tầng như cảng biển, điện có số vốn rất lớn và rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Nhưng có những thỏa thuận quy mô nhỏ như thỏa thuận giữa thị trường chứng khoán Việt Nam với Mỹ hay việc cơ quan Chính phủ và DN sử dụng bản quyền của Microsoft có giá trị chỉ mấy chục triệu USD nhưng có ý nghĩa lớn, thể hiện các DN Việt Nam đã dần theo hướng chuyên nghiệp hóa, tôn trọng bản quyền và thực hiện bảo vệ sở hữu trí tuệ theo cam kết WTO, mở đường cho nguồn vốn đầu tư công nghệ cao vào Việt Nam. Bởi vì việc đầu tư công nghệ cao bao giờ cũng gắn với bảo vệ bản quyền rất chặt chẽ.

Hay dự án liên danh xây dựng trường đại học chỉ 30 triệu USD không phải là lớn trong tổng số 11 tỷ USD nhưng nó là dự án tiên phong hợp tác Việt - Mỹ trong việc xây dựng các trường đại học ở Việt Nam. Chúng ta mong muốn hợp tác với Mỹ trong việc xây dựng và phát triển các trường đại học đẳng cấp quốc tế ở Việt Nam. Vì vậy, ngoài các cơ quan Chính phủ thì các DN Việt Nam cũng đang tiếp cận chặt chẽ với các đối tác Mỹ để hợp tác về vấn đề này. Đây là lĩnh vực có triển vọng của DN Việt Nam và Mỹ.

Như vậy, các thỏa thuận hợp đồng tương đối toàn diện, trong nhiều lĩnh vực, có những dự án ấn tượng lớn vì số vốn hàng tỷ USD nhưng có những dự án quy mô nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, mở đầu cho việc hợp tác Mỹ - Việt Nam trên những lĩnh vực mới.

- Trong chuyến đi này, phía Việt Nam có những đề xuất gì về vấn đề giám sát dệt may đang gây trở ngại cho DN Việt Nam?

- Sau khi gia nhập WTO hiện vẫn còn những rào cản hai bên, trước hết là hàng rào kỹ thuật như giám sát dệt may Việt Nam. Trong chuyến đi này, tại các buổi tiếp xúc với đối tác, việc chúng ta đều có những đề xuất nhằm dỡ bỏ những rào cản đó để đẩy mạnh xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ và tăng cường nhập khẩu hàng kỹ thuật cao mỹ sang Việt Nam. Trong quá trình làm việc Hiệp hội các Nhà nhập khẩu Mỹ cũng khẳng định rằng việc Mỹ áp dụng cơ chế giám sát đối với dệt may Việt Nam là vi phạm nguyên tắc WTO và không công bằng.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với các nhà nhập khẩu Mỹ và các cơ quan Chính phủ để yêu cầu hủy bỏ những biện pháp kiểm soát này. Chúng ta có cơ sở để khẳng định xuất khẩu dệt may Việt Nam không có ảnh hưởng gì đến dệt may Mỹ.

Những vấn đề như trên có thể sẽ tiếp tục xuất hiện qua các vụ kiện thương mại như bán phá giá. Vì vậy, DN Việt Nam không chỉ phối hợp với cộng đồng DN trong nước mà còn cần phối hợp với cả bạn hàng Mỹ trong việc tạo ra tiếng nói đồng thuận để dỡ bỏ các rào cản trong quan hệ kinh tế.

- Để tạo lập những mối quan hệ giữa cộng đồng hai nước, phía Việt Nam và các đối tác phía Mỹ đã đạt được những thỏa thuận nào để trợ giúp DN hai nước khi trong quan hệ đầu tư và thương mại đang bước vào thời kỳ bùng nổ?

- Trong chuyến đi này,  VCCI và Phòng Thương mại Mỹ đã đạt được thỏa thuận về thành lập diễn đàn DN Việt - Mỹ. Đây là cơ chế hoạt động thường xuyên của cộng đồng DN hai bên để trao đổi thông tin thương mại, đầu tư và chính sách khuôn khổ đầu tư - thương mại để kiến nghị với hai chính phủ; đồng thời là cơ chế xúc tiến thương mại đầu tư liên kết DN hai nước. Diễn đàn sẽ sớm được thành lập để thực hiện nhiệm vụ kết nối DN hai nền kinh tế Việt - Mỹ.

Đặc biệt, trong chuyến đi này, tiếp theo Hiệp định thương mại Việt - Mỹ (BTA) hai chính phủ cũng đã ký Hiệp định khung về thương mại và đầu tư. Đây là bước phát triển cao hơn của BTA và bước tiếp nối để tiến tới Hiệp định Thương mại tự do Việt - Mỹ trong thời gian tới. Hai chính phủ cũng đã thành lập hội đồng tư vấn đầu tư kinh doanh có cơ chế để thường xuyên tiếp xúc với các cơ quan chính phủ. Đây là những khuôn khổ bước đầu thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt - Mỹ phát triển cao hơn.

- Cùng với kết quả và triển vọng đầu tư tốt đẹp qua chuyến đi Mỹ của Chủ tịch nước, Việt Nam đang nhận được sự quan tâm đầu tư của nhiều nhà đầu tư trên thế giới. Vậy chúng ta phải làm gì để tận dụng được cơ hội của làn sóng đầu tư mới?

- Chúng ta thừa nhận rằng, môi trường đầu tư Việt Nam sau khi gia nhập WTO đã có những thay đổi quan trọng nhưng chúng ta vẫn chịu sự cạnh tranh rất gay gắt của các nền kinh tế khác đang tích cực cải thiện môi trường đầu tư như  Trung Quốc, Ấn Độ, các nước ASEAN. Trước mỗi quyết định đầu tư của các DN nước ngoài như dự án của Intel bao giờ họ cũng đặt Việt Nam trong một sự so sánh với tương quan với các nước khác. Việt Nam đang là tâm điểm của chú ý và đang nằm trong tầm ngắm của các tập đoàn lớn. Chính vì vậy chúng ta cần phải gia tốc hơn nữa để tranh thủ cơ hội này. Qua chuyến đi vừa rồi cho thấy, những lĩnh vực chúng ta cần kêu gọi đầu tư như giao thông - năng lượng thì các nhà đầu tư Mỹ rất quan tâm. Việc có các công ty Mỹ hăng hái đầu tư vào lĩnh vực này thì là điều chúng ta nên tranh thủ.

Hiện nay, không chỉ Mỹ mà các nhà đầu tư khác cũng quan tâm đến Việt Nam. Trong chuyến đi của lãnh đạo cấp cao Việt Nam sang Trung Quốc vừa qua, các hợp đồng ký kết đã có trị giá lên tới 2,6 tỷ USD; Hàn Quốc là 4 tỷ USD. Các nền kinh tế đang gia tăng đầu tư vào VN, để đáp ứng các dòng đầu tư đó thì chúng ta cúng phải nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính.

Tôi nghĩ với bộ máy mới Chính phủ mới, môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, với những biện pháp quyết liệt trong cải cách hành chính của Thủ tướng thì chắc chắn đầu tư Mỹ và các nước vào Việt Nam sẽ tăng lên. Tuy nhiên, yêu cầu quan trọng vẫn là gia tăng tốc độ làm việc của các cơ quan chính phủ và DN khi thời cơ đang mở ra. Dòng vốn đang đổ vào Việt Nam nhiều thì sự lựa chọn của chúng ta càng có cơ sở để gia tăng về số lượng và chất lượng đầu tư.

VNN

Các tin tức khác

>   Giải pháp chính vẫn là cắt điện (25/06/2007)

>   DN Pháp tìm hiểu môi truờng đầu tư tại Việt Nam (25/06/2007)

>   VN qua lăng kính của nhà tư vấn doanh nghiệp Đức (25/06/2007)

>   Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng mạnh (25/06/2007)

>   Cần Thơ kêu gọi vốn đầu tư vào 41 dự án (25/06/2007)

>   Sản xuất và tiêu thụ trên 7 triệu tấn xi măng (25/06/2007)

>   Móng Cái có thêm một trung tâm thương mại hiện đại (25/06/2007)

>   Giá cao su thiên nhiên xuất khẩu sẽ tăng cao (25/06/2007)

>   Vì sao UBND tỉnh Ninh Bình cản trở một dự án ODA lớn? (25/06/2007)

>   Pakistan có thể nhập khẩu gạo Việt Nam (25/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật