Thứ Sáu, 15/06/2007 06:47

Sẽ kiến nghị Thủ tướng chưa phê duyệt thành lập cty cổ phần mua bán điện

Theo nguồn tin của SGGP, hôm qua, 14-6, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công nghiệp) đã có văn bản gửi về Bộ Công nghiệp, trình bày quan điểm của cơ quan này về việc thành lập công ty cổ phần mua bán điện do EVN soạn thảo. Cơ quan này đề nghị Bộ Công nghiệp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chưa thông qua để án thành lập công ty mua bán điện do EVN trình.

Thiếu cơ sở pháp lý, cản trở thị trường điện

Theo Cục Điều tiết điện lực, cơ sở để đưa ra kiến nghị trên là việc EVN nêu các cơ sở pháp lý của việc thành lập công ty mua bán điện gồm cả Quyết định số 148 của Thủ tướng về thành lập Công ty mẹ - Tập đoàn điện lực Việt Nam và thông báo số 46/TB-VPCP ngày 16-3 của Văn phòng Chính phủ là không phù hợp với các cơ sở pháp lý cho phát triển thị trường điện. Việc công ty mua bán điện thành lập dưới dạng cổ phần sẽ gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng đối với quá trình phát triển thị trường điện, áp lực tăng giá điện, đảm bảo an ninh cung cấp điện và thu hút đầu tư vào ngành điện.

Sẽ không thể có sự minh bạch trong hoạt động của công ty khi các cổ đông vừa là người bán vừa là người mua. Thành lập công ty mua bán điện để làm chức năng của đơn vị mua duy nhất thì trên thực tế sẽ gần như không thể vận hành được vì mâu thuẫn quyền lợi trong công ty cổ phần.

Đối với khả năng phát triển của thị trường điện, mô hình công ty cổ phần mua bán điện nếu được thực hiện cũng sẽ gây cản trở gần như không thể khắc phục được khi chuyển từ giai đoạn thị trường phát điện cạnh tranh sang giai đoạn thị trường bán buôn điện, vì sẽ không thể xuất hiện được một công ty mua bán buôn điện mới nào đủ sức mạnh để có thể cạnh tranh với công ty này, và như vậy là đã đi ngược với tinh thần của Luật Điện lực về phát triển thị trường điện cạnh tranh.

Đẩy rủi ro về giá điện cho người tiêu dùng

Các cổ đông chiến lược của công ty cổ phần mua bán điện là 5 tập đoàn kinh tế lớn và các công ty cổ phần nguồn điện do EVN chi phối, hiện nắm giữ trên 80% tổng công suất nguồn toàn hệ thống thì thực chất sẽ là chuyển từ độc quyền của một doanh nghiệp nhà nước sang độc quyền của một doanh nghiệp cổ phần mang tính tư nhân (độc quyền cổ đông). Với vai trò thống lĩnh thị trường như vậy, lại nắm giữ toàn bộ các mắt xích quan trọng nhất trong dây chuyền định giá điện, công ty cổ phần sẽ vì lợi ích của mình mà đẩy cao giá điện bán lẻ và đưa toàn bộ rủi ro về giá điện cho người tiêu dùng gánh chịu.

“Chuyển” trách nhiệm về an ninh cấp điện cho tư nhân

Vấn đề bảo đảm an ninh cung cấp điện cho xã hội là một vấn đề lớn, phức tạp. Chỉ cần một mắt xích vận hành không tốt hoặc có chủ trương chính sách không thích hợp thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp, trước mắt hoặc lâu dài đến an ninh cung cấp điện.

Theo một cán bộ Cục Điều tiết điện lực, thực tế tình hình cung cấp điện những tháng 4, 5 cuối mùa khô năm 2007 cho thấy, theo tính toán của nhiều cơ quan chức năng, sản lượng điện có thể thiếu từ 100 – 150 triệu kWh nhưng EVN vì lợi nhuận đã yêu cầu các công ty điện lực cắt giảm lượng điện lên tới 500 – 600 triệu kWh.

Nhiều chuyên gia lâu năm trong ngành cho rằng, thực sự công suất thiếu hụt không nhiều như EVN nêu mà thực tế là để giảm lượng điện phải mua từ các nguồn điện giá cao (nhiệt điện dầu, tua bin khí chạy dầu) để giảm lỗ tức thời, gây ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống xã hội. Liệu hiện tượng này có thể loại trừ được không khi trao chức năng đảm bảo cung cấp điện vào tay một công ty cổ phần mua bán điện hoạt động theo lợi nhuận.

Trong khi đó, EVN được nhà nước giao quản lý một tài sản rất lớn lên tới 80.000 tỷ đồng, lẽ ra phải chịu trách nhiệm về an ninh cung cấp điện thì lại đẩy trách nhiệm đó sang cho một doanh nghiệp tư nhân và đứng ngoài thu lợi nhuận để đưa vào các hoạt động sản suất kinh doanh khác (như viễn thông, ngân hàng, bất động sản...) không phải là lĩnh vực hoạt động chính được nhà nước giao.

Do đó, Bộ Công nghiệp cần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chưa thông qua đề án thành lập công ty mua bán điện do EVN trình và giao EVN hoàn thiện lại đề án và trình các bộ ngành xem xét để trình Chính phủ trong đề án tổng thể tái cơ cấu ngành công nghiệp điện lực cho phát triển thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam như Luật Điện lực đã quy định.

Trao đổi với PV SGGP, một lãnh đạo Văn phòng Chính phủ (VPCP) cho biết, vấn đề thành lập công ty đã được SGGP và một số cơ quan báo chí rất quan tâm, đăng tải ý kiến của một số cơ quan, các chuyên gia về vấn đề này. Do còn có những ý kiến khác nhau, còn băn khoăn, chưa đồng tình với việc thành lập công ty cổ phần mua bán điện nên VPCP sẽ trình Thủ tướng cả phản ứng của công luận đối với đề án thành lập công ty này.

SGGP

Các tin tức khác

>   Vinacafe Biên Hòa nâng tỷ lệ trả cổ tức (14/06/2007)

>   Chuyển đổi thành cty cổ phần, khi nào và như thế nào? (14/06/2007)

>   Cấp giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu ra công chúng cho CTCP Nhựa Tân Hoá. (14/06/2007)

>   Về hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng của VPBank (14/06/2007)

>   PVI chốt danh sách cổ đông để tăng vốn vào ngày 20/6 (14/06/2007)

>   Mua quyền mua cổ phiếu ngân hàng chưa thành lập rất rủi ro (14/06/2007)

>   “Tránh lập ngân hàng để bán cổ phiếu” (14/06/2007)

>   Cổ phiếu ngành dược: Đâu phải loại nào cũng hấp dẫn! (14/06/2007)

>   Temasek đầu tư vào Công ty Minh Phú (14/06/2007)

>   Thông tin đăng ký tham gia đấu giá cổ phần Cty Cổ phần Bột mì Bình An (14/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật