Thứ Sáu, 22/06/2007 08:46

“Nâng tầm Vinalines, nâng tầm logistic”

Ngành kinh doanh kho vận sẽ có nhiều đổi khác khi Tổng công ty Hàng hải trở thành tập đoàn kinh tế vào cuối năm nay.

Đó là nhận định của ông Dương Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) trong cuộc trò chuyện với VnEconomy.

Sẽ xây dựng chuỗi logistic khép kín

Ông đánh giá thế nào về năng lực của ngành kinh doanh kho vận Việt Nam hiện nay?

Ngành kinh doanh kho vận (hay còn gọi là logistic) là một ngành có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sản xuất và lưu thông hàng hóa. Ở nhiều nước trên thế giới, logistic đã phát huy tác dụng và làm tăng giá trị cũng như sức cạnh tranh của hàng hóa.

Còn ở Việt Nam, mặc dù hoạt động logistic cũng đã được đưa vào hoạt động nhưng nhìn chung quy mô vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán, chưa hình thành được các trung tâm lớn cũng như chưa kết nối được các hoạt động vận tải đa phương thức, từ vận tải biển kết nối với cảng, vận tải đường bộ, thủy nội địa...

Chính vì vậy, trong những năm qua, ngành logistic Việt Nam chưa thể hiện rõ nét được vị trí, vai trò của nó đối với sản xuất và lưu thông hàng hóa.

Nhưng so với nhiều nước khác thì con số 300 doanh nghiệp đang hoạt động cũng không phải là ít. Vậy tại sao ngành logistic Việt Nam vẫn được xem là chưa đủ tầm?

Trong thời gian qua có nhiều đơn vị, kể cả nhà nước và tư nhân tham gia hoạt động logistic. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp của Việt Nam chỉ mới tham gia thực hiện một số công đoạn trong chuỗi logistic mà thôi.

Nhưng điều quan trọng là các doanh nghiệp logistic của Việt Nam chưa kết nối với nhau để tạo thành một chuỗi dịch vụ hoàn hảo, mà chúng ta mới chỉ thực hiện một khâu đầu của logistic, đó là vận tải hoặc kho bãi hay có doanh nghiệp chỉ mới giải quyết được thủ tục thông quan.

Đồng thời, về mặt luật pháp, chúng ta cũng chưa có những nghị định, thông tư cụ thể để hướng cho các doanh nghiệp đầu tư, phát triển logistic nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển rất nhanh của nền kinh tế.

Nhưng có một tín hiệu mừng là thời gian gần đây, Đảng và Nhà nước đã có những chiến lược phát triển đối với các ngành kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển. Chiến lược này đã đặt ra cho các doanh nghiệp một bài toán, một yêu cầu là phải tổ chức, hợp lực lại để tạo nên một chuỗi khép kín nhằm tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa khi chúng ta gia nhập WTO.

Đứng trước những vấn đề này, với vai trò là “người anh cả” của logistic Việt Nam, Vinalines sẽ làm gì, thưa ông?

Chúng tôi đã và sẽ tập trung đầu tư những trung tâm logistic lớn, kết hợp với phát triển cơ sở hạ tầng cho vận tải đường biển, đường thủy nội địa, đường bộ, cảng và hệ thống kho bãi ICD ở các trung tâm, các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu vực biên giới.

Hiện Vinalines đang xây dựng kế hoạch phát triển logistic với một hệ thống xuyên suốt từ Bắc vào Nam, tạo ra một sự kết nối không chỉ với các khu kinh tế, khu đô thị mà còn với các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan… Khi đó, logistic mới thực sự là một chuỗi khép kín, hoàn hảo trong một chu trình sản xuất hàng hóa, giúp cho hàng hóa của Việt Nam giảm chi phí và tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Ngoài ra, chúng tôi cũng tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp logistic vừa và nhỏ khác để tạo điều kiện cho họ có thể tham gia vào một hoặc vài khâu trong chuỗi logistic trọn gói mà Vinalines tổ chức thực hiện.

 Chúng tôi ý thức rằng, kể cả khi logistic Việt Nam đã phát triển thì Vinalines vẫn phải là “con chim đầu đàn” của logistic Việt Nam. Vì vậy, từ nay đến 2010, chúng tôi sẽ đầu tư 500 triệu USD cho việc phát triển hạ tầng của logistic và đến 2020 thì có thể là sẽ gấp 3 lần.

Mục tiêu tập đoàn cuối năm 2007

Ông có thể cho biết một số dự án cụ thể trong chiến lược phát triển của Vinalines đến 2010, tầm nhìn 2020 vừa được Thủ tướng phê duyệt?

Trong kế hoạch phát triển trung - dài hạn của Vinalines vừa được Thủ tướng phê chuẩn có nhấn mạnh đến việc xây dựng Vinalines thành một tập đoàn mạnh trong khu vực với đa ngành, đa sở hữu. Trong đó, Vinalines sẽ tập trung vào lĩnh vực chính, đó là phát triển đội tàu của Vinalines thành đội tàu chủ lực trong vận tải biển của Việt Nam.

Từ nay đến 2010, chúng tôi sẽ đầu tư để có 2,6 - 3 triệu tấn trọng tải đội tàu và đến 2020 là 7 - 8 triệu tấn trọng tải đội tàu. Tổng mức đầu tư từ nay đến 2010 là 2,5 tỷ USD dành cho phát triển đội tàu và đến 2020 sẽ tăng lên gấp 3 lần.

Lĩnh vực thứ hai, Vinalines sẽ tập trung đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển, đặc biệt là các cảng cửa ngõ ở ba miền Bắc – Trung – Nam và 2 cảng trung chuyển của quốc gia là Cảng Vân Phong (Khánh Hòa) và Cảng quốc tế tại đảo Cát Hải (Hải Phòng).

Lĩnh vực thứ ba là tập trung phát triển dịch vụ logistic thành một chuỗi khép kín, trọn gói để tạo sự bứt phá cho hạ tầng của ngành hàng hải, từ đó tăng sự cạnh tranh cho ngành logistic Việt Nam.

Được biết, mục tiêu của Vinalines là trở thành một tập đoàn kinh tế vào cuối năm nay. Vậy Vinalines đã chuẩn bị cho mục tiêu này đến đâu?

Hiện nay, chúng tôi đang tập trung triển khai các nội dung quan trọng trong Quyết định của Thủ tướng về việc chuyển đổi Tổng công ty Hàng hải thành Tập đoàn Hàng hải quốc gia Việt Nam vào cuối năm 2007. Việc hoàn thiện điều lệ, quy chế hoạt động cũng như sắp xếp bộ máy đang được chúng tôi gấp rút thực hiện. Với sự chuẩn bị này, khi được Thủ tướng phê chuẩn thì chúng tôi sẽ nhanh chóng bắt nhịp ngay.

Hơn nữa, trong thời gian qua Vinalines cũng đã thực hiện hoạt động theo cơ chế công ty mẹ - công ty con (theo Quyết định số 217 của Thủ tướng), cho nên hoạt động của Vinalines cũng đã và đang thực hiện theo nội dung của một tập đoàn kinh tế lớn.

Ngoài ra, trong thời gian qua, Vinalines đã triển khai đa dạng hóa sở hữu và ngành nghề kinh doanh, mở rộng lĩnh vực và quy mô hoạt động. Vì vậy, cho đến thời điểm này có thể khẳng định, Vinalines đã đáp ứng đủ các tiêu chí để trở thành một tập đoàn kinh tế lớn.

Đã cổ phần hóa xong các doanh nghiệp dịch vụ

Vậy còn quá trình cổ phần hóa của Vinalines thì như thế nào, thưa ông?

Cổ phần hóa Vinalines là một trong những mảng được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao. Hiện nay, Vinalines đã cổ phần hóa gần hết các đơn vị vận tải biển, chỉ còn 2 đơn vị nữa sẽ tiến hành ngay trong quý III năm nay. Còn các doanh nghiệp dịch vụ thì đã hoàn thành cổ phần hóa 100%.

Riêng 4 cảng lớn là: Cảng Hải Phòng, cảng Quảng Ninh, cảng Đà Nẵng và cảng Sài Gòn thì sẽ chuyển thành các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Còn các xí nghiệp thành viên của các cảng đó thì sẽ cho tiến hành cổ phần hóa.

Tính đến thời điểm này,Vinalines đã tiến hành cổ phần hóa cơ bản hơn 90% trên tổng số 61 đơn vị thành viên. Các đơn vị đã cổ phần hóa đều kinh doanh hiệu quả, điều này đã tạo ra những cơ sở, nền tảng vững chắc cho việc trở thành tập đoàn kinh tế vào cuối năm nay.

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Làm sao để không mất tiền cọc? (22/06/2007)

>   "Bể" kế hoạch CPH BV Bình Dân: Hàng loạt nhà đầu tư nuốt "trái đắng" (22/06/2007)

>   Đồng Nai: Nhiều DNNN sẽ được CPH (21/06/2007)

>   Thành lập Ban Chỉ đạo CPH Tập đoàn Dệt may Việt Nam (21/06/2007)

>   IPO Công ty Cổ phần Vincom: Tạo sóng thị trường? (21/06/2007)

>   Chậm cổ phần hóa VinaPhone để lấy kinh nghiệm (21/06/2007)

>   Lượng đặt mua cổ phần PVI gấp 5 lần (21/06/2007)

>   Không cổ phần hóa bệnh viện Bình Dân (21/06/2007)

>   Saigon Hoàng Long Taxi bắt tay hợp tác với Mecom (21/06/2007)

>   16 tập đoàn là đối tác chiến lược của Eximbank VN (21/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật