“Chứng khoán Đài Loan từng có thời giống Việt Nam”
Thực tế hoạt động của thị trường chứng khoán Đài Loan trước đây có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam lúc này và kinh nghiệm cũng như những sai lầm, đổ vỡ của họ thực sự là những bài học tốt cho Việt Nam trong việc điều hành, phát triển thị trường chứng khoán hiện nay.
Ông Sean C. Chen, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Đài Loan và hiện là Chủ tịch Công ty Chứng khoán KGI, công ty chứng khoán lớn nhất Đài Loan (Trung Quốc) hiện nay đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu này với báo chí.
Trong lịch sử phát triển của mình, thị trường chứng khoán Đài Loan đã từng có lần bị sụp đổ. Nguyên nhân được xác định là gì, thưa ông?
Ra đời cách đây 43 năm, thị trường chứng khoán Đài Loan (Trung Quốc) đã từng có thời kỳ phát triển rất nóng giống như thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay.
Vào thời cao điểm, đã có tới trên 1.100 doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Đài Loan và cũng chính thời điểm đó, thị trường chứng khoán Đài Loan đã một lần sụp đổ.
Năm 1988, thị trường chứng khoán Đài Loan sụp đổ bởi thời điểm đó, nền kinh tế Đài Loan đã đạt được một mức thặng dư thương mại lớn. Người dân có nhiều khoản tiền nhàn rỗi và đã sử dụng để đầu tư vào thị trường chứng khoán.
Trước những diễn biến này, các nhà quan chức của chính quyền, cụ thể là Bộ trưởng Bộ Tài chính đã quyết định đánh một loại thuế thu nhập đặc biệt vào các khoản lợi nhuận thu được từ hoạt động đầu tư chứng khoán. Chỉ một ngày sau khi quyết định này được thực thi, toàn thị trường chứng khoán Đài Loan đã sụp đổ hoàn toàn.
Và trong suốt 19 ngày sau đó, không có bất cứ một giao dịch nào diễn ra. Sau đó đã phải bãi bỏ chính sách thuế nói trên và chỉ nhờ có vậy thị trường chứng khoán Đài Loan mới được khôi phục và hoạt động trở lại bình thường.
Sự sụp đổ này đã gây ra những tác động nào đến các nhà đầu tư nói riêng và nền kinh tế Đài Loan nói chung, thưa ông?
Những nhà đầu tư chứng khoán của Đài Loan khi đó chủ yếu sử dụng tiền tiết kiệm của họ để đầu tư vào thị trường chứng khoán, chứ không phải dùng tiền vay nên ảnh hưởng tới họ là không mấy đáng kể.
Tương tự thì nền kinh tế Đài Loan khi đó cũng đang rất phát triển trong một thời gian khá dài nên sự sụp đổ của thị trường chứng khoán chỉ trong vòng hơn nửa tháng đã không có tác động lớn đến các chỉ số và cân đối kinh tế vĩ mô.
Ở Việt Nam hiện có tình trạng nhiều nhà đầu tư vay vốn ngân hàng để đầu tư vào thị trường chứng khoán. Từ kinh nghiệm thực tế của thị trường chứng khoán Đài Loan, theo ông, điều này có đáng ngại không?
Kiểu đầu tư như vậy chúng tôi thường gọi là đánh bạc trên thị trường chứng khoán và xu hướng này của các nhà đầu tư sẽ là một trong những nguy cơ lớn gây sụp đổ thị trường chứng khoán. Có thể sự cố chưa thể xảy ra ngay, nhưng nguy cơ tiềm ẩn thường là sau 2 năm.
Tôi cũng xin nhắc lại là thị trường chứng khoán Đài Loan sở dĩ phục hồi nhanh ngay sau khi sụp đổ vào năm 1988 là do các nhà đầu tư khi đó chủ yếu dùng tiền tiết kiệm của họ để đầu tư.
Tôi muốn chia sẻ với các bạn một kinh nghiệm là ngoài việc hạn chế sử dụng tiền vay của các tổ chức tín dụng để đầu tư vào thị trường chứng khoán, thì khi đầu tư cũng không nên bỏ tiền vào một doanh nghiệp mà mình chưa mấy hiểu biết theo kiểu hú họa.
Đây là điều rất nguy hiểm và rủi ro không chỉ cho các bạn, mà cho cả thị trường chứng khoán nói chung.
TBKTVN
|