Thứ Ba, 05/06/2007 16:15

Vì sao NHNN lại khống chế cho vay đầu tư chứng khoán?

Các ngân hàng thương mại sẽ phải thu hồi nợ cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá đối với đầu tư, kinh doanh chứng khoán để đảm bảo mức dư nợ ở dưới 3% tổng dư nợ tín dụng theo Chỉ thị 03 của NHNN (ban hành ngày 28/5/2007).

Đây là nỗi lo lớn không chỉ với nhiều ngân hàng thương mại (NHTM), mà còn với cả những nhà đầu tư đang sử dụng dịch vụ cầm cố chứng khoán để vay vốn ngân hàng. Trong khi đó, Chỉ thị này sẽ có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo, khiến khoảng thời gian còn lại cho các ngân hàng, nhà đầu tư xử lý câu chuyện "tín dụng chứng khoán" cho vừa với quy định của NHNN là rất ngắn, nên càng gây lo lắng cũng như lúng túng trong xử lý cho các đối tượng liên quan.

Về phía NHNN, trao đổi với ĐTCK, quan chức thuộc Vụ Chính sách tiền tệ cho rằng, 3% dư nợ tín dụng dành cho đầu tư chứng khoán là mức an toàn chung cho TTCK cũng như thị trường tiền tệ. Lý do để NHNN ban hành quy định khống chế này là vốn tín dụng có xu hướng tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, trong khi cho vay để đầu tư, kinh doanh chứng khoán có nguy cơ rủi ro cao do TTCK đang điều chỉnh theo xu hướng giảm, việc thu thập thông tin từ thị trường để đánh giá, quản trị rủi ro còn bất cập. Cũng theo quan chức này thì việc khống chế cho vay đầu tư chứng khoán là phù hợp với chủ trương chung của Chính phủ cũng như NHNN trong việc không khuyến khích sử dụng vốn vay ngân hàng để đầu tư chứng khoán.

Nếu như khối NHTM nhà nước có sự thận trọng nhất định trong cho vay đầu tư chứng khoán, thì theo quan chức này, khối NHTM cổ phần đang cho vay "vô tội vạ" và điều này tiềm ẩn rủi ro lớn cho hệ thống ngân hàng và TTCK, vốn được ví như 2 chiếc bình thông nhau. Trả lời câu hỏi của ĐTCK về hướng xử lý trong trường hợp một NHTM nào đó cho vay đầu tư chứng khoán quá 3% tổng dư nợ, quan chức này cho biết, NHTM hoặc phải giảm ngay tỷ lệ cho vay đến mức cho phép, hoặc phải báo cáo lên NHNN đề xuất hướng xử lý. Đối với NHTM đã cho vay đến ngưỡng cho phép, quan chức này cho rằng, sẽ không được tiếp tục cấp tín dụng cho đầu tư chứng khoán.

Vậy làm thế nào NHNN kiểm soát được tỷ lệ 3%? Quan chức NHNN cho biết, cơ quan này sẽ tăng cường thanh tra, giám sát các loại hình cho vay sai mục đích và nếu ngân hàng nào vi phạm sẽ phải xử lý theo quy định pháp luật. Quan chức NHNN cũng phủ nhận tác động tiêu cực của Chỉ thị 03 đến TTCK và cho rằng, đây là một quy định cần thiết, góp phần tăng tính an toàn trong đầu tư chứng khoán.

Một thành viên khác của NHNN thì cho biết, thực tế NHNN đã có thông tin một số ngân hàng cho vay vượt mức 3% tổng dư nợ tín dụng. "Đầu năm nay, Thống đốc NHNN có đưa ra cảnh báo về việc cho vay cầm cố chứng khoán. Những ngân hàng nào cho vay vượt quá tỷ lệ 3% tổng dư nợ tín dụng có nghĩa là không coi trọng cảnh báo của NHNN," thành viên này cho biết.

Theo thành viên này, Chỉ thị 03 thực chất nhằm cụ thể hoá quy định của Thống đốc hồi đầu năm về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Tại đó, NHNN liệt kê nhóm các khoản vay để đầu tư vào chứng khoán, các khoản cho vay các công ty chứng khoán với mục đích kinh doanh và mua bán chứng khoán ở mức rủi ro cao nhất: 150%. Tại Quyết định 03/2007/NHNN ban hành hồi đầu năm, NHNN cũng quy định các NHTM không cấp tín dụng cho công ty chứng khoán thành viên, không được cho vay không có bảo đảm đối với các khoản vay nhằm đầu tư kinh doanh chứng khoán.

Tính đến hết năm 2006, theo thống kê không chính thức từ NHNN, dư nợ cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư, kinh doanh chứng khoán chiếm 2,6% tổng dư nợ của cả nước, ước tính khoảng 1.800 tỷ đồng. Như vậy, nếu NHNN giữ tăng trưởng tín dụng ở mức dự kiến 20% trong năm nay, dư nợ cho vay chứng khoán sẽ bị khống chế dưới mức 2.500 tỷ đồng.

Nhận định của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)

Những nỗ lực gần đây của nhà chức trách nhằm áp dụng những hạn chế mang tính an toàn đối với việc cho vay của các ngân hàng để mua chứng khoán là những bước đi rất đáng hoan nghênh. Những bước đi này sẽ giúp các ngân hàng bớt phải chịu rủi ro từ TTCK và dự phòng trước chu kỳ bùng nổ - suy thoái về giá chứng khoán có thể phải trả giá đắt.

Nguồn: IMF tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam giữa kỳ

ĐTCK

Các tin tức khác

>   Chấm dứt độc quyền trong đào tạo chứng khoán? (05/06/2007)

>   Tin vắn DN niêm yết tại TTGDCK TP.HCM ngày 5/6 (05/06/2007)

>   “Muốn làm cầu nối để giúp đỡ DN Việt Nam” (05/06/2007)

>   Dược Hậu Giang phát hành thêm 2 triệu cổ phiếu (05/06/2007)

>   “Chứng khoán Đài Loan từng có thời giống Việt Nam” (05/06/2007)

>   Cấp giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu ra công chúng cho CTCP Sản Xuất – Thương mại May Sài Sòn. (04/06/2007)

>   Cao su Thống Nhất chuẩn bị niêm yết (04/06/2007)

>   KIDO dự kiến sáp nhập với Kinh Đô (04/06/2007)

>   PVD nhận Giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu ra công chúng (04/06/2007)

>   Không thể thiếu nhà đầu cơ (04/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật