Thứ Ba, 26/06/2007 06:57

Dự thảo chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu đến năm 2010: Còn nhiều lúng túng!

Chiều 25-6, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng đã chủ trì cuộc họp với đại diện của 26 sở, ngành, các tổng công ty về việc đóng góp ý kiến dự thảo chương trình “Chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu trên địa bàn TP giai đoạn 2007 - 2010, tầm nhìn đến 2020” do Sở Thương mại soạn thảo. Đây là một chương trình cực kỳ quan trọng, sẽ là nền tảng tăng trưởng xuất khẩu bền vững và góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu chung của TP trong giai đoạn hậu WTO.

3 nhóm hàng chủ lực

Theo ông Phạm Hoàng Hà, Giám đốc Sở Thương mại, Trưởng ban điều phối thực hiện chương trình, quan điểm và mục đích của dự thảo là chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng chú trọng phát triển những sản phẩm giá trị gia tăng, sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, đẩy mạnh các phương thức kinh doanh dịch vụ xuất khẩu nhằm đảm bảo mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân 15%/năm (không kể dầu thô). Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân các mặt hàng xuất khẩu đến năm 2010 khoảng 30%-35%/năm. Riêng giá trị gia tăng nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng trung bình 40%/năm.

Để đạt được mục tiêu trên, dự thảo đã định hướng cơ cấu các nhóm hàng xuất khẩu chia làm 3 nhóm chính gồm nhóm hàng sản phẩm công nghiệp và thủ công mỹ nghệ; nhóm hàng nông – lâm – thủy hải sản và nhóm hàng hóa khác.

Theo tính toán, đến năm 2010, nhóm thứ nhất sẽ chiếm tỷ trọng xuất khẩu khoảng 61,1%, trong đó dệt may (chiếm tỷ trọng 30,8%), giày dép (12,6%). Ở mặt hàng đồ gỗ sẽ có những bước tăng trưởng đột phá nhờ vào hướng phát triển sản phẩm cao cấp, có giá trị gia tăng cao. Dự kiến năm 2010, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của đồ gỗ đạt khoảng 23,3%, chiếm 5% kim ngạch xuất khẩu của TP. Trong nhóm 1 còn có các sản phẩm công nghệ cao (vi điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông, công nghệ sinh học, cơ khí chính xác, vật liệu mới, công nghệ nano), sẽ chiếm tỷ trọng khoảng 4,3% vào năm 2010 và nhóm sản phẩm và dịch vụ phần mềm xuất khẩu của TP chiếm 0,2%.

Trong nhóm 2, hàng nông - lâm – thủy hải sản, tỷ trọng đóng góp trong tổng kim ngạch xuất khẩu có xu hướng giảm dần từ 23% năm 2006 xuống còn 17% vào năm 2010 do hạn chế về nguyên liệu, kim ngạch tăng chủ yếu dựa vào gia tăng hàm lượng chế biến để nâng cao giá trị xuất khẩu. Nhóm thứ 3 sẽ chiếm tỷ trọng 19% kim ngạch xuất khẩu, bao gồm các sản phẩm công nghiệp đóng tàu, thép và các sản phẩm từ gang thép, máy biến thế và động cơ điện, giấy bìa, hóa mỹ phẩm…

Còn nhiều khiếm khuyết

Ông Trương Trọng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP, nhận định, dự thảo đã có sự đầu tư nhất định, nhưng bên cạnh đó cũng bộ lộ khá nhiều khiếm khuyết. Thứ nhất, dự thảo thiếu hẳn phần đánh giá, phân tích về tình hình xuất khẩu chung của TP. Theo đó, phần nhận diện thị trường gần như không thấy xuất hiện trong dự thảo, trong khi thị trường xuất khẩu đóng vai trò sống còn cho việc xuất khẩu hàng hóa. Đây là điều kiện cần và đủ để chúng ta lựa chọn các sản phẩm có thế mạnh cho những năm tiếp theo. Phần sắp xếp, phân chia trình tự các nhóm hàng chưa logic… “Theo tôi, sẽ là không đầy đủ nếu như chúng ta không đưa nhóm hàng thực phẩm chế biến vào dự thảo. Đây chính là những sản phẩm đang có thế mạnh của chúng ta trong những năm tới” – ông Nghĩa nhấn mạnh.

Cùng quan điểm trên, ông Huỳnh Văn Minh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, cũng cho rằng, dự án còn nhiều điểm chung chung. Khi DN xuất khẩu hàng hóa, họ thường trải qua 3 giai đoạn. Thứ nhất, xác định nguyên liệu đầu vào ở đâu, từ đó DN đầu tư để có nguồn nguyên liệu tốt nhất. Hai, việc sản xuất mặt hàng đó ở đâu để có thể đạt được giá trị gia tăng cao nhất. Cuối cùng, đầu ra sản phẩm là ở đâu, xuất khẩu hay tiêu thụ nội địa. Theo ông Minh, dự án cần phải sửa đổi và cơ cấu lại theo hướng nêu trên cho phù hợp với thực tiễn của các DN. Việc sắp xếp lại các nhóm giải pháp thực hiện để có sự nhất quán, tránh việc trùng lắp trong quy hoạch đầu tư cũng cần phải được tính toán một cách cụ thể. Có như vậy thì các DN mới yên tâm đầu tư để nâng cao năng lực xuất khẩu.

Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển Sản xuất thương mại Sài Gòn, cũng đã chỉ ra rằng, không dưới 2 lần, dự thảo đã nhắc đến việc gia tăng tỷ lệ hàng xuất FOB cho mặt hàng dệt may, trong khi chúng ta đang xây dựng một số dự án phát triển dịch vụ logistics trọn gói cho hàng hóa xuất khẩu của TP? Liệu mục tiêu mà dự thảo đặt ra có đi ngược lại với mong muốn của TP là cần phải đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa theo dạng CIF? Các số liệu cần có sự chính xác và thống nhất giữa các sở, ngành, DN thì mới đánh giá đúng thực chất phát triển của các ngành hàng.

Một trong những vấn đề không kém phần quan trọng, được nhiều đại biểu quan tâm là cần phải có chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực một cách bài bản bởi mọi thành công đều xuất phát từ con người. Theo đó, chủ thể thực hiện dự án chính là DN nên ngoài việc tham khảo ý kiến của các sở, ngành và hiệp hội thì chủ dự án cần phải lấy thêm ý kiến đóng góp của các DN.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng:

Phải xã hội hóa dự thảo

Đây là một dự án quan trọng, góp phần vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của TP trong giai đoạn 2007 - 2010 nên những ý kiến đóng góp của các sở, ngành, DN cho dự thảo là hết sức xác đáng. Sở Thương mại nên ghi nhận tất cả ý kiến này để bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo, trình Thường trực UBND TP trong thời gian sớm nhất. Kim ngạch xuất khẩu của TP hiện nay chủ yếu là dựa vào các DN trung ương do vậy, dự thảo cần bổ sung các kiến nghị đối với Chính phủ, các bộ ngành trong việc đầu tư, hỗ trợ các DN nâng cao năng lực xuất khẩu.

Để dự thảo mang tính khả thi, thì cần phải xã hội hóa cao, cần kêu gọi, khuyến khích huy động mọi nguồn lực kinh tế đóng góp ý kiến cho dự thảo. Cần nhớ, dự thảo có thành công hay không ngoài chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý thì các DN mới chính là chủ thể thực hiện dự thảo này. Đây cũng là cách để chúng ta kêu gọi dự án đầu tư, đóng góp của các thành phần kinh tế trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội.

SGGP

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu nông - lâm - thủy sản thời hội nhập (26/06/2007)

>   Chuyển chủ đầu tư 47 dự án hạ tầng (26/06/2007)

>   Cty Vitecfood: Cạnh tranh không lành mạnh để... thanh minh (26/06/2007)

>   Đà Nẵng: Hoàng Anh Gia Lai đầu tư thêm 180 triệu USD (25/06/2007)

>   Nga mở rộng lệnh cấm nhập thủy sản từ châu Á (25/06/2007)

>   DN Mỹ dẫn đầu làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam (25/06/2007)

>   Giải pháp chính vẫn là cắt điện (25/06/2007)

>   DN Pháp tìm hiểu môi truờng đầu tư tại Việt Nam (25/06/2007)

>   VN qua lăng kính của nhà tư vấn doanh nghiệp Đức (25/06/2007)

>   Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng mạnh (25/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật