Từ IPO Bảo Việt đến Vietcombank
“Vietcombank sẽ vẫn phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào cuối tháng 8/2007”.
Tổng giám đốc Vietcombank Vũ Viết Ngoạn khẳng định như vậy khi được hỏi liệu ngân hàng có tiến hành IPO trễ hơn sau khi Chính phủ có văn bản đề nghị các doanh nghiệp tầm cỡ cân nhắc kỹ thời điểm phát hành cổ phiếu.
Theo ông Ngoạn, phương án cổ phần hóa Vietcombank đã được trình lên Chính phủ từ hai tuần trước và ông hy vọng Chính phủ sẽ có quyết định trước ngày 10/7. Như vậy Vietcombank sẽ có ít nhất một tháng chuẩn bị cho ngày “ra mắt” công chúng.
Sau Bảo Việt, giới đầu tư cả trong và ngoài nước đang rất quan tâm đến tiến trình cổ phần hóa Vietcombank, đặc biệt là việc xác định giá trị doanh nghiệp. Việc xác định giá trị phần vốn nhà nước tại Bảo Việt đã cho thấy cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn đang có những thay đổi cơ bản so với chuyển đổi sở hữu của các công ty nhỏ trước đây.
Ông Ngoạn cho biết chưa thể đề cập một cách cụ thể giá trị phần vốn nhà nước tại Vietcombank khi phương án cổ phần hóa chưa được Chính phủ phê duyệt, nhưng cũng hé mở rằng về cơ bản vốn chủ sở hữu của ngân hàng, hiện khoảng 11.000 tỉ đồng (đã tính cả số trái phiếu chuyển đổi đang niêm yết trên sàn Tp.HCM) sẽ được giữ nguyên.
Sau khi xác định giá trị ngân hàng theo thông lệ quốc tế, Vietcombank sẽ không điều chỉnh lại các chỉ số sổ sách. Giá trị ngân hàng sẽ được lấy làm cơ sở tham khảo để xác định phần vốn nhà nước và phần vốn dự kiến sẽ huy động thêm. Phương thức cổ phần hóa của Vietcombank là giữ nguyên phần vốn nhà nước, phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn.
Vốn điều lệ của ngân hàng trước khi cổ phần hóa vẫn là hơn 4.300 tỉ đồng (Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2006). Vietcombank chỉ đăng ký vốn điều lệ mới sau khi toàn bộ số cổ phiếu phát hành ra công chúng, kể cả dành cho các đối tác chiến lược, thực hiện xong.
Vốn điều lệ của Vietcombank sẽ là bao nhiêu? Đây vẫn là ẩn số, nhưng có thể dự đoán nó sẽ không thấp hơn 11.000 tỉ đồng là vốn chủ sở hữu hiện nay.
Năm ngoái Vietcombank đạt lợi nhuận sau thuế gần 2.900 tỉ đồng. Tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ (2.900 tỉ đồng/4.300 tỉ đồng) cao thuộc hàng nhất nhì trong các doanh nghiệp quốc doanh. Tuy nhiên sau cổ phần hóa, đăng ký vốn điều lệ mới, tỷ lệ này sẽ giảm đáng kể. “Lợi nhuận sau thuế 2007 của chúng tôi dự kiến khoảng 3.000-3.200 tỉ đồng, cao hơn 10% so với năm 2006”,ông Ngoạn nói.
Vốn điều lệ dự đoán có khả năng tăng gấp ba (300%), trong khi lợi nhuận sau thuế có thể tăng 10%. Sự chênh lệch quá lớn này sẽ tác động mạnh đến sức hấp dẫn của cổ phiếu Vietcombank. Ở đây chỉ có tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng được cải thiện sâu sắc một khi vốn điều lệ tăng lên. Hiện Vietcombank có tổng tích sản tới 180.000 tỉ đồng.
Vietcombank, như lời ông Ngoạn, sẽ tránh một “ổ gà” lớn trên đường cổ phần hóa là không có một phần khống về vốn khi xác định phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp như Bảo Việt. Nhưng dường như chất liệu dựng nên con đường mang tên “vốn nhà nước” ở Vietcombank cũng sẽ không khác ở Bảo Việt là bao!
Điều này giới đầu tư nước ngoài, nhất là các tổ chức tài chính quốc tế, nhận ra không quá khó khăn. Nó lý giải tại sao đa số họ chỉ bỏ giá Bảo Việt ở mức dưới 60.000 đồng/cổ phiếu trong đợt đấu giá vừa qua trong khi trước đó 2-3 tháng họ đã từng nhận định giá cổ phiếu Bảo Việt có thể lên tới cả trăm ngàn đồng. Họ đã nhìn ra giá trị thật của cổ phiếu và giá vốn mà họ có thể đầu tư thông qua cách thức định giá phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Trong khi đó trên thị trường giá cổ phiếu Bảo Việt càng gần đến ngày nộp tiền mua (kết thúc vào 26/6) càng giảm. Đã có những lô giao dịch ngang bằng với giá đấu giá thành công thấp nhất, khoảng 68.000 đồng/cổ phiếu. Khả năng những nhà đầu tư trúng thầu với mức giá trên 75.000 đồng/cổ phiếu bỏ cọc là khá lớn. Theo quy định nếu số lượng bỏ cọc trên 30% số cổ phiếu đấu giá, Bảo Việt sẽ phải đấu giá lại.
Bà Nguyễn Thị Phúc Lâm, Tổng giám đốc Bảo Việt cho biết đến nay việc đàm phán với các đối tác nước ngoài của Bảo Việt chưa thể tiến hành vì cả hai phía đang đợi kết quả đấu giá bình quân thành công thực tế vào ngày 26/6 (tức giá bình quân người trúng nộp tiền). Giá này chắc chắn sẽ thấp hơn giá đấu bình quân của ngày 31/5 là 73.910 đồng/cổ phiếu. Giá mà các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước mua tối thiểu sẽ bằng giá của ngày 26/6.
Bà Lâm nói cả ba đối tác trong nước đã nộp tiền cọc 142 tỉ đồng cho Bảo Việt. Cán bộ công nhân viên Bảo Việt đã nộp tiền mua cổ phiếu với giá ưu đãi, giảm 40% của mức giá 73.910 đồng. Tới đây họ sẽ được trả lại phần tiền chênh lệch, vì họ sẽ được mua theo giá ưu đãi giảm 40% giá của ngày 26/6, không phải giá của ngày 31/5.
Điều đã rõ ràng là các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ đang chịu thiệt thòi vì họ sẽ phải mua cổ phần Bảo Việt theo giá đấu thầu bình quân thành công của ngày 31/5 nếu họ chấp nhận đóng tiền, không bỏ cọc. Trong khi đó, các tổ chức chuyên nghiệp vốn có tiềm lực tài chính, lại được mua với giá tối thiểu thấp hơn giá mà nhà đầu tư cá nhân có thể mua.
Đây thực sự không công bằng cho các nhà đầu tư cá nhân. Chuyện này liệu có lặp lại trong quá trình IPO các doanh nghiệp khác sau Bảo Việt?
TBKTSG
|