Thứ Bảy, 16/06/2007 11:40

Vốn vào càng nhiều, quản lý càng khó

Ủy ban Chứng khoán đang định hướng một số biện pháp nhằm tăng cường quản lý dòng vốn đầu tư gián tiếp trên thị trường theo quan điểm vừa khuyến khích vừa đảm bảo an toàn, minh bạch và không can thiệp trực tiếp bằng biện pháp hành chính.

Từ cuối năm 2006 đến đầu năm 2007, thị trường chứng khoán Việt Nam có bước phát triển vượt bậc, trong đó dòng vốn đầu tư gián tiếp đã có những tác động quan trọng. Tuy nhiên, cũng trong thời điểm này, những bất cập trong quản lý đã bộc lộ và cần khắc phục.

Một lần nữa, con số liên quan đến lượng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam lại được đề cập đến như một dẫn chứng cụ thể nhất về quy mô và mức độ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài hiện nay. Theo ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Trưởng ban Hợp tác quốc tế (Ủy ban Chứng khoán), con số đó ước tính khoảng 5 tỷ USD, gần với số liệu của một số quan chức Ngân hàng Nhà nước đưa ra tại một hội thảo gần đây.

Ông Cảnh cho rằng chính sự sôi động của thị trường thời gian qua là một cơ sở để các nước trên thế giới đánh giá Việt Nam là một nước có nền kinh tế thị trường; với giới đầu tư, Việt Nam trở thành một điểm đến mới đầy hấp dẫn. Ngoài tính hấp dẫn của một thị trường mới nổi, chính sách cởi mở như không ràng buộc trong cơ chế vào – ra đang tạo thuận lợi để các dòng vốn trên thế giới chuyển hướng vào Việt Nam.

Tính đến 31/5/2007, đã có tới 206 tổ chức, quỹ đầu tư đăng ký tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó phần lớn là các tổ chức quy mô và có uy tín trên thế giới. Tuy nhiên, vốn ngoại vào nhiều, nhà đầu tư nước ngoài vào nhiều lại đang đặt ra những thách thức trong quản lý.

“Nhất là với các dòng vốn ngắn hạn, họ coi thị trường Việt Nam là một cấu phần, một danh mục đầu tư, họ không có cam kết đầu tư dài hạn trong khi không có ràng buộc nào về mặt pháp lý bắt buộc họ phải găm giữ để hạn chế luồng vốn ra - vào. Đó là một thách thức đối với công tác quản lý”, ông Cảnh nói.

Ngoài ra, một vướng mắc trong cơ chế phân cấp quản lý và điều kiện tham gia đầu tư hiện đang tạo ra những kẽ hở mà Ủy ban Chứng khoán vẫn đang định hướng để khắc phục. Đó là hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài thông qua các văn phòng đại diện.

Ông Cảnh cho rằng những văn phòng này trước đây thường được mở qua Bộ Thương mại, Sở Thương mại các tỉnh dẫn đến tình trạng khó quản lý, khó kiểm soát các nguồn vốn và nghĩa vụ thuế... Đặc biệt là hiện nay đây là một kênh đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, trái với nguyên tắc phi kinh doanh của một văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó là cơ chế cho phép đầu tư nước ngoài đầu tư thông qua ủy quyền các cá nhân, mà theo ông Cảnh, cơ chế này thường không lâu dài, tiềm ẩn nhiều rủi ro và khó kiểm soát.

Vốn ngoại vào càng nhiều, quản lý càng khó. Bà Nguyễn Thị Liên Hoa, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán, thừa nhận rằng “vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài cuối năm 2006 đầu năm 2007 vào nhiều đã đặt ra một thực trạng là không kiểm soát được; nguồn vốn này giúp thị trường phát triển nhanh nhưng lại là một thách thức lớn đối với công tác quản lý”.

 Theo phân tích của bà Hoa, ngoại hối vào nhiều sẽ đẩy cung tiền mua ngoại tệ lớn, nếu điều hành cung tiền không tốt thì có thể dẫn tới tình trạng lạm phát. Và một vấn đề phát sinh trực tiếp nhất từ sự gia tăng nguồn vốn này trong thời gian qua là số trường hợp vi phạm trong khối nhà đầu tư nước ngoài đã gia tăng khá nhiều.

“Dù đó chưa phải là những vi phạm mang tính lũng đoạn thị trường, chủ yếu ở khía cạnh báo cáo thông tin, nhưng là một vấn đề cần quan tâm và cần tăng cường quản lý, vì dù sao hoạt động đầu tư của họ vẫn có tác động lớn tới nhà đầu tư trong nước”, bà Hoa nói.

Sẽ ban hành quy chế quản lý nhà đầu tư nước ngoài

Thông tin này được đại diện Ủy ban Chứng khoán đưa ra tại cuộc hội thảo liên quan tổ chức sáng 15/6. Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Vũ Bằng cũng đã đề cập đến quy chế này với quan điểm không hạn chế hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng sẽ có sự quản lý chặt chẽ hơn để hướng tới sự phát triển ổn định, an toàn và minh bạch hơn.

Hiện tại, việc kiểm soát hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài cũng như lượng vốn đầu tư gián tiếp vẫn có thể được cập nhật từng ngày thông qua hệ thống mã giao dịch và tài khoản của họ mở tại các ngân hàng thương mại, qua đó có thể giám sát, định hướng được xu hướng của từng thời kỳ.

Trong quy chế quản lý mà Ủy ban Chứng khoán đang xây dựng, dự kiến ban hành vào cuối tháng này, việc quản lý thông qua mã số, tài khoản giao dịch vẫn được áp dụng cũng như các rào cản liên quan đến tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp.

Điểm mới mà bà Hoa đề cập đến là việc thực hiện đăng ký lại các văn phòng đại diện của các tổ chức nước ngoài, quy về một mối là Ủy ban Chứng khoán. Đặc biệt, ủy ban cũng đang nghiên cứu khả năng chấm dứt việc ủy quyền đầu tư qua các cá nhân để tránh thất thu thuế và khó kiểm soát như hiện nay.

Trao đổi với báo giới mới đây, ông Vũ Bằng cũng nhấn mạnh đến khả năng này trong quy chế sắp ban hành, với “mục tiêu không phải là ngăn chặn nguồn vốn, mà muốn minh bạch để biết được lượng vốn vào ra, để có thể thích ứng linh hoạt trong quản lý ngoại hối và các chính sách liên quan”.

Ủy ban cũng sẽ nghiên cứu và đưa ra một hình thức ủy quyền khác nhằm tạo điều kiện để những dòng vốn đó vẫn vào được thị trường. Nhưng dù theo kênh nào, tính minh bạch vẫn là yêu cầu đầu tiên; đây cũng là một điểm được nhấn mạnh trong quy chế.

Ngoài ra, tại cuộc hội thảo nói trên, đại diện Ủy ban Chứng khoán cũng hé mở một khả năng mới, theo hướng khuyến khích dòng vốn đầu tư gián tiếp tham gia thị trường tích cực hơn. Đó là khả năng sẽ cho phép các quỹ đầu tư nước ngoài được mở chi nhánh tại Việt Nam trước thời điểm thực hiện các cam kết liên quan trong lộ trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), với điều kiện thị trường tiếp tục phát triển ổn định và lành mạnh.

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Hợp tác với các tập đoàn CNTT của Mỹ giúp FPT lớn mạnh (15/06/2007)

>   Hơn 50 hồ sơ xin thành lập mới CTCK (15/06/2007)

>   ITA thông báo cho việc phát hành thêm cổ phiếu (15/06/2007)

>   Sắp ban hành Quy chế quản lý nhà đầu tư nước ngoài (15/06/2007)

>   Full Power phát hành thêm 18 triệu cổ phiếu (15/06/2007)

>   PETROLIMEX thông báo trả cổ tức năm 2006 (15/06/2007)

>   Tin vắn TTGDCK Hà Nội ngày 15/6 (15/06/2007)

>   Savimex chế biến gỗ, trồng cao su và xây KCN tại Lào (15/06/2007)

>   “Thêm kênh thông tin cho nhà đầu tư chứng khoán” (15/06/2007)

>   Vốn Nhật sẽ tiếp tục "đổ bộ" vào chứng khoán Việt (15/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật