Thu thuế đối với hoạt động đầu tư CK của cá nhân ở VN: Sẽ khả thi?
Phương thức thu, nộp thuế khoán được phân biệt giữa cổ phiếu niêm yết và cổ phiếu chưa niêm yết: Đối với cổ phiếu niêm yết Cty chứng khoán có trách nhiệm khấu trừ khoản thuế thu nhập DN và nộp thay.
Đối với cổ phiếu chưa niêm yết: nếu Cty CP uỷ quyền cho Cty chứng khoán quản lý toàn bộ danh sách cổ đông và thực hiện các thủ tục chuyển nhượng cổ phiếu giữa các nhà đầu tư, giữa Cty với các tổ chức đầu tư thì việc khấu trừ và kê khai nộp thuế thực hiện như đối với trường hợp cổ phiếu niêm yết. Nếu Cty CP không uỷ quyền cho Cty chứng khoán quản lý danh sách cổ đông thì các Cty CP có trách nhiệm khấu trừ tiền thuế và kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế với cơ quan thuế.
Thu nhập từ hoạt động đầu tư chứng khoán của cá nhân hiện hành tạm thời chưa thu thuế. Dự kiến trong Luật thuế thu nhập cá nhân sẽ điều tiết thu nhập từ hoạt động này. Thu nhập trong hoạt động đầu tư chứng khoán của cá nhân sẽ phát sinh dưới các hình thức thu nhập từ lợi tức CP, từ lãi tiền cho vay, thu nhập từ việc chuyển quyền sở hữu chứng khoán. Đối với chứng khoán được hưởng quyền ưu đãi thì thu nhập chỉ phát sinh khi chuyển quyền ưu đãi. Ví dụ Cty CP chứng khoán Sài gòn (SSI) dự kiến tăng vốn nên có kế hoạch tăng số lượng cổ phiếu phát hành, một trong các biên pháp là bán thêm cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu với giá không quá 50.000 đ/cổ phiếu. Trong khi đó giá cổ phiếu trên thị trường là 180.000 đ/cổ phiếu. Như vậy khi cá nhân bỏ tiền mua thêm chứng khoán thì khoản chênh lệch 130.000 đ chưa phát sinh mà chỉ khi cá nhân bán cổ phiếu đó và giá tính tại thời điểm chuyển nhượng.
Việc quy định cụ thể về cách xác định thu nhập chịu thuế đối với hoạt động đầu tư chứng khoán là rất quan trọng. Đối với lãi tiền vay và lợi tức CP do đặc điểm hai khoản thu nhập này khác nhau về nguồn gốc: lãi tiền vay chưa bị thu thuế ở cấp độ Cty (bên đi vay) còn lợi tức CP đã thu thuế ở cấp độ Cty, nên chính sách thuế quy định thuế suất giống nhau đối với hai loại này sẽ là không bình đẳng. Tuy nhiên, các nước có quy định thuế suất này giống nhau nhưng khi tính thuế đối với thu nhập từ lợi tức CP được trừ số thuế đã nộp ở cấp độ Cty. Một trong các phương pháp trừ thuế để hạn chế tính trùng là khi kê khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân, cá nhân có lợi tức CP sẽ được quy đổi lại thành thu nhập có thuế (Cty), sau đó cộng các khoản thu nhập cá nhân trong năm nhận được căn cứ biếu thuế thu nhập cá nhân tính số thuế phải nộp và sẽ được trừ số thuế đã nộp ở Cty. Ví dụ Pháp có quy định thuế suất thuế thu nhập Cty là 33,3%, như vậy thu nhập chịu thuế Cty = nhà nước thu 1/3 + Cty 2/3, giả sử số tiền cổ đông nhận được là 30 triệu thì quy ngược lại thu nhập chịu thuế sẽ là 30 triệu + ½ cuả 30 triệu (thuế nộp ở Cty) = 45 triệu. Số thu nhập này được cộng chung vào thu nhập từ tiền lương và các khoản thu nhập chịu thuế khác của cá nhân. Giả sử tính số thuế thu nhập cá nhân phải nộp là 40 triệu thì cá nhân sẽ được trừ số thuế đã nộp ở Cty 15 triệu, chỉ còn phải nộp 25 triệu. Đối với VN, trong thời gian đầu nên miễn thuế đối với lợi tức CP. Khi trình độ quản lý thu nhập tốt sẽ thu thuế lợi tức CP nhưng cần cho phép trừ phần thuế đã nộp ở cấp độ Cty. Thực tế với sự hoạt động của thị trường chứng khoán vừa qua, người đầu tư có thu nhập cao chủ yếu từ chuyển nhượng cổ phiếu, lãi CP họ ít quan tâm và không nhiều.
Đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán việc xác định thu nhập chịu thuế nếu chỉ là giá bán - giá mua thì chưa đủ mà cần cho trừ cả phí giao dịch, bởi vì khi thực hiện lệnh bán, lệnh mua, các Cty chứng khoán đều trừ khoản phí (hiện hành 0,5%). Cá nhân đầu tư chứng khoán có nhiều loại và việc mua, bán phát sinh thường xuyên trên thị trường niêm yết và thị trường OTC. Vì vậy việc xác định chênh lệch để thu ngay là khó.
Còn tiếp
DĐDN
|